Mãi chói ngời những tư tưởng lớn

27/11/2011 16:00

(Baonghean.vn) Sinh ngày 28/11/1820, trong một gia đình chủ xưởng sợi ở Thành phố Bácmên, tỉnh Ranh của nước Đức, khi còn là học sinh trung học, Ph.Ăngghen đã tỏ thái độ căm ghét sự chuyên quyền, độc đoán của bọn quan lại bóc lột. Việc nghiên cứu triết học của ông thời gian ở Béclin, thời gian làm nghĩa vụ quân sự… đã dẫn người thanh niên thông minh, giàu ý chí và nghị lực này đi xa hơn nữa trên con đường khoa học.

(Baonghean.vn) Sinh ngày 28/11/1820, trong một gia đình chủ xưởng sợi ở Thành phố Bácmên, tỉnh Ranh của nước Đức, khi còn là học sinh trung học, Ph.Ăngghen đã tỏ thái độ căm ghét sự chuyên quyền, độc đoán của bọn quan lại bóc lột. Việc nghiên cứu triết học của ông thời gian ở Béclin, thời gian làm nghĩa vụ quân sự… đã dẫn người thanh niên thông minh, giàu ý chí và nghị lực này đi xa hơn nữa trên con đường khoa học.

Tuy vậy, đáng chú ý là thời gian gần 2 năm Ph.Ăngghen sống và làm việc ở Mansextơ (nước Anh), kể từ mùa Thu năm 1842, với việc chăm chú khảo sát đời sống kinh tế, sự phát triển chính trị của nước Anh, và nhất là việc trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân, đã tạo nên trong ông một bước chuyển biến căn bản về thế giới quan.

Một số tác phẩm của Ph.Ăngghen gửi đến Mansextơ, và được giới thiệu trên tờ “Niên giám Pháp - Đức” như Phác thảo góp phần phê phán kinh tế chính trị học; Tình cảnh giai cấp công nhân ở nước Anh; Tômát Cáclây, quá khứ và hiện tại… đã cho bạn đọc thời đó biết được quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa duy tâm và dân chủ - cách mạng sang chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa Cộng sản, của chính tác giả. Bằng chứng thêm rõ là ông đã đứng trên quan điểm duy vật và lập trường của chủ nghĩa xã hội để phê phán kinh tế chính trị học của A.Xmít và Đ. Ricácđô; vạch trần quan điểm chính trị phản động của Cáclây khi người này đứng trên lập trường giai cấp quý tộc phong kiến mà phê phán chủ nghĩa tư bản.

Nhắc tới Ph.Ăngghen, chúng ta không thể không nhắc tới người đồng chí, người bạn lớn của ông là C.Mác (1818-1883). Ph.Ăngghen thua C.Mác 2 tuổi, và ông qua đời sau C.Mác 12 năm (1895). Chính nhờ gặp gỡ về tình cảm, nhất trí về tư tưởng đã dẫn đến gắn liền tên tuổi của hai ông với sự ra đời và phát triển một thế giới quan mới mẻ, mang tên Mác. Đấy là chủ nghĩa Mác, sau này có thêm bổ sung phát triển của V.Lênin để trở thành công cụ sắc bén, rộng khắp trong giai cấp vô sản toàn thế giới!

Một trong những tác phẩm xuất sắc, chắc chắn sẽ còn được bàn bạc lâu dài của C.Mác và Ph.Ăngghen, bên cạnh bộ Tư bản (gồm ba tập, tập 1 do Mác viết, tập 2 và 3 do Ăngghen viết khi Mác qua đời) là “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” ra đời năm 1848. Trong tác phẩm lý luận này, lần đầu tiên hai ông đã hệ thống hóa những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác dưới dạng cô đọng nhất, thể hiện đầy đủ thế giới quan duy vật biện chứng và các luận thuyết cơ bản về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế - chính trị học, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, lý luận về đảng… “Tuyên ngôn” đồng thời còn là văn kiện lịch sử quan trọng, trở thành cương lĩnh đầu tiên của những người Cộng sản.

Từ sau “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” đến nay đã hơn 160 năm, bằng những hoạt động lý luận và cả thực tiễn của mình, Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác đưa phong trào công nhân từ tự phát tới tự giác, phát triển ngày càng mạnh mẽ. Và chính trong quá trình đó, học thuyết của các ông không ngừng được được thử thách, bồi bổ, thuyết phục, ngay cả trên mảnh đất Việt Nam xa xôi, thông qua công phu tìm kiếm, vận dụng sáng tạo của Nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh…


Kim Hùng

Mãi chói ngời những tư tưởng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO