(Baonghean) - Chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, từ gần 400 làng nghề truyền thống nay số làng đang giữ được nghề và công nhận làng nghề trên toàn tỉnh chỉ còn lại hơn 100 làng. Sự mai một của các làng nghề khiến không ít người hụt hẫng, tiếc nuối bởi mất đi làng nghề truyền thống là mất đi một phần văn hóa, bản sắc đặc trưng của mỗi vùng miền…
Chúng tôi tìm về làng nghề Do Nha, xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) bởi đã từng được nghe giới thiệu đây là ngôi làng có nghề đan dè cót “không có nơi nào sánh kịp”. Chỉ tiếc rằng, giờ đây nó chỉ còn lại trong hoài niệm, trong vài dòng ngắn gọn của cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Nhân”.
Các cụ trong làng kể lại rằng, trước kia vùng đất Hưng Nhân ở ven bờ sông Lam chỉ là một bãi bồi hoang vắng. Một ngày có một nhóm người từ miền ngoài vào thấy vùng đất này trù phú đã dừng lại, neo thuyền, làm nơi cư trú. Nghề chính ban đầu của họ là chài lưới nhưng thấy nghề này vất vả, công việc nặng nhọc suốt ngày phơi mặt giữa đất trời nên người cao tuổi nhất trong đoàn đã nghĩ ra việc tận dụng tre nứa quanh vùng để đan mái che thuyền.
Dần dần, dân cư phát triển ngày một đông, từ thuyền họ chuyển lên bờ lập thôn, lập ấp. Nghề đan mái che thuyền để che mưa, che nắng trước kia cũng được người dân vận dụng chuyển thành nghề đan lát truyền thống. Ở đền Rậm, xã Hưng Nhân nay vẫn còn thờ ba vị, đó là cụ già Xuân họ Nguyễn, già Hiếu họ Phạm, già Rằng họ Trần, những người được xem là ông tổ nghề đan và cũng là ông tổ khai cơ lập làng. Nghề đan lát làng Do Nha có từ thời hậu Lê, phát triển đến thế kỷ 20, rầm rộ nhất những năm 89, 90 rồi mất hẳn vào đầu những năm 2000.
Nói về nghề, ông Phạm Ngọc Anh, năm nay gần 60 tuổi tiếc nuối, so với tuổi đời ông còn thua rất nhiều người trong làng nhưng tuổi nghề ông là một trong những người gắn bó lâu nhất bởi từ ngày 5, 6 tuổi, ông đã theo bố mẹ, ông bà học nghề đan lát. Nghề đan dè cót xưa rất thịnh hành, làng có gần 100 hộ thì đến hơn 90% người dân theo nghề. Gọi là đan dè nhưng sản phẩm của làng rất phong phú và đa dạng, từ đan mai nốc để che thuyền, đan các tấm lá cót, nia, mẹt, đan rổ, phên thưng nhà, đến đan cả bức thuận có trang trí, đan bức hoành phi…
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, để kịp phục vụ cho chiến trường, cho những chuyến xe vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào Nam, nhà của gia đình ông Anh đã từng được chọn để đan các tấm lá cót. “Thời đó, cứ đêm xuống, chúng tôi chọn những ngôi nhà rộng nhất, chia thành từng tốp nhỏ, ngồi trong nhà, thắp đèn đóng kín lại để đan. Nhiều tháng liền đan thâu đêm suốt sáng nhưng chẳng ai kêu mệt bởi biết bộ đội và nhân dân miền Nam đang ngày đêm mong ngóng những chuyến hàng”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào thời kì xây dựng CNXH, làng Do Nha là làng duy nhất trong toàn xã được chọn để xây dựng Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp. Nghề đan dè cót nuôi sống cả làng, theo đường sông, đường bộ đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành.
![]() |
Làng nghề đan lát Do Nha, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên. Ảnh: Phan Văn Toàn
Nay, cái thương hiệu “Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp” lại trở thành cái “khó” cho người dân trong làng. Lý do là bởi thời đó, xã Hưng Nhân có 10 xóm thì 9 xóm vì không có nghề phụ nên được cấp đất sản xuất nông nghiệp. Làng Do Nha (xóm 9) vì có nghề đan, được định hướng phát triển theo hướng dịch vụ, sản xuất hàng hóa nên không được cấp đất. Nhưng không ngờ, nghề chỉ phát triển được vài năm. Bước sang những năm 90, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sự tiến bộ của kỹ thuật, sản phẩm dè cót, đan lát không còn được người tiêu dùng ưa chuộng. Thay vì sử dụng các sản phẩm bằng mây, tre, người dân chuyển sang dùng hàng nhựa, hàng gỗ, hàng tôn.
Không còn nghề cũ, không có đất sản xuất, mấy năm trở lại đây chính quyền xã Hưng Nhân nhiều lần bàn hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân xóm 9 nhưng đều thất bại. Mới đây nhất, nhờ dự án của Liên minh Hợp tác xã, người dân Hưng Nhân được ra huyện Ý Yên (Nam Định) học nghề mây tre đan xuất khẩu. Thế nhưng, học nghề xong, tổ chức sản xuất thành công được ba mẻ hàng rồi im ắng từ ngày ấy đến nay vì hàng làm ra không có nơi tiêu thụ, không có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Giờ nói về ý định khôi phục làng nghề, người dân trong xã ai cũng lắc đầu. Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân khi nghe chúng tôi hỏi về làng nghề truyền thống cũng bi quan: “Hết cách rồi. Chúng tôi đã nỗ lực mời ba đơn vị về khảo sát, xã cũng đã đứng ra thế chấp vay tiền ngân hàng để mua máy móc về hỗ trợ sản xuất nhưng đành thất bại…”.
Riêng ông Phạm Ngọc Anh, biết làng nghề đã vào giai đoạn “thoi thóp” nhưng ông vẫn cố gắng bám trụ, dù mỗi tháng ông chỉ đan được vài tấm cót cho một vài người dân có nhu cầu trong xã. Nghề mất thì ông chấp nhận vì đó là quy luật của thời gian nhưng điều ông tiếc nhất đó là “tinh thần” của làng nghề, tiếc cái tính cộng đồng, gắn kết trước đây mà nay dù có nỗ lực cũng khó mà gìn giữ. Rồi con em trong làng, dù có đi làm công nhân, đi làm ăn xa thì bốn mươi, năm mươi tuổi cũng sẽ trở về. Khi ấy, không có nghề, không có đất, biết lấy gì mà kiếm kế sinh nhai?.
Mất làng nghề, mất đi nét đặc trưng văn hóa làng cũng là điều mà nhiều người dân tiếc nuối. Tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm Đồng Văn (xã Hùng Tiến, Nam Đàn) khi ông vừa đi làm cát sỏi cho một ghe thuyền ở bến Địu về, ông chia sẻ: “Giờ chỉ cần dậy từ 3, 4 giờ sáng làm khoảng 4, 5 tiếng là có thể kiếm được 400 - 500 nghìn đồng nhưng vẫn thấy không vui, không lạc quan như ngày còn làm nghề đan bồ ở làng trước kia...”.
Rồi ông kể cho tôi nghe cái thời cả làng Đồng Văn say sưa làm bồ thúng. Đó là thời điểm của những năm 90 trở về trước, khi mà điều kiện kinh tế còn eo hẹp, bà con nông dân vẫn quen dùng thúng, dùng bồ để đựng nông sản. Sản phẩm của làng Đồng Văn xưa kia “hút” khách, thứ nhất là giá rẻ, thứ hai là chất lượng, đẹp, bền, thứ ba là tiện lợi, vừa làm bồ, vừa có thể làm phên che nắng. Nói về giá trị kinh tế, nếu so với các mặt hàng khác thì không cao nhưng đây lại là sản phẩm “một vốn bốn lời” bởi nguyên liệu, lao động đều có thể tận dụng trong làng, trong xã.
Như hai vợ chồng ông Hùng, cứ ba ngày một chuyến đưa 6 chiếc bồ đi bộ từ đây sang vùng Truông Hối, xã Nghi Công bán là có thể mua được một - hai yến gạo. Nghề không những giúp ông nuôi được 3 đứa con học hành đầy đủ mà quan trọng hơn là rèn dũa tính bền bỉ, chịu khó của con người. Có nghề phụ, làng cũng không còn cảnh nông nhàn, cánh thanh niên cũng không phải bôn ba ra Bắc vào Nam làm thuê kiếm sống hay rỗi rãi rồi dính vào các tệ nạn ma túy, cờ bạc như hiện nay – ông Hùng tặc lưỡi.
Kế bên làng Đồng Văn, ông Nguyễn Đình Ngụ (làng Đồng Trung) năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn cố gắng bám trụ với nghề làm thang, làm chọng. Ông tâm sự đây là nghề “cải tiến” sau khi nghề chằm tơi của làng bị mai một. Dù công việc vất vả, mỗi tháng làm cật lực cũng chỉ kiếm được một hai triệu đồng nhưng ông không bỏ bởi ông còn muốn giữ nghề, còn muốn truyền nghề cho mấy đứa cháu để chúng lớn lên còn biết về nghề truyền thống của quê hương.
Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 369 làng có nghề, trong đó, chủ yếu là các làng nghề mây tre đan xuất khẩu, nghề ươm tơ dệt lụa, nghề dệt thổ cẩm, nghề chế biến hải sản… Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay tỉnh mới khôi phục và công nhận được 119 làng nghề với 12 nhóm nghề. Nhiều ngành nghề sau nhiều năm không được quan tâm, không được đầu tư, không có thị trường tiêu thụ đã bắt đầu bị mai một như nghề dè cót ở xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên), nghề làm bồ thúng ở xã Hùng Tiến (huyện Nam Đàn), nghề làm nghề giấy dó ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc), nghề đúc đồng ở xã Diễn Tháp, nghề lò rèn ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu).
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh thì nguyên nhân dẫn đến các làng nghề mai một là do các sản phẩm của các làng nghề truyền thống không còn thích hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Nhiều địa phương chưa quan tâm, cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển TTCN và xây dựng làng nghề. Người dân thiếu linh hoạt, chậm thay đổi, khả năng cải tiến mẫu mã kém, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống khó khăn. Lớp thanh niên phần lớn đều không mặn mà với nghề "cha truyền con nối". Hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi quê hương và tìm một nghề khác thức thời hơn.
Để đẩy nhanh việc phát triển các làng nghề, hiện ở tỉnh ta đã xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển làng nghề đến năm 2015, cái cần thiết bây giờ là phải có thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; gắn công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng với việc ban hành và thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư… Chú trọng việc hỗ trợ chính sách phát triển thị trường, hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn; ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguyên liệu từ nông, lâm, ngư nghiệp…
Tỉnh ta đang tập trung mọi nhân lực, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Trong các giải pháp để thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập thì phát triển, khôi phục làng nghề truyền thống, được xem là biện pháp ổn định lâu dài để giải quyết việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp - nông thôn. Đây còn là nền tảng để giữ vững bản sắc văn hóa và phát triển du lịch. Nếu làm được như thế, chắc chắn các làng nghề truyền thống xưa sẽ được khôi phục, dần trả lại bản sắc văn hóa làng cho mỗi vùng quê xứ Nghệ.