"Ma trận" nước tinh khiết, đá lạnh

11/05/2015 09:12

(Baonghean) - Mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ nước và đá lạnh rất lớn. Đây cũng là điều kiện để các cơ sở sản xuất nước tinh khiết, đá lạnh “mọc lên như nấm”. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm những mặt hàng này còn nhiều lo ngại.

TIN LIÊN QUAN

Nước tinh khiết đóng bình từ... giếng khoan

Chúng tôi đã “mục sở thị” cơ sở sản xuất nước tinh khiết Mai Anh ở xóm 9, xã Hưng Lộc (TP. Vinh). Cơ sở này nằm ở cuối bãi đất hoang, phía trước nhà là bình đựng nước vứt ngổn ngang đang chờ được tái sử dụng. Nói là cơ sở sản xuất nhưng chỉ là căn nhà được chủ cơ sở thuê rộng chưa đầy 20m2 để chứa cỗ máy lọc nước đặt ở góc nhà. Tôi hỏi ông Phương (công nhân của cơ sở Mai Anh) nguồn nước sản xuất lấy ở đâu? Ông Phương ấp úng rồi thừa nhận lấy ở... giếng khoan, nhưng được xử lý qua hệ thống máy móc hiện đại, được khử trùng bằng ozone nên đảm bảo chất lượng.

Thâm nhập vào căn phòng chật chội, thấy một thanh niên cởi trần mồ hôi nhễ nhại đang hứng nước, đóng bình. Cứ 3-5 phút, thanh niên khác dùng xe kéo những bình nước vừa ra “lò” xếp ngay ngắn thành từng hàng. Phía bên ngoài có một nhóm người đang tích cực bốc bình nước lên xe tải để đưa đi nhập cho các đại lý ở khắp nơi. Ông Phương cho hay: “Sản phẩm của chúng tôi bán giá rẻ chỉ có 7.000 đồng/bình 18 lít, mỗi ngày sản xuất được từ 450 - 500 bình nước tinh khiết, cung ứng cho địa bàn TP. Vinh và các huyện lân cận. Khi được hỏi về giấy tờ cấp phép sản xuất, ông Phương không xuất trình mà nói rằng: “Cơ sở này có đầy đủ các loại giấy tờ, hàng tháng đều được kiểm tra định kỳ của cơ quan chức năng”.

Công nhân ở cơ sở nước tinh khiết Mai Anh ở xóm 9, xã Hưng Lộc -  TP. Vinh sản xuất nước không mặc  đồ bảo hộ theo quy định
Công nhân ở cơ sở nước tinh khiết Mai Anh ở xóm 9, xã Hưng Lộc - TP. Vinh sản xuất nước không mặc đồ bảo hộ theo quy định

Tìm đến cơ sở sản xuất nước tinh khiết mang “thương hiệu” Aqua Vinh ở trong một hẻm nhỏ thuộc xóm Trung Mỹ cũng địa bàn xã Hưng Lộc (Thành phố Vinh). Cơ sở này chật hẹp, quan sát thấy những chiếc vỏ bình cũ đã xỉn màu, nắp bình và phần vòi cũ được làm sạch qua loa, rồi đổ nước vào và dán nhãn mác rồi chở đi bán. Tin tưởng chúng tôi là người đi tìm hiểu thị trường nước, “tay” công nhân rỉ tai là giá có thể hạ xuống 5.000 đồng/bình. Nếu đồng ý thì cơ sở có thể giao hàng đến tận nhà.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: Xã Hưng Lộc có 5 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai, bình thì tất cả đều có giấy phép kinh doanh, trong năm 2014 có 1 cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động do nước bị nhiễm khuẩn. Hầu hết các cơ sở sản xuất nước tinh khiết ở xã Hưng Lộc chủ yếu sử dụng giếng khoan để sản xuất, trong quá trình kiểm tra chưa có sự phối hợp, bởi các cơ quan chuyên ngành về kiểm tra lãnh đạo xã không hề hay biết.

Công nhân của cơ sở sản xuất nước tinh khiết Mai Anh xóm 9 xã Hưng Lộc-TP Vinh  mình trần trùng trục sản xuất  không có đồ bảo hộ lao động theo quy định.
Công nhân của cơ sở sản xuất nước tinh khiết Mai Anh xóm 9 xã Hưng Lộc-TP Vinh mình trần trùng trục sản xuất không có đồ bảo hộ lao động theo quy định.

Quy trình sản xuất đơn giản và lợi nhuận mau chóng từ sản xuất nước tinh khiết khiến ở các vùng nông thôn hiện nay cũng mọc lên khá nhiều cơ sở sản xuất nhưng chất lượng được kiểm chứng, đe dọa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Điển hình tại cơ sở sản xuất nước tinh khiết Ngọc Phú ở chợ Viện xã Tăng Thành (Yên Thành). Lối vào cơ sở này chỉ rộng chừng hơn 3 mét, khu vực sản xuất luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Ít ai biết được rằng phía ngoài vẻ hào nhoáng mang thương hiệu nước tinh khiết Ngọc Phú lại được sử dụng nguồn nước giếng khoan. Giếng khoan nằm ở gần khu vực chợ Viện, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành và khu dân cư đông đúc. Đặc biệt khu vực chợ Viện chủ yếu là nền đất và môi trường không đảm bảo. Được biết cở sở này bán khá chạy sản phẩm nước tinh lọc cho khu vực Bệnh viện Đa khoa Yên Thành, xã Tăng Thành, Xuân Thành, Đồng Thành, giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/bình 19 lít.

Qua tìm hiểu được biết, các cơ sở sản xuất nước tinh khiết trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng các nguồn nước giếng khoan để... đóng bình, rất ít các cơ sở sử dụng nước máy. Điều đáng lo là hầu hết các cơ sở sản xuất đều sử dụng lại bình cũ, trong khi đó khâu súc rửa, bảo quản vỏ bình lại chưa đúng quy trình. Để tạo niềm tin cho khách hàng, các cơ sở chế biến nước tinh khiết thường chọn tên sản phẩm gần giống với các nhãn hàng nổi tiếng, ví như Aquafina thành AquaVinh, Aquasona... Các xưởng sản xuất dù chật hẹp nhưng lại được bố trí với kho chứa hàng mà không hề có vách ngăn giữa khu vực sản xuất, các nhân công làm việc không có trang phục bảo hộ theo quy định.

Dây chuyền sản xuất nước tinh khiết chi phí từ 50-70 triệu đồng
Dây chuyền sản xuất nước tinh khiết chi phí từ 50-70 triệu đồng
Bình nước tái chế được quẳng ngổn ngang cạnh khu vực rác thải
Bình nước tái chế được quẳng ngổn ngang cạnh khu vực rác thải

Theo các chuyên gia, quy trình sản xuất nước đóng bình để đảm bảo chất lượng phải qua 6 bước: Nước thô phải được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion để khử các loại khoáng, rồi lọc ngược để khử các vi sinh vật. Hệ thống đóng chai phải đảm bảo trong môi trường vô trùng, xử lý tia cực tím để chống vi sinh vật. Vì vậy, nếu để làm đúng các quy trình trên thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá rẻ đến như thế. Vì thế khi uống trực tiếp những loại nước sản xuất chưa đúng quy trình này có thể vẫn còn kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí là có cả những sinh vật mủ xanh (loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu...).

Nước uống đóng chai, đóng bình đã trở thành mặt hàng thiết yếu đối với mọi người, do giá cả vừa túi tiền, đỡ mất thời gian đun nấu. Nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh ta với cả “rừng” sản phẩm, có rất nhiều nhãn hiệu; có nhiều sản phẩm được đóng thùng rất bắt mắt, có đầy đủ tem, nhãn. Ông Trần Hải ở Diễn Thái - Diễn Châu một chủ đại lý chuyên bán các loại nước tinh khiết với thương hiệu Vĩnh Hào... thú thật: “Đại lý phân phối nhận hàng về bán nhưng chúng tôi chưa từng đến nơi sản xuất và không chắc chắn chất lượng có đúng như quảng cáo không, họ cho số điện thoại, mình cần bao nhiêu hàng chỉ cần gọi là họ chở đến tận nơi”. Chị Thái Thị Thoa ở Bắc Thành (Yên Thành) nói: “Lâu nay cứ hết nước chỉ cần gọi điện là đại lý đem đến, nhà cũng không biết nước có thật sự sạch hay không?”.

Cảnh giác với nước đá cây

Tại địa bàn huyện Diễn Châu hiện có khoảng trên gần 10 điểm sản xuất nước đá cây, không ít cơ sở bên ngoài “quảng cáo” "đá cây dùng để ướp lạnh" nhưng hàng lại “tìm đường” tới quán bia, quán chè, quán nước mía... Chúng tôi đã có dịp tận mắt quan sát “lò” sản xuất nước đá cây của ông Đông ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), cơ sở này rộng trên 50m2, hệ thống bể làm lạnh được ghép bằng các miếng ván cáu bẩn, còn chủ xưởng khi lấy nước đá thì mang cả dày dép đi trên đó. Anh Trí Nguyễn, con trai của chủ xưởng nước đá này, cho biết: “Nguồn nước chủ yếu lấy bằng cả nước máy và nước giếng khoan, mỗi ngày chạy được khoảng trên 500 cây nước đá, được bán với giá 12.000 đồng/cây nặng 30 kg”. Đá ở đây ngoài việc bán cho một số tàu thuyền để ướp cá thì chủ yếu là các quán bia, nhà hàng trực tiếp đến mua. Trên địa bàn xã Diễn Ngọc hiện có 3 cơ sở sản xuất nước đá cây chất lượng sản phẩm đều đáng lo ngại.

Chúng tôi “tìm về” cơ sở sản xuất nước đá cây của ông Tâm ở xã Hợp Thành (Yên Thành). Nơi sản xuất nước đá nằm gần sát với khu chăn nuôi gà, sản phẩm nước đá cây ngoài việc phục vụ cho thị trường nội xã, vợ ông Tâm còn đưa đi bán ở chợ Hôm xã Hợp Thành, chợ Dinh xã Hoa Thành... Qua tìm hiểu được biết, hầu hết cơ sở sản xuất đá lạnh đều sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu bể chứa nước đá được xây bằng gạch hoặc táp lô. Trong khi đó, quy chuẩn về sản xuất nước đá sạch phải đạt các tiêu chí sau: Nước phải lấy từ độ sâu 90m, đạt 40 tiêu chí về kim loại nặng, thành phẩm đá phải đạt 22 tiêu chí, trong đó có 6 tiêu chí về vi sinh vật. Phải xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Khuôn, dao cắt đá, bồn cấp nước... của hệ thống máy sản xuất nước đá viên đều bằng inox, không bị gỉ sét. Chu trình sản xuất phải khép kín, hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Nước đá sạch khi cho vào cốc nước ra màu trong suốt, thời gian tan chảy của nước đá sạch lâu gấp 4 - 5 lần so với nước đá "bẩn".

Sản xuất đá cây không đảm bảo  an toàn thực phẩm  ở xã Diễn Ngọc - Diễn Châu.
Sản xuất đá cây không đảm bảo an toàn thực phẩm ở xã Diễn Ngọc - Diễn Châu.

Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho hay: Toàn tỉnh hiện có 90 cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai, 14 cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết (các cơ sở này đều có giấy phép đăng ký hoạt động, kinh doanh). Tuy nhiên, đối với sản xuất nước đóng chai, nước đá tinh khiết, việc quản lý còn khá khó khăn. Trong năm 2014 phát hiện một số cơ sở có mẫu nước không đạt tiêu chuẩn, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh) do nước nhiễm khuẩn. Bên cạnh một số cơ sở sản xuất đá tinh khiết được cấp phép thì cũng có khá nhiều điểm sản xuất nước đá cây ở vùng nông thôn chưa thể quản lý hết. Trong khi lực lượng thanh, kiểm tra mặt hàng trên không được thường xuyên vì nhân lực quá mỏng. Hiện tại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đang thành lập đoàn kiểm tra rà soát, thanh, kiểm tra, lấy mẫu nước đóng bình, đóng chai, nước đá và cả nước sinh hoạt để xét nghiệm. Tất cả sản phẩm vi phạm, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người dân sẽ bị đình chỉ.

Nước và đá lạnh là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Cùng đó, các cơ quan chức năng cần lập danh sách những cơ sở hoạt động sản xuất nước uống đóng chai, sản xuất đá lạnh vi phạm quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

Nhóm PV

Mới nhất
x
"Ma trận" nước tinh khiết, đá lạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO