Lưới điện hạ áp nông thôn: Xuống cấp, thiếu và yếu

06/07/2016 16:41

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý để đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành, duy tu bảo dưỡng và phát triển mạng lưới điện phục vụ người dân, đến nay, công tác bàn giao tại Nghệ An đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng khá lâu, nhiều địa phương chưa được đầu tư nâng cấp, nên hệ thống lưới điện ở nông thôn đang bộc lộ nhiều bất cập.

Anh Sơn là một trong số địa phương đang sở hữu hạ tầng lưới điện thuộc diện kém của tỉnh. Trong đó, xã Lạng Sơn nằm trong danh sách một trong những xã có hạ tầng lưới điện xuống cấp nghiêm trọng nhất huyện với nhiều cột điện bị gãy đổ, xiêu vẹo phải chằng chống tạm bợ; có đến 113 cột điện được người dân tự dựng bằng tre. Thống kê toàn xã, hiện có 216 cột điện hạ thế bị hư hỏng, trong đó 147 cột cần khắc phục ngay.

Theo ông Ngô Thế Lữ - Phó Giám đốc Điện lực Anh Sơn, thì sau nhiều năm vận hành, hệ thống lưới điện xuống cấp nghiêm trọng. Tính chung trên địa bàn huyện Anh Sơn, hiện có 1.040 cột tre gỗ, cột bê tông bị gãy đang phải chống, cột bê tông nứt có nguy cơ gãy đổ; trong đó 545 cột cần phải được khắc phục ngay.

Nhân viên Điện lực Anh Sơn bảo dưỡng lưới điện hạ thế tại xã Long Sơn.
Nhân viên Điện lực Anh Sơn bảo dưỡng lưới điện hạ thế tại xã Long Sơn.

Hạ tầng điện xuống cấp nghiêm trọng cũng là thực trạng chung đang diễn ra trên địa bàn nhiều huyện vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn huyện Yên Thành có khoảng gần 2.000 cột điện đã hư hỏng nghiêm trọng buộc phải thay thế; hệ thống đường dây trần, xà sứ sử dụng quá lâu nay đã xuống cấp, dây chùng, đứt nối nhiều nơi.

Ông Hồ Sỹ Vĩnh - Giám đốc Điện Lực Yên Thành cho hay: Hạ tầng lưới điện nông thôn hiện không đảm bảo, nguyên nhân là do tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn thì hầu hết đã xuống cấp, rất kém. Mặc dù ngành Điện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và lắp mới thêm các trạm biến áp, nhưng chưa đáp ứng được so với nhu cầu của dân...

Cột điện gãy đổ, chống bằng cọc tre ở xã Long Sơn (Anh Sơn).
Cột điện gãy đổ, chống bằng cọc tre ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn).

Theo đánh giá, lưới điện hạ áp nông thôn của Nghệ An đang nằm trong “tốp” kém nhất cả nước. Lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận thiếu và yếu đang là thực trạng chung ở hầu hết các huyện, nhất là các huyện đồng bằng, trung du miền núi: Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn...

Cột điện đường 4 nằm ngã tư giáp ranh giữa xóm cầu Máng và 6A, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành có nguy cơ gãy đỗ bất cứ lúc nào. Ảnh: Anh Tuấn
Cột điện đường 4 nằm ngã tư giáp ranh giữa xóm cầu Máng và 6A, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành có nguy cơ gãy đỗ bất cứ lúc nào. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Đặng Văn Hiếu – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Hiện nay, ngoại trừ một số huyện miền núi được đầu tư lưới điện cơ bản đảm bảo như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn,… còn lại hầu hết rất cũ nát, không đảm bảo vận hành an toàn và tổn thất điện năng cao.

Phần lớn các trạm biến áp thường có bán kính cấp điện rộng, dẫn đến cuối đường dây điện áp thấp, chất lượng điện kém gây tổn thất điện năng cao. Dây dẫn cũ nát vận hành lâu năm kém chất lượng bị oxy hóa dẫn đến mục nát, còn tồn tại dây nhôm lưỡng tính, dây A16, A10 tẻ đôi. Rất ít cột đảm bảo theo tiêu chuẩn, có nhiều cột bê tông do dân tự đúc thấp và tồn tại nhiều cột tre gỗ không đảm bảo an toàn vận hành.

Trạm điện xuống cấp là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều địa phương
Trạm điện xuống cấp là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều địa phương

"Hiện nay, hạ tầng lưới điện một số huyện miền núi được đầu tư mới, chất lượng lưới điện tốt. Tuy vậy, để lưới điện vận hành an toàn, liên tục cấp điện phục vụ nhân dân, tránh nhanh chóng rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, thì chính quyền địa phương trong quá trình quy hoạch, cấp đất không xâm phạm hành lang an toàn lưới điện; chú trọng bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không để cây cối, nhà cửa ... vi phạm hành lang an toàn. Theo quy định của Nhà nước, phần dây ra từ công tơ đến hộ dùng điện do dân tự đầu tư hiện tại nhiều nơi không đảm bảo an toàn và đã có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra. Vì thế, người dân cần phải thay thế hoặc sửa chữa để đảm bảo an toàn..." - Ông Vương Đình Dũng - Phó trưởng phòng Kế hoạch và Vật tư, Công ty Điện lực Nghệ An, nhấn mạnh.

Đến nay, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận bán điện đến tận hộ 421 xã và một số cụm dân cư. Khối lượng tiếp nhận lũy kế: 10.272 km đường dây 0,4kV; 674.426 hộ sử dụng điện 1 pha và 25.392 hộ sử dụng điện 3 pha.

Tổng giá trị tiếp nhận là 425 tỷ đồng, trong đó, RE2+RE2MR là 250 tỷ đồng; vốn dân đầu tư và các nguồn khác 175 tỷ đồng. Còn 2 xã và một số cụm dân cư chưa đồng ý bàn giao hoặc chưa nhất quán nên chưa thực hiện tiếp nhận được là xã Nghi Liên (TP. Vinh), và xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu).

Sau thực hiện chủ trương của EVN khối lượng quản lý đường dây hạ thế địa bàn tỉnh, đến nay cả tỉnh có 15.123 km lưới điện hạ áp (trong đó lưới điện hạ áp nông thôn là 11.600 km).

(Còn nữa)

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Lưới điện hạ áp nông thôn: Xuống cấp, thiếu và yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO