Lương tối thiểu ngành dệt may Việt Nam thấp nhất châu Á

15/09/2016 09:09

Theo báo cáo “Nghiên cứu dệt may và da giày châu Á – Thái Bình Dương” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy một tỷ lệ lớn người lao động trong ngành dệt may, da giày ở 7 quốc gia xuất khẩu dệt may châu Á đang hưởng lương thấp hơn mức lương tối thiểu.

Việt Nam đứng đầu về tuân thủ tiền lương tối thiểu

Theo ILO, Việt Nam có tỷ lệ không tuân thủ quy định về lương tối thiểu trong ngành dệt may và da giày thấp nhất trong số 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á, với tỷ lệ 6,6%.

Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 100 lao động làm công ăn lương trong ngành này, thì 6,6 người nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu, vốn được định ra nhằm mục đích bảo vệ người làm công ăn lương không bị trả lương quá thấp.

Việt Nam là nước đứng đầu châu Á về tuân thủ quy định mức lương tối thiểu trong ngành dệt may
Việt Nam là nước đứng đầu châu Á về tuân thủ quy định mức lương tối thiểu trong ngành dệt may

Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với nước thấp thứ hai trong danh sách là Campuchia (25,6%), và thấp hơn gần 9 lần so với nước đứng đầu là Philippines (53,3%).

Trong khi việc tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu khá yếu ở khắp các nền công nghiệp dệt may châu Á, mức độ không tuân thủ khác nhau giữa các quốc gia. Việt Nam cũng nổi bật về khía cạnh này.

Tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng (trả lương thấp hơn 80% mức lương tối thiểu) tại Việt Nam ở mức 3,8% và tỷ lệ vi phạm ở mức độ vừa phải (trả lương trong khoảng từ 80% đến dưới 100% lương tối thiểu) ở mức 2,8%.

Ngược lại, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Indonesia đều có một tỷ lệ lớn người lao động trong ngành dệt may bị trả lương thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu. Tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng ở Philippines và Ấn Độ lần lượt là 38,8% và 34,9%. Khoảng 1/4 người lao động dệt may Indonesia cũng nhận lương thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu.

Ông Matthew Cowgill, cố vấn trưởng của ILO về tiêu chuẩn lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu – tác giả chính của báo cáo – cho biết: “Mức độ không tuân thủ là một khía cạnh quan trọng bởi vì có sự khác biệt lớn giữa một người lao động hưởng lương tương đương 99% mức lương tối thiểu và một người chỉ được trả một nửa mức lương tối thiểu”.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Ở tất cả các quốc gia được nghiên cứu, lao động nữ dễ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu so với lao động nam. Một lần nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia có khoảng cách về giới nhỏ nhất (5,7 điểm phần trăm), xếp sau Campuchia và Indonessia. Trong khi đó, Pakistan có sự khác biệt nam-nữ trong tỷ lệ không tuân thủ cao nhất (60,4 điểm phần trăm).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, người lao động có trình độ văn hóa thấp hơn cũng dễ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu. “Tiền lương tối thiểu có vai trò quan trọng đối với ngành dệt may, một ngành hiếm khi có thương lượng tập thể về lương”, ông Cowgill nhận định.

Không tuân thủ về tiền lương tối thiểu là đáng quan ngại

Theo báo cáo, cách thiết kế hệ thống tiền lương tối thiểu, bao gồm mức lương tối thiểu và độ phức tạp của cơ chế tiền lương, là những vấn đề quan trọng cần cân nhắc nhằm đẩy mạnh công tác tuân thủ.

Vai trò của các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình điều chỉnh tiền lương, cũng như thể chế quản trị thị trường lao động và sự vững mạnh của hệ thống thanh tra lao động cũng có ảnh hưởng tới vấn đề tuân thủ.

“Mặc dù Việt Nam dẫn đầu so với các nước láng giềng, việc không tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu, dù ở cấp độ nào, cũng là một vấn đề đáng quan ngại và cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Dĩ nhiên, việc tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu không phải là vấn đề duy nhất cần quan tâm. Tiền lương tối thiểu ở mức nào cũng là một khía cạnh quan trọng. Ở Việt Nam, tỷ lệ lương tối thiểu so với mức lương phổ biến trong ngành dệt may là tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực” – ông Cowgill chia sẻ thêm.

Việt Nam có 4 mức lương tối thiểu vùng, hiện ở mức từ 2,4 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng. Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia với cơ cấu bao gồm đại diện của Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động có nhiệm vụ đề xuất mức lương cho năm tới.

Tiền lương tối thiểu vùng của Việt Nam tăng trong khoảng 12-15% mỗi năm trong các năm 2014-2016 và sẽ tiếp tục tăng 7,3% trong năm 2017.

ILO đánh giá: Tiền lương tối thiểu có vai trò quan trọng trong ngành dệt may và da giày, nơi mà vấn đề tiền lương hiếm khi được đưa ra thương thảo tập thể. Tiền lương tối thiểu chỉ có thể đạt được mục đích cơ bản của nó là đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động làm công ăn lương, không để họ bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu pháp luật quy định.

Phát hiện của tài liệu nghiên cứu này cho thấy một tỷ lệ lớn người lao động trong ngành dệt may ở một số quốc gia châu Á nhận lương thấp hơn mức tối thiểu. Đây là vấn đề những người làm chính sách và các đối tác xã hội cần cân nhắc, cả về khâu thiết kế và thực hiện hệ thống xác định tiền lương tối thiểu, cũng như các biện pháp đảm bảo tuân thủ có trọng điểm phù hợp.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Lương tối thiểu ngành dệt may Việt Nam thấp nhất châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO