Mãi mãi là sao sáng
(Baonghean) - Sự hy sinh của các chiến sỹ trong vụ rơi máy bay Mi 171 vào ngày 7/7 tại Hà Nội là nỗi đau không riêng gì của các gia đình, mà là nỗi đau chung của đất nước. Giữa sự lựa chọn sinh tử, các anh không nghĩ cho mình mà hướng về lợi ích của nhân dân... Các anh đã sống và hy sinh đúng như tâm nguyện của mình. Đất nước và nhân dân không quên các anh, các anh mãi là tấm gương, là sao sáng dẫn đường.
(Baonghean) - Sự hy sinh của các chiến sỹ trong vụ rơi máy bay Mi 171 vào ngày 7/7 tại Hà Nội là nỗi đau không riêng gì của các gia đình, mà là nỗi đau chung của đất nước. Giữa sự lựa chọn sinh tử, các anh không nghĩ cho mình mà hướng về lợi ích của nhân dân... Các anh đã sống và hy sinh đúng như tâm nguyện của mình. Đất nước và nhân dân không quên các anh, các anh mãi là tấm gương, là sao sáng dẫn đường.
Đất nước mãi ghi ơn
Sáng 11/7, trời Hà Nội tầm tã trong mưa. Hình như trời đất cũng đang khóc thương cho 18 chiến sỹ hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự ở Thạch Thất, Hà Nội ngày 7/7. Mưa không thể ngăn những dòng người đổ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Thân nhân, bạn bè, đồng đội 18 chiến sỹ đều có mặt và có rất nhiều người dân không quen biết cũng đến tiễn đưa các anh. Đất nước ghi công, nhân dân luôn biết ơn những người con dũng cảm đã hy sinh vì nước, vì dân. Không ai có thể quên được phút giây đau thương sáng ngày 7/7 ấy, máy bay Mi 171 gặp nạn do gặp sự cố giảm công suất đột ngột. Tại thời điểm ấy, nếu phi công cho hạ cánh ngay khi gặp sự cố có thể máy bay vẫn an toàn nhưng vì vị trí máy bay lúc đó ở giữa khu chợ, có đông dân cư, nếu cho hạ cánh sẽ gây ra thiệt hại cho người dân. Phi công và tổ lái đã cố gắng đưa máy bay lên cao để tránh xa khu vực đông dân. Khi đến khu đất trống, ít thiệt hại cho người dân thì máy bay lại không đủ điều kiện để hạ cánh nên đã rơi và dẫn đến tai nạn khiến nhiều chiến sỹ hy sinh... Lựa chọn sinh tử cuối cùng của các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đời đời sắt son không đổi: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.
Tiễn đưa Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Công Hợi về nơi yên nghỉ vĩnh hằng. |
Lễ viếng và truy điệu các anh đã diễn ra với những nghi thức trang trọng nhất; lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều có mặt, tiễn đưa; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương ghi vào sổ tang lễ: “Đảng, quân đội và nhân dân mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả của các đồng chí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh viết rằng: “... Sự hy sinh của các đồng chí đã để lại niềm xúc động, thương tiếc trong lòng nhân dân, cán bộ chiến sỹ toàn quân trong những ngày qua và sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh xử lý tình huống để tránh những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân ở mặt đất”. Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân ghi rõ: “Nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài vô cùng thương tiếc và chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình 18 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các đồng chí hy sinh nhưng để lại tấm gương vì nước quên thân, vì Đảng hy sinh cho thanh niên và mọi người dân Việt Nam”.
10 giờ 30 sáng 11/7, Lễ viếng kết thúc, nhà tang lễ đã không còn chỗ trống, chỉ có tiếng khóc nức nở khi chủ tang đọc điếu văn bày tỏ niềm thương tiếc tới những người con, người đồng đội ưu tú của nhân dân và quân đội Việt Nam. Phía ngoài nhà tang lễ, từng đoàn người vẫn xếp hàng dài, tất cả như muốn ở lại tiễn biệt các chiến sỹ được dân quý, dân nhớ, dân yêu. Trong lòng dân, họ đã trở thành bất tử. Chiếc máy bay Mi 171 đã rơi nhưng các chiến sỹ - những cánh chim đại bàng kiêu hùng đó đã bay trọn hành trình kiêu hãnh của mình. Các anh đã đi xa nhưng những trái tim yêu Tổ quốc ấy mãi còn ở lại... 11 giờ lễ truy điệu kết thúc, một số chiến sỹ được đưa đi hỏa táng để rồi hòa mình vào tên núi tên sông; những người khác theo nguyện vọng của thân nhân được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê hương, đất mẹ.
Quê hương đón anh về
Trong số 18 chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh đó, có một người là con, em của quê hương Nghệ An. Đó là Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Công Hợi, quê ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Xin được lược trích tiểu sử anh, để thêm một lần được ghi nhớ: Trung úy Nguyễn Công Hợi, sinh năm 1983, là con trai cả của ông Nguyễn Công Hiền và bà Đinh Thị Hoa, trú quán tại xóm Tân Mỹ, xã Tam Hợp. Sau khi hoàn thành bậc học THPT, năm 2004, anh Hợi xung phong lên đường nhập ngũ; hoàn thành nghĩa vụ quân sự với thành tích tốt, được kết nạp Đảng trong quân ngũ, anh Hợi được quân đội bố trí cho đi học. Năm 2011, anh Nguyễn Công Hợi được phong quân hàm Thiếu úy, công tác tại Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội... Về đời tư, năm 2013, anh Nguyễn Công Hợi lập gia đình với chị Đỗ Thị Huyền Châm; con gái của anh chị là cháu Nguyễn Thị Thanh Vân, tại thời điểm anh hy sinh mới 6 tháng tuổi. Trước khi anh hy sinh, đời sống kinh tế gia đình vợ chồng nhiều khó khăn khi chị Châm chưa có công việc ổn định, anh chị đang phải thuê nhà ở. Sau khi máy bay Mi 171 gặp nạn, gia đình nhận được tin dữ do đơn vị của anh báo về. Tất cả đều bàng hoàng đau đớn. Ông Đào Mạnh Huyền, dượng của Trung úy Nguyễn Công Hợi cho hay: “Cháu nó hiền lành, hiếu thảo. Họ hàng, hàng xóm láng giềng ai cũng quý cũng yêu, đều coi cháu là tấm gương sáng để giáo dục con em mình. Thế mà... Mấy ngày nay, rất đông người dân xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp đã đến đây để chia sẻ an ủi, động viên gia đình. Đơn vị đã cử người về phối hợp cùng địa phương, gia đình để lo chuyện hậu sự cho cháu”.
11 giờ 45 phút ngày 11/7, đoàn xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô chở linh cữu Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Công Hợi chầm chậm rời Hà Nội, theo đường mòn Hồ Chí Minh trở về nơi chôn rau cắn rốn, về với quê mẹ yêu thương. Trên con đường màu xanh huyền thoại ghi dấu bao chiến công anh dũng của cha anh trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giờ đây đã xanh cây tốt trái, dân cư quần tụ đông đảo. Hai bên đường, người dân xếp hàng đứng tiễn đưa anh, họ lặng lẽ kính cẩn nghiêng mình, có cựu chiến binh già tay rời gậy, đứng nghiêm chào đồng đội của mình: “Vĩnh biệt đồng đội, người đã cùng chúng tôi bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, chúc đồng chí yên nghỉ nơi vĩnh hằng”. Sự hy sinh của Trung úy Nguyễn Công Hợi và các đồng đội không chỉ là nỗi đau của các gia đình mà còn là đau thương của mọi người dân yêu nước.
Chị Nguyễn Thị Minh, một người dân xóm Tân Mỹ xúc động chia sẻ: “Trong thời bình, những chiến sỹ vẫn vì sự bình yên của người dân mà hy sinh. Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn. Người dân sẽ mãi nhớ đến các anh. Anh Nguyễn Công Hợi chính là niềm tự hào của địa phương”.
Chiều ngày 11/7, trời Quỳ Hợp đổ mưa bong bóng. Mưa xua tan đi nắng nóng lại như buồn thương. Mưa đến nhanh và cũng dứt nhanh, gió bắt đầu thổi căng những băng rôn, cờ phướn. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Quỳ Hợp và hàng ngàn người dân đã tập trung về hai bên Quốc lộ 48, đón người anh hùng Trung úy Nguyễn Công Hợi trở về. Họ muốn nhìn anh lần cuối, dẫu hôm nay đôi mắt sáng như sao ấy đã nhắm lại, nét cười rạng ngời, giọng nói trầm ấm đã tắt. Những suy tưởng kéo về, mọi người không ai cầm được dòng lệ tuôn rơi, mắt mong ngóng về hướng Đông, nơi đoàn xe vượt qua những miền quê yên bình, ngược Tây đưa anh về với đồi núi Phủ Quỳ thẳm xanh.
Lễ Truy điệu, an táng được thực hiện theo nghi thức Quân đội. |
Anh về đây trong vòng tay yêu thương của gia đình, làng xóm, dòng người chầm chậm bước theo xe, hướng về Đài tưởng niệm liệt sỹ của xã, nơi tổ chức lễ truy điệu Trung úy Nguyễn Công Hợi... Trong hai cuộc chiến tranh giữ nước chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đã có 58 người con anh hùng quê hương Tam Hợp đã hiến máu xương, sự sống của mình để đắp xây nên nền hòa bình, độc lập. Ngày mai, tên tuổi anh tạc vào bia đá, trang sử vàng của địa phương như bao nhiêu cha, anh đi trước.
Hương khói nghi ngút, bảng lảng khắp cả triền đồi. Các đoàn đại biểu, người dân kính viếng hương hồn Trung úy Nguyễn Công Hợi mỗi lúc mỗi đông. Lễ truy điệu và an táng đã diễn ra hết sức nghiêm trang. Những đồng đội đỡ anh về chậm bước. Hàng ngàn người dân theo sau, ai cũng muốn gửi một phần lòng biết ơn vun vén để mộ phần của anh to đẹp. Xin anh yên lòng an nghỉ, đất nước và nhân dân mãi mãi không quên anh.
Nghĩa trang Tân Mỹ nơi anh yên nghỉ ba bề là rừng tràm xanh thẫm, thơm ngát những mùa hoa. Trăng rằm đã lên từ phía biển, trăng hiền dịu, ru anh vào giấc thiên thu...
Đặng Chung