Lý Quang Diệu - "Kiến trúc sư" tạo sự phồn thịnh cho một quốc gia

20/03/2015 07:54

(Baonghean) - Những ngày này, thông tin ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore bị bệnh và sức khỏe đang yếu đi, người dân trên đảo quốc sư tử ngày đêm lo lắng và cùng cầu nguyện cho ông sớm khỏi bệnh là minh chứng rõ ràng nhất cho những đóng góp của ông trong việc đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ phát triển hàng nhất nhì khu vực và thế giới…

Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư thuộc một gia đình gốc thuộc huyện Đại Bộ, tỉnh Quảng Đông đến Singapore vào năm 1862, lúc đó là thuộc địa Anh dưới tên gọi "Các khu định cư Eo biển". Là con trai đầu của ông Lee Chin Koon và bà Chua Jim Neo, Lý Quang Diệu chào đời ngày 16/9/1923 trong một nhà lều rộng và thoáng tại số 92, đường Kampong Java, Singapore. Ngay từ khi còn bé, nền văn hoá Anh đã có ảnh hưởng đậm nét đối với ông, trong gia đình, mọi người thường gọi ông với một cái tên khác là Harry do ông nội đặt cho. Ngày 30/9/1950, Lý Quang Diệu kết hôn với Kha Ngọc Chi. Họ có 2 con trai và 1 con gái và một trong những người con của ông là Lý Hiển Long hiện là Thủ tướng của Singapore.

Thuở thiếu thời, Lý Quang Diệu theo học tại Trường Tiểu học Telok Kurau, Học viện Raffles và Đại học Raffles. Ông phải bỏ dở việc học khi Nhật Bản chiếm đóng Singapore suốt những năm 1942-1945 trong chiến tranh thế giới thứ 2. Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, ông vận hành hiệu quả những thương vụ chợ đen tiêu thụ một loại keo tapioca gọi là Stikfas. Ông làm việc với người Nhật trong công việc của một người ghi chép những bức điện báo của phe Đồng Minh, cũng như biên tập bản tiếng Anh cho tờ Hodobu (thuộc Ban Thông tin tuyên truyền của người Nhật) từ năm 1943 đến năm 1944. Sau chiến tranh, ông theo học luật tại Đại học Fitzwilliam, Đại học Cambridge tại Anh, và trong một thời gian ngắn, theo học tại Trường Kinh tế Luân Đôn. Năm 1949, ông trở về Singapore hành nghề luật sư tại một công ty luật của John Laycock, một nhà tiên phong trong các hoạt động đa chủng tộc.

Sự nghiệp chính trị của Lý Quang Diệu bắt đầu năm từ 1951 với vai trò là một nhân viên vận động bầu cử cho John Laycock dưới ngọn cờ của đảng tiến bộ thân Anh, tuy nhiên, bằng nhạy cảm của một chính trị gia, ông nhanh chóng nhận ra tương lai của đảng này sẽ không đạt được kết quả có hậu bởi không nhận được sự ủng hộ của dân chúng, nhất là cộng đồng người nói tiếng Hoa. Sau đó, năm 1954, ông cùng với những người bạn thuộc giới trung lưu có học vấn Anh thành lập Đảng Hành động nhân dân có khuynh hướng xã hội và liên minh với các nghiệp đoàn theo chủ nghĩa cộng sản, ông giữ chức vụ Tổng Thư ký của đảng này cho đến năm 1992.

Ông Lý Quang Diệu chơi cờ cùng các con vào năm 1965. Ảnh AFP
Ông Lý Quang Diệu chơi cờ cùng các con vào năm 1965. Ảnh AFP

Đỉnh cao sự nghiệp chính trị của Lý Quang Diệu được đánh dấu trong cuộc bầu cử vào tháng 6/1959, khi đảng của ông giành thắng lợi và ông trở thành thủ tướng đầu tiên sau khi Anh trao quyền tự trị cho Singapore. Là người lãnh đạo một quốc gia trong bối cảnh Singapore lúc bất giờ phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội như giáo dục, nhà ở và tình trạng thất nghiệp. Lý Quang Diệu đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, mà theo ông muốn phát triển thì vấn đề nhà ở phải là trọng tậm, bởi “an cư thì mới lạc nghiệp”. Ông cho thành lập Ban Phát triển gia cư để bắt đầu chương trình xây dựng chung và đã giải quyết được phần nào tình trạng thiếu hụt về nhà ở trên quốc đảo này. Năm 1963, với mục đích chấm dứt hoàn toàn sự cai trị của người Anh, ông quyết định cuộc “hôn nhân” với người Malaysia và được hơn 70% người dân đồng tình. Tuy nhiên, cuộc “hôn nhân” này nhanh chóng đổ vỡ do ông nhận thấy còn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc của người Malaysia làm ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người Singapore. Sau khi tách khỏi Malaysia theo quy chế liên bang, Thủ tướng Lý Quang Diệu nhận thấy muốn đưa đất nước phát triển thì phải thiết lập quan hệ ngoại giao rộng khắp. Ông xúc tiến sự công nhận của quốc tế cho quốc gia Singapore độc lập. Kết quả, ngày 21/9/1965, Singapore gia nhập Liên Hiệp quốc, và ngày 8/8/1967 gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đến nay Singapore đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia độc lập trên toàn thế giới.

Đến Singapore hiện nay, nhiều người không thể tưởng tượng được quốc gia này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn Thủ tướng Lý Quang Diệu mới trở thành nhà lãnh đạo quốc đảo này. Đó là nạn thất nghiệp do việc Anh rút hầu như toàn bộ các cơ sở sản xuất của họ, thiếu nhà ở, thiếu đất canh tác, lương thực, nước ngọt phục vụ sinh hoạt đều phải nhập khẩu và tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ thiếu thốn… Nhờ những chính sách cải cách đúng hướng của mình, Thủ tướng Lý Quang Diệu giúp đất nước từng bước kiềm chế thất nghiệp, lạm phát, tăng mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn. Các cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước được phát triển, mối đe dọa căng thẳng chủng tộc được loại bỏ và một hệ thống phòng vệ quốc gia được thiết lập. Đến nay Singapore đã có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Về văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, giao thông… quốc đảo này được mệnh danh là “quốc gia đáng sống nhất trên thế giới” đã đủ nói lên tất cả sự phát triển về mọi mặt của Singapore ở thời điểm hiện tại.

Người ta thường so sánh xây dựng một nền kinh tế cũng giống như xây một ngôi nhà, những viên gạch đầu tiên làm nền móng phải chuẩn thì ngôi nhà ấy mới vững chãi, chống chịu được với thời gian. Những năm qua, dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều phen lao đao, nhưng nền kinh tế Singapore vẫn đứng vững, công lao đó không ai khác thuộc Thủ tướng Lý Quang Diệu. Sau này khi rời khỏi ghế Thủ tướng (1990) và nhận các nhiệm vụ khác nhưng ông vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến chính trường cũng như cải cách kinh tế của Singapore. Những ngày qua, người dân Singapore và dư luận toàn thế giới dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình sức khỏe của ông là minh chứng hùng hồn cho những đóng góp của ông – người kiến trúc sư cho nền kinh tế ở đảo quốc xinh đẹp và giàu có.

Cảnh Nam

Mới nhất
x
Lý Quang Diệu - "Kiến trúc sư" tạo sự phồn thịnh cho một quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO