Mái cọ ấu thơ

11/11/2013 20:02

(Baonghean) - Nói về những làng bản Việt Bắc, tôi nhớ hồi nhỏ có học bài thơ viết rằng: "Đường vòng sườn núi quanh quanh/ Bậc thang nương rãy, nhà tranh ven rừng...”. Đọc lên và nhắm mắt lại. tâm trí tôi chợt hiện lên chính không gian sống của bản làng mình. Ven sườn núi, những lối mòn uốn lượn, lác đác vài ba chục nóc nhà lợp tranh, cọ giữa lưng chừng núi. Đó là điểm chung nhất về làng bản truyền thống vùng cao và cuộc sống phát nương làm rãy, cấy lúa nước trên ruộng bậc thang.

Sau này học lên, đi nhiều hơn tôi mới hiểu, bởi cùng chung một gốc gác xa xưa nên cuộc sống của người Thái ở Nghệ An cũng vậy; ở nhà sàn lợp cỏ tranh, lá cây mây, nhưng phổ biến nhất là mái lợp cọ. Mãi sau này, mới có nhà sàn lợp ngói. Cây cọ không chỉ có trong rừng, bản nào cùng trồng ở vườn liền kề nhà, trồng trên rừng thành những đồi cọ. Hình ảnh "rừng cọ", đồi cọ ở xứ Bắc cũng có nhiều ở miền Tây xứ Nghệ.

Mỗi khu vườn liền kề nhà trong bản vùng cao thường trồng cau quanh hàng rào, trồng bưởi, mít quanh nhà vừa ăn quả vừa tạo bóng mát. Trong vườn, còn trồng cây cọ để đề phòng khi nhà có con cái ra ở riêng thì không phải lên rừng tìm nữa.

Lợp nhà tranh ở Con Cuông.
Lợp nhà tranh ở Con Cuông.

Bản tôi ngày trước nhà lợp cọ nhiều hơn nhà ngói. Những ai có nhà mái ngói được cho là giàu. Người ở nhà tranh tự an ủi mình: Mùa hè, nhà tranh mát hơn nhà mái ngói. Từ ngày ông nội cho cha ra ở riêng, cha tôi có được căn nhà tranh của riêng mình. Căn nhà nhỏ trên một ngọn đồi cao, quanh năm gió réo. Gầm sàn thấp chỉ quá đầu người lớn một tẹo. Tôi thích nhất là được cùng bầy em bày trò không lên nhà qua cầu thang mà treo theo cái cột nhà. Lắm khi còn chui qua chiếc cửa tò vò, nhảy phốc xuống đất, rồi cười rúc rích. Tôi đã ở trong căn nhà ấy suốt 20 năm, chẳng còn nhớ bao nhiêu lần phải lợp lại mái lá cọ? Tôi vẫn nhớ mỗi lần trèo lên chữa lại mái nhà lại phát hiện những đồng bạc lẻ tôi dành dụm giấu vào mái cọ tính để mua kẹo rồi quên béng đi mất!

Cuối xuân đầu hè, lũ chim sẻ từ rừng lại tìm về xây tổ trên mái cọ. Chúng khéo léo tìm những chỗ kín đáo trên chóp mái và cũng biết đề phòng lũ trẻ đi săn tổ chim. Bầy trẻ chỉ biết được sự hiện diện của chúng trên mái nhà khi những chú chim non học bay, chúng đã biết chuyền cành kêu ríu ran khắp khu vườn.

Quãng 10 năm trở lại đây, bản được hưởng chính sách xóa nhà tranh tre nứa lá của Nhà nước. Những căn nhà mái cọ dần dần biến mất. Trong bản, ai cũng tranh thủ sự hỗ trợ để "xóa" cho kỳ được những mái nhà lá. Bản làng bây giờ tươi rói màu ngói mới. Chỉ có một số ít hộ mới tách ra còn ở nhà tranh. Họ bảo trong thời gian chuẩn bị gỗ làm nhà và cũng là để chờ Nhà nước hỗ trợ, tạm ở nhà tranh đã.

Hôm nay, trong bản lại có một đôi mới cưới, được tách hộ. Cha mẹ, họ hàng, làng bản vẫn giữ nếp xưa, mỗi nhà góp vài lá cọ trong vườn, đẵn vài cây nứa, cây tre giúp gia đình dựng chiếc nhà sàn nho nhỏ.

Anh chủ nhà hồn nhiên mời: “Về mừng nhà mới với mình nhé. Mới ra ở riêng, còn nghèo lắm!”. Tôi chợt nghĩ đến một ngạn ngữ của người bản mình: Mái nhà chỉ như nơi bóng râm, quan trọng là tình cảm bản mường vẫn bền chặt. Cầm chén rượu tạ ơn người bản đến giúp mình, anh chủ nhà bảo: “Rồi tôi sẽ cố gắng làm nhà mái ngói như dân bản!”.

Những ngôi nhà kiên cố là cần thiết để dân bản "an cư", rồi mới tính kế "lạc nghiệp". Nhưng với tôi, những mái nhà tranh lại là một kỷ niệm ấu thơ khó có thể xóa nhòa!

Bài, ảnh: Hà Phượng

Mới nhất

x
Mái cọ ấu thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO