Lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng

05/03/2013 20:42

(Baonghean) - Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đã được nuôi nhiều trên địa bàn các huyện ven biển trong tỉnh. So với diện tích tôm sú thì diện tích tôm chân trắng chiếm phần đa. Có những vùng nuôi tôm sú không có hiệu quả nhưng khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi thì đạt kết quả cao. Để giúp bà con nuôi tôm thẻ chân trắng đạt kết quả cao trong năm 2013, chúng tôi xin khuyến cáo một số vấn đề sau:

1. Ao nuôi: Ao nuôi tôm thẻ chân trắng có cấu tạo giống ao nuôi tôm sú, nếu nuôi quy mô công nghiệp thì cũng bắt buộc phải có ao lắng. Quy trình cải tạo ao cũng theo các bước như ao nuôi tôm sú, nếu nuôi mật độ cao (trên 30 con/m2), nên theo quy trình dùng vi sinh vì lượng phân tôm chân trắng thải ra cao hơn tôm sú. Những vùng nuôi tôm trên cát có đáy ao lót bạt thì nuôi tôm chân trắng hiệu quả hơn là nuôi tôm sú.



Mô hình nuôi tôm của gia đình anh Đại ở Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Trần Cảnh Yên

2. Chọn giống: Đây là khâu quan trọng nhất quyết định sự thành bại của cả vụ nuôi. Hiện nay ở Việt Nam con giống có trên thị trường đa số nguồn gốc không rõ ràng nên nguy cơ rủi ro rất cao. Người nuôi khi mua giống thì ngoài cách chọn giống bằng cảm quan như kích thước, màu sắc, hình dáng... thì cũng nên chọn những nơi bán giống có uy tín.

- Tôm giống trước khi thả nuôi phải làm các xét nghiệm như là tôm sú (đốm trắng, đầu vàng, MBV…).

- Tuổi post từ 10 – 12 là thả tốt nhất, có chiều dài cỡ 1cm.

3. Mật độ thả: Mật độ thả tôm thẻ chân trắng là rất cao, nhưng ở khu vực Nghệ An nên thả đạt 70- 80con/m2. Nên thả giống vào sáng sớm, thả cách bờ 5m, thả vào đầu hướng gió, và thả nhẹ nhàng, tránh làm đục nước.

4. Chăm sóc, quản lý: Tôm thẻ chân trắng có tốc độ tăng trưởng cao trong 80 ngày đầu, sau đó sẽ chậm lại.

- Trong nuôi tôm thẻ chân trắng cần sử dụng loại thức ăn chất lượng cao, hệ số thức ăn sử dụng càng thấp càng tốt. Có rất nhiều thương hiệu thức ăn vì thế nên sử dụng loại thức ăn đã được công bố chất lượng, có hàm lượng protein đủ cho từng giai đoạn phát triển của tôm.

- Không nên mua thức ăn quá nhiều một lúc, chỉ nên mua đủ cho từng giai đoạn nuôi.

- Nhu cầu cơ thể cần rất nhiều vitamin và khoáng, nếu thiếu tôm dễ bị stress và đục thân, cần phải bổ sung thêm vào thức ăn Aqua C, Grow Shrimp, tạt xuống ao Customix Stom.

- Nhiệt độ thích hợp 27 – 30oC, khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao tôm sẽ giảm ăn.

- Nước là môi trường sống của tôm nên chất lượng nước liên quan đến thành bại của vụ nuôi, tuy sức chống chịu một số yếu tố cao hơn tôm sú, nhưng tôm chân trắng rất nhạy cảm với môi trường, khi bị sốc, tôm chân trắng sẽ không nổi đầu mà chết đáy, chính vì vậy mà có nhiều người nuôi thấy tôm không việc gì, chỉ đến khi thu hoạch mới thấy lượng hao hụt quá cao.

- pH nước thích hợp nhất là từ 7,5 - 9.0, nhưng giao động trong ngày không quá 0,5đv.

- Tôm thẻ chân trắng có tốc độ lớn nhanh, lột xác liên tục nên yêu cầu về độ kiềm lớn, luôn giữ cho độ kiềm không thấp hơn 80 ppm bằng Dolomite hoặc Alkalite.

- Khi nhiệt độ cao quá thì tôm không ăn được và nằm đáy, để lâu có thể chết nhiều, do vậy vào mùa nắng nóng, mức nước ao phải đạt 1,5 – 2 m, không cho ăn vào các giờ nắng nóng.

- Các loại khí độc như NH3, H2S thường xuyên hiện diện trong ao kể từ tháng thứ 2 (vì tôm chân trắng thải ra lượng phân nhiều), nếu nồng độ khí độc cao sẽ làm tôm bỏ ăn, chậm lớn và chết đáy, cách xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất là khống chế thức ăn và dùng chế phẩm vi sinh để xử lý.

5. Thu hoạch: Tôm thẻ chân trắng cách thu hoạch cũng khác tôm sú, vì rất nhạy cảm nên khi thu hoạch không đúng tôm sẽ chết nhiều làm giảm chất lượng.

Sau 3 tháng nuôi thì tiến hành thu hoạch. Cỡ tôm lúc thu hoạch đạt khoảng 60 -80con/kg.

- Nên thu hoạch vào buổi sáng sớm thì tôm ít chết, ít lột xác.

- Tôm chân trắng đi ngược nước nên không thể xả cống bắt hết được mà phải dùng lưới.


L.H (TT Khuyến nông)

Mới nhất

x
Lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO