Lúng túng trong giải bài toán nông sản 'sạch'

13/01/2017 08:11

(Baonghean) - Sản xuất sản phẩm an toàn hiện đang là vấn đề “nóng” được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong ngành nông nghiệp. Giải quyết vấn đề này cần quan tâm ngay từ khâu sản xuất, tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều khó khăn, bất cập cần có giải pháp tháo gỡ.

Khó nhân rộng mô hình

Sản xuất nông sản, thực phẩm là khâu quan trọng để cho ra sản phẩm ATVSTP. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay đang chủ yếu theo lối canh tác “tự do” của người nông dân; nghĩa là khi gặp dịch hay sâu bệnh thì tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật đối với cây trồng hay sử dụng thuốc kháng sinh đối với vật nuôi được bán trôi nổi trên thị trường.

Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ trong sản xuất của nông dân cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm rau, củ. Thậm chí có một bộ phận nông dân vì lợi nhuận hoặc do nhận thức hạn chế đã sử dụng các chất kích thích hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đủ thời gian cách ly đưa ra thị trường. Đây chính là vấn đề mà lâu nay dư luận vẫn cho rằng, người nông dân đang còn có sự phân biệt, giữa “luống rau dành cho nhà ăn và luống rau dành để bán”.

Đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung ương kiểm tra tại một cơ sở sản xuất giò chả ở TP Vinh
Đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung ương kiểm tra tại một cơ sở sản xuất giò chả ở TP Vinh

Để giải quyết thực trạng nêu trên, đòi hỏi phải thay đổi phương thức sản xuất thông qua áp dụng các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn, từ khâu chọn giống, áp dụng quy trình sản xuất đến thu hoạch. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Huyện Diễn Châu, được coi là địa bàn có nền nông nghiệp phát triển khá mạnh, bao gồm cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; người nông dân cũng khá năng động trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhưng việc triển khai các mô hình sản xuất an toàn vẫn đang gặp khó khăn. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Mặc dù huyện đã triển khai tuyên truyền, tập huấn về sản xuất rau an toàn một cách sâu rộng cho nông dân, nhưng việc triển khai áp dụng trên thực tế vẫn đang còn rất khiêm tốn. Hiện tại, trên địa bàn huyện mới chỉ có một số mô hình sản xuất an toàn, gồm rau tại các xã Diễn Thành và Diễn Lộc; gà với sản phẩm trứng gà ở xã Diễn Trung; nuôi lợn ở xã Diễn Thọ.

Tương tự, tại huyện Thanh Chương, từ sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa nhưng cho đến nay vẫn chưa có một mô hình sản xuất nào đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thực tiễn thời gian qua, huyện Thanh Chương mới chỉ xây dựng và triển khai đề án phát triển gà đồi Thanh Chương; đối với cây chè, người dân chỉ bón một lần phân NPK vào gốc thời điểm cuối vụ - sau khi thu hoạch; cho nên, tuy không tiến hành kiểm nghiệm để công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP nhưng có thể nói 2 sản phẩm trên đều đảm bảo sạch. Ở huyện Nghi Lộc, theo ông Võ Bá Long - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, dù huyện đã chỉ đạo nhưng cho đến nay vẫn chưa có mô hình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thừa nhận việc áp dụng các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm đang còn khiêm tốn trên địa bàn tỉnh, ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, cho rằng: Việc xây dựng các mô hình lâu nay đang dựa vào chủ thể là các hợp tác xã và hộ nông dân. Quá trình xây dựng, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật, tư vấn, đánh giá để công nhận sản phẩm an toàn với thời gian áp dụng thường trong một năm đầu làm mô hình, cho nên dẫn đến nhiều mô hình khi hết hỗ trợ cũng hết luôn mô hình; bởi tâm lý của người nông dân không muốn bỏ tiền để được đánh giá, kiểm nghiệm công nhận sản phẩm của mình an toàn.

Điều này làm cho việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn vì các đơn vị tiêu thụ và người tiêu dùng không thể sử dụng sản phẩm bằng niềm tin khi không có tổ chức kiểm định chứng nhận. Khó tiêu thụ thì việc sản xuất cũng ngừng trễ, thậm chí là mất luôn mô hình. Một vấn đề khó khăn nữa, đó là để sản xuất một sản phẩm tốt thì phải chấp hành đúng quy trình sản xuất, theo dõi và ghi chép nhật ký đầy đủ, chi tiết sinh trưởng cũng như sự bất thường và các biện pháp áp dụng đối với cây trồng, vật nuôi trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, một phần do không có thói quen, một phần do quy mô chủ yếu nông hộ nhỏ lẻ nên vấn đề này dễ bị người nông dân bỏ qua.

Đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung ương kiểm tra tại siêu thị BigC Vinh. Ảnh: Thành Chung.
Đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung ương kiểm tra tại siêu thị BigC Vinh. Ảnh: Thành Chung.

Đề cập đến lý do khác, ông Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: Vấn đề mấu chốt là vấn đề nhận thức của người nông dân còn hạn chế, đang còn chạy đua về lợi nhuận kinh tế, về năng suất, nên sản phẩm làm ra thực sự an toàn thì đang còn có hạn. Mặt khác, ngoài các sản phẩm được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và công nhận tiêu chuẩn VietGAP thì có nhiều sản phẩm được sản xuất đảm bảo an toàn nhưng không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào xác định an toàn mà đang đánh đồng cả về chất lượng và giá cả với thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến việc khuyến khích người nông dân sản xuất thực phẩm sạch. Bởi thực tế, trong quá trình sản xuất sử dụng các chế phẩm an toàn để bón cho cây trồng hoặc chăn nuôi thì năng suất, sản lượng sẽ thấp hơn. Đó chính là những cản trở, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn.

Cần có cơ chế phù hợp

Đề xuất về giải pháp, ông Dương Văn Hùng nhấn mạnh: Để có sản phẩm nông nghiệp an toàn thì cần khuyến khích tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây không chỉ giải pháp có vai trò quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp mà còn quản lý được tận gốc vấn đề ATVSTP ở tất cả các khâu: Từ sản xuất, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm sản xuất theo mô hình chuỗi đều được giám sát quy trình sản xuất, lấy mẫu giám sát an toàn của cơ quan chức năng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đã được kiểm định. Đây là điều kiện để người tiêu dùng có niềm tin để sử dụng sản phẩm. Muốn làm được điều này phải có vai trò của các doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc liên kết với người nông dân, tích tụ ruộng đất và chính người nông dân sẽ trực tiếp tham gia sản xuất để tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng cung ứng cho thị trường. Bởi vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Giải pháp về khoa học công nghệ, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Sắp tới sở sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân xúc tiến nghiên cứu và triển khai ứng dụng một số thuốc trừ sâu sinh học thay thế thuốc trừ sâu hóa học hiện nay để giảm mất an toàn thực phẩm trên cây cam, lúa và một số cây trồng khác. Triển khai một số mô hình trồng rau thủy canh tại địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò... Tăng cường áp dụng đệm lót sinh hoạt trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường sống cho vật nuôi, giảm dịch bệnh, từ đó giảm sử dụng kháng sinh cho vật nuôi. Đồng thời sử dụng men tiêu hóa vào thức ăn, giúp vật nuôi chuyển hóa tốt; gắn với việc du nhập và lai tạo giống, nâng chất lượng thịt, giảm dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn...

Song song với các giải pháp nêu trên, quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều kiến nghị cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn dài hơi hơn, thay cho năm đầu hiện nay, bởi mỗi một mô hình đưa vào đều mới, mà muốn thay đổi phương thức, tập quán sản xuất phải có một quá trình và thời gian nhất định. Mặt khác, cần tăng cường quản lý Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về ATVSTP theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 61 của UBND tỉnh, ngày 12/10/2016 về quy định phân công trách nhiệm và phối hợp quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài, ảnh: Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Lúng túng trong giải bài toán nông sản 'sạch'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO