Mai này biết truyền nghề cho ai?

13/08/2013 16:15

(Baonghean) - Trong không gian nồng thơm mùi của mật mía quyện với gừng tươi, chúng tôi được vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1959), chị Nguyễn Thị Phú (sinh năm 1962) ở xóm 8, xã Hưng Châu, Hưng Nguyên kể cho nghe về cái nghề làm kẹo lạc, cu đơ, cái nghề "cha truyền con nối" này đã giúp anh chị nuôi 4 người con trưởng thành.

Không nhớ rõ nghề làm kẹo lạc bén duyên với gia đình mình từ lúc nào. Chỉ biết rằng tuổi thơ của anh Tùng gắn liền với tiếng bóc lạc, giã gừng hàng đêm của mẹ, tiếng lục cục nhóm lò mỗi tối của cha. Mỗi ngày, từ trong gian bếp chật chội tỏa ra mùi thơm ngọt, nồng ấm của mật mía, của gừng tươi, của lạc lan khắp không gian, khiến cả 9 anh chị em trong nhà tỉnh giấc chạy ton tót xuống phụ giúp cha mẹ. Đó là lúc cha anh khệ nệ bưng chảo kẹo lạc to đùng đổ lên những tàu lá chuối được mẹ trải sẵn trên khuôn.

Không ai bảo ai, người lấy chiếc đũa cả nhanh nhẹn dàn kẹo ra cho đều khi kẹo đang nóng. Người vội vã đổ mật vào chảo bắc lên lò chuẩn bị cho mẻ thứ hai... Cứ thế cho đến sáng. Mẻ kẹo lạc đầu tiên rắn lại. Cha lấy con dao cắt kẹo ra từng thanh đều tăm tắp kịp cho mẹ đi buổi chợ sớm mai. Nghề kẹo lạc giúp cha mẹ anh nuôi 9 người con khôn lớn. Dựng vợ gả chồng cho từng người cũng nhờ mỗi buổi chợ hết hàng. Trong gia đình có 5 người theo nghề của cha mẹ.

Năm 1980 anh Tùng lập gia đình, chị Phú cũng là người trong xã nhưng là người “ngoại đạo”. Ngày về làm dâu, chị được mẹ chồng truyền dạy những bí quyết “gia truyền”. Từ cách chọn lạc, chọn mật mía sao cho ngon, cách nấu mật đến thời điểm nào thì bỏ lạc, gừng tươi giã nhỏ vào... Chị đã yêu cái nghề này như yêu con trai của mẹ. Ở chung với ông bà 5 năm. Anh chị kịp thuộc nằm lòng những công đoạn, kỹ thuật của nghề nấu kẹo. Ngày ra ở riêng, chị nhớ mãi lời dặn dò của mẹ: Gia đình ta nghèo, cha mẹ chỉ có cái nghề truyền lại. Các con cố gắng mà duy trì, nghề này không cao sang nhưng cũng có thể nuôi sống các con...



Chị Phú giới thiệu sản phẩm cu đơ Hồng Phú.

Anh chị bắt đầu dựng nghiệp với số tiền vay mượn của anh em họ hàng. Nghề thì đã có trong tay nhưng để duy trì, phát triển không đơn giản chút nào. Nếu chỉ bán quanh quẩn ở chợ Mý thì không thể đủ sống. Cái nghề nấu kẹo lạc là “lộc” của đất trời ban cho rất nhiều gia đình khác trong làng. Phải đưa sản phẩm của mình đi xa hơn. Nghĩ là làm, chị Phú với chiếc xe đạp cà tàng đã đi không biết bao nhiêu km một ngày rong ruổi đưa kẹo lạc lên Vinh, sang cả Hà Tĩnh. Thời gian đầu, vì chưa quen cộng với mẫu mã của sản phẩm chưa đẹp, nên có những ngày chị Phú chỉ bán được dăm gói. Không nản lòng, chị về bàn với chồng chuyển từ làm kẹo lạc sang làm cu đơ. Anh Tùng thấy cũng hợp lý vì cu đơ nhìn lịch sự, đẹp mắt hơn. Hơn nữa bánh đa thì không phải lo, vì cũng là nghề “bí truyền” của làng. Từ chỗ chỉ bán được 5 gói kẹo lạc mỗi ngày, chuyển sang làm cu đơ, chị Phú đã bán được 10 gói, rồi lên 20 gói, 50 gói... Đến nay cu đơ Hồng Phú đã trở thành thương hiệu, được bày bán trên các sạp hàng ở chợ Vinh, ở chợ Xuân An, đền Củi – Hà Tĩnh.

Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, anh chị vay thêm vốn, thuê người làm, đóng gói. Trong nhà lúc nào cũng có hai nhân công thường xuyên, lương tháng từ 1,5 – 2 triệu đồng/người. Những lúc thời vụ, cao điểm, anh chị phải thuê thêm nhân lực mới đủ hàng để giao. Ngoài bán ra thị trường, cu đơ Hồng Phú còn được nhiều khách hàng quen đặt mua làm quà biếu mỗi lần đi xa hay có khách đến chơi nhà. Trung bình mỗi ngày anh chị sản xuất hơn 100 bao cu đơ các loại.



Công đoạn dùng bánh đa kẹp kẹo lạc.

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế từ nghề truyền thống, mà anh chị Tùng Phú còn nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học hành thành đạt. Nói đến chuyện này, anh Tùng nhìn vợ âu yếm: “Tất cả là nhờ sự chịu thương, chịu khó của mẹ các cháu đấy”. Ngày các con còn nhỏ, lại sinh dày nên chị Phú chỉ nghỉ cữ một tháng rưỡi là đã trở dậy để sắp xếp việc nhà, phụ giúp anh nấu kẹo. Con hơn hai tháng chị Phú đã bươn bả đạp xe sang Hà Tĩnh, xuống Vinh giao hàng từ sáng. Có hôm ham hàng, chị đi quá tới tận 1 - 2 giờ chiều mới về. Anh Tùng nhiều phen phải dỗ con khóc ngằn ngặt vì khát sữa mẹ không chịu nín. Rồi các con khôn lớn, đi học gần nhà nên việc đưa đón không phải lo. Chỉ lo làm thế nào để kiếm tiền nuôi chúng ăn học. Anh Tùng thường nói với các con: “Đời cha mẹ không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng may mắn ông bà truyền lại cho cái nghề. Cha mẹ có trách nhiệm phải duy trì nghề, còn nhiệm vụ của các con là phải cố gắng học tập thật tốt”.

Đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại, chị Phú luôn thầm cảm ơn ông bà, cha mẹ đã cho vợ chồng chị nghề làm kẹo lạc. Nhờ cái nghề này mà anh chị đã nuôi 4 người con trưởng thành, có việc làm ổn định, có gia đình hạnh phúc. Nhắc đến các con, khuôn mặt chị Phú rạng ngời: Con gái đầu sinh năm 1981 học hóa thực phẩm, con gái thứ hai sinh năm 1982 học dược sỹ, con gái thứ 3 sinh năm 1987 học hóa dầu và cậu con trai út sinh năm 1990 đang làm việc ở sân bay. Cả 4 người con đều đang làm việc ở Đà Nẵng.

Anh Lê Khánh Quang – cán bộ văn hóa xã Hưng Châu cho biết: Không những kinh doanh giỏi, góp phần lưu giữ nghề truyền thống kẹo lạc của Hưng Châu, vợ chồng anh Tùng, chị Phú còn là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của xóm, của xã, tạo việc làm cho một số lao động trong làng. Vừa rồi, trong đợt tổng kết 10 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” anh chị được nhận giấy khen gia đình văn hóa tiêu biểu 10 năm liên tục.

Tuy nhiên, trăn trở nhất của vợ chồng chị Phú hiện nay là: Mai này biết truyền nghề cho ai?


Bài, ảnh: Thanh Hiền

Mới nhất
x
Mai này biết truyền nghề cho ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO