Luồng lạch bồi lắng, tàu cá gặp khó

30/09/2013 20:19

(Baonghean) - Xác định kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhiều năm qua, Quỳnh Lưu đã quan tâm tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản vùng biển xa bờ.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ cấu nghề phù hợp với nguồn lợi thủy sản; phân bổ tàu cá khai thác trên từng vùng biển cho các địa phương trên cơ sở hài hòa lợi ích, thì vấn đề cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá luôn được huyện Quỳnh Lưu quan tâm. Dù nguồn ngân sách còn eo hẹp nhưng huyện đã cố gắng tranh thủ các nguồn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, bến bãi, dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu thì các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá ở Quỳnh Lưu chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Bến cá Lạch Thơi đang bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân.
Bến cá Lạch Thơi đang bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân.

Khu vực neo đậu ở Lạch Thơi (xã Sơn Hải) tấp nập như một khu phố. Dọc Lạch Thơi, từng đoàn xe ô tô chở xăng, đá lạnh liên tục vào ra, các ki ốt sửa chữa điện tử, hàn xì bên con đường đê dọc lạch cũng tấp nập không kém. Đang vào ngày tránh bão nên ngư dân neo tàu, chuẩn bị tập kết nguyên liệu, sửa lại tàu thuyền để chuẩn bị ra khơi khiến Lạch Thơi trở nên nhộn nhịp khác thường. Từ bờ lạch ra chỗ tàu neo đậu chừng vài chục mét, được người dân ghép tạm bằng những thân cây nhỏ đã mục nát. Đang cố gắng neo lại con tàu của mình, anh Đậu Thành Đông ở xã Sơn Hải cho biết, nhìn tấp nập vậy nhưng thực chất người dân cảm thấy bí bách, quá tải với Lạch Thơi lắm rồi. Lạch bị bồi lắng, tàu lớn không thể vào đậu, hiện tượng tàu cá trở về phải chờ đợi để được vào bờ thường xuyên bị va chạm vào nhau.

Tại các điểm neo đậu tàu thuyền khác như Lạch Quèn, khu vực cầu Quỳnh Nghĩa, hiện tượng quá tải cũng đang xảy ra thường xuyên. Với đội tàu cá gần 1.200 chiếc, trong đó có những tàu trọng tải lớn 400 - 760 CV, lâu nay, vấn đề bến đỗ tàu thuyền ở huyện Quỳnh Lưu vẫn đang nan giải. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, các khu neo đậu trong huyện chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu, một số điểm lẻ dọc các xã như Quỳnh Tiến, Sơn Hải cũng đã được ngư dân tận dụng nhưng hiệu quả và độ an toàn không cao. Hiện nay, ngư dân trong vùng đang rất trông chờ vào các dự án khu neo đậu tàu thuyền có vốn đầu tư lớn như Lạch Cờn (gần 100 tỷ đồng) đang triển khai dở dang, khu neo đậu Lạch Quèn giai đoạn 1 đã đầu tư xong, còn khu neo đậu Lạch Thơi đã tổ chức đấu thầu…

Trong quy hoạch, Quỳnh Lưu có các cảng cá Lạch Quèn và Lạch Cờn. Cảng cá Lạch Quèn được đầu tư những năm 1998 - 2000 theo chương trình hải đảo của Quốc phòng. Hiện cảng Lạch Quèn cũng là cảng lớn nhất, là nơi neo đậu của gần 1000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận. Tại cảng cá này huyện đang xúc tiến xây dựng khu chế biến tập trung, một số doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư. Riêng cảng cá Lạch Cờn (Quỳnh Phương) hiện nay chưa được đầu tư thỏa đáng. Qua khảo sát các cảng cá này, chúng tôi nhận thấy vẫn chỉ là những cảng nhỏ, chưa đáp ứng hết các nhu cầu của ngư dân như: Các trụ neo tàu chưa được xây đủ; phương tiện khó khăn khi vào cảng, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, hệ thống dịch vụ phụ trợ trên cảng đang yếu và thiếu. Do đó đã xuất hiện nhiều bến cóc tại các xã Tiến Thủy, Quỳnh Thuận. Những bến cóc này không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như an ninh tại khu vực và đang ngày càng bị quá tải, chật chội.

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, ngoài yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho tàu thuyền neo đậu, trú ẩn tránh bão và hệ thống cảng cá đáp ứng đủ nhu cầu thì các cơ sở dịch vụ nghề cá cũng phải được quan tâm một cách đồng bộ. Những năm qua, Quỳnh Lưu đã có nhiều doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ nghề biển, từ cung cấp xăng dầu, nước đá, nước ngọt. Cơ sở chế biến cũng đa dạng, ngoài nhà máy đông lạnh XNK Quỳnh Lưu 2, có 3 nhà máy chế biến bột cá; hệ thống kho đông ở Quỳnh Dị, Quỳnh Phương (nay thuộc địa bàn Hoàng Mai nhưng cũng phục vụ chung cho cả địa bàn lân cận), phơi khô, chế biến nước mắm cũng rất phong phú ở Quỳnh Lưu.

Tuy nhiên, dịch vụ trên bờ chủ yếu đang tự phát, thiếu sự liên kết dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng hiệu quả sản xuất. Tại cảng cá Lạch Quèn – cảng cá lớn của huyện nhưng ở đây cũng chỉ có chừng 4 đại lý và vài chục cơ sở chuyên thu gom hải sản. Anh Nguyễn Đức Cảnh ở xóm 8 (Sơn Hải) cho rằng, dịch vụ hậu cần trong đất liền chưa đảm bảo nên ngư dân chúng tôi cũng phải bán cho tư thương ngoài khơi. Ngoài biển đương nhiên là mua xô không qua tuyển chọn chế biến, khiến ngư dân vì lợi trước mắt, không chú ý đến việc bảo quản chất lượng cá mà chỉ lo đánh bắt số lượng nhiều. Nói về liên kết thu mua trên bờ, anh Cảnh cho rằng chủ yếu là thuận mua vừa bán, vai trò của tổ chức chưa có như trên biển.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Tiến - Phó GĐ Sở NN&PTNT cho rằng, trước mắt, để khắc phục bất cập về thiếu chỗ neo đậu hiện nay, huyện cần có phương án bố trí sắp xếp lịch để giải phóng hàng nhanh nhất. Khu neo đậu chủ yếu để tránh trú bão nhưng trong hoàn cảnh chưa đáp ứng được cũng cần tận dụng để làm cảng cá; khi thời tiết có mưa bão, cần ưu tiên tàu lớn, tàu nhỏ có thể kéo lên bờ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế biển là công tác xây dựng dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển, gắn phát triển kinh tế biển đảo với chủ quyền an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Do đó, về lâu dài, Quỳnh Lưu cần phải có quy hoạch và phát triển toàn diện, hiện đại lĩnh vực này, trước hết là phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ nghề cá gắn với kết cấu hạ tầng cảng, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền. Tổ chức tốt khâu dịch vụ nghề cá trên biển và trên bờ theo hướng phát triển mạnh các tổ chức, đơn vị cung ứng nguyên, nhiên liệu, thu mua sản phẩm, sơ chế trên biển phục vụ cho yêu cầu phát triển đánh bắt hải sản xa bờ. Ngoài ra, để giải quyết tốt đầu ra, cũng cần tính đến việc đầu tư xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với cảng cá...

Thu Huyền

Mới nhất

x
Luồng lạch bồi lắng, tàu cá gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO