Mắt biển quê hương

21/01/2013 19:04

(Baonghean) - Tôi ra với đảo Mắt trên con tàu gỗ nhỏ khi tờ lịch cuối cùng của năm 2012 sắp hết. Mặt nước biển một màu đen thẫm. Biển động cấp 4, con tàu gỗ lầm lũi, kiên nhẫn vượt qua từng con sóng...

Chuyện kể rằng, trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có hai vợ chồng đều là tướng lĩnh dưới trướng của hai bà. Nàng tên là Tố Nương, quê lụa Hà Tây. Khi cuộc đàn áp phong trào khởi nghĩa này của quân giặc xẩy ra, hai vợ chồng bị thất lạc nhau. Nàng đã dong thuyền đi tìm chồng đang lưu lạc ở xứ Hàm Hoa (Diễn Châu ngày nay) rồi thuyền bị bão dạt vào hòn đảo nhỏ này. Trong những ngày cuối đời trên đảo, đến lúc sức tàn lực kiệt nàng Tố Nương vẫn ngóng về đất liền, cầu mong cho người chồng được sống bình yên. Cảm phục tấm lòng thủy chung son sắt, nhân dân đã đặt tên cho hòn đảo nhỏ nơi biển khơi xứ Nghệ này là đảo Mắt. Rồi năm tháng trôi qua, đảo Mắt ngày nay trở thành đôi mắt canh giữ bình yên cho đất trời xứ Nghệ.

Tiếng máy tàu nhẹ lại, giảm tốc. Phía trước hiện lên hai hòn đảo mường tượng như đôi mắt người thiếu phụ. Người lái tàu nói vọng xuống: “Đến đảo rồi, chuẩn bị cập bến”. Tất cả chúng tôi đều tỉnh táo và phấn chấn hẳn lên. Phía trên cầu tàu, các sỹ quan, chiến sỹ của đảo Mắt trong quân phục chỉnh tề đứng thành hàng ngang, trong mưa để đón tàu.

Những bậc xi măng len qua những vai đá khổng lồ, nhỏ nhất cũng có thể nặng đến hàng trăm tấn. Không biết, bộ đội đã mở lối như thế nào để có được con đường nhỏ này. Có loại cây rất lạ, to lớn, mọc bao phủ lấy cả những hòn đá lớn, thòng từng chùm rễ xuống. Bất chợt có tiếng “khẹc, khẹc” trên cây, chúng tôi ngước nhìn lên thì bắt gặp mấy chú khỉ đang tinh nghịch rượt đuổi nhau qua những chùm rễ.

Ngôi nhà chỉ huy tiểu đoàn nằm ẩn mình dưới những tán cây, nép mình vào vách núi. Tôi ngửi thấy mùi hương thoảng bay trong gió. Theo mùi hương trầm, bước chân đưa tôi đến Đài Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên đảo. Dựa lưng vào vách núi, đài tưởng niệm uy nghiêm nhìn ra những ngọn sóng bạc đầu ngày đêm xô vào chân đảo. Tôi lặng người trước những bông hoa đại trắng, được các chiến sỹ hái đặt nơi ban thờ. Nơi đây, tên tuổi và ngày tháng năm các anh đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ được lưu lại như là một chứng tích, nhắc nhở cho đời sau rằng: Những hòn đảo, những mét nước trên mặt biển này đều có xương máu cha anh.

Theo con đường quanh co uốn lượn để lên đỉnh cao nhất, những tảng đá to như những căn nhà nằm chênh vênh bên mép đường như chực đổ xuống bất cứ lúc nào. Trời lạnh, trong những vọng gác lưng chừng núi, những người lính đảo vẫn nghiêm trang đứng gác, đôi mắt chăm chú hướng nhìn ra biển. Tại nơi này, có một đài quan sát được xây kiên cố. Mưa mù khiến tôi không thấy gì trên biển ngoài một màu đen thẫm. Gió vẫn ù ù mang cái lạnh tê tái quất vào mặt. Thiếu tá Lâm - đảo trưởng dẫn tôi đến tấm bia lưu giữ sự kiện ngày 17/8/1968, khi tên lửa của địch bắn trúng khẩu đội chiến đấu. Rải rác xung quanh là những vết hằn sâu vào đá do bom đạn năm nào gây nên.

Đảo Mắt nằm ngoài khơi cách đất liền khoảng 18 hải lý. Đây là vị trí tiền tiêu quan trọng, như con mắt thức giữa biển khơi. Đảo Mắt chủ yếu là đá lớn, đá trải đều khắp diện tích đảo. Điều kiện để trồng trọt trên đảo vô cùng khó khăn. Những hốc đá, những khoảng trống hiếm hoi được các chiến sỹ tận dụng, tạo thành những thửa rau xanh theo kiểu bậc thang, đan xen giữa đá.



Tuần tra trên Đảo mắt. Ảnh: Đình Sâm

Cũng chính vì vậy, nước ngọt trên đảo rất hiếm, chủ yếu dựa vào nước trời. Tất cả các nguồn nước mưa trên đảo đều được chắt chiu, tận dụng và chảy qua các ống dẫn vào những chiếc bể lớn xây ngầm dưới đất, tích trữ dùng cho suốt mùa khô. Tại các phòng sinh hoạt và nhà tắm, chúng tôi đều thấy dòng chữ “Tài nguyên quý hiếm trên đảo là nước ngọt”.

Buổi chiều, lúc này đã bớt mưa, biển không còn động dữ dội như buổi sáng nữa. Chúng tôi đang cùng với các cán bộ sỹ quan chỉ huy đảo trò chuyện, bỗng có hai cha con ngư phủ, khiêng một con cá dơi đi vào nhà chỉ huy tiểu đoàn. Được biết, họ quê ở huyện Diễn Châu, đã được bộ đội đảo Mắt cứu sống trong một lần thuyền của họ bị chết máy, lật thuyền năm 2010. Từ đó đến nay, cứ gần Tết, hai cha con họ đều đến đảo, tìm đến các anh bộ đội với món quà của biển cả do họ đánh bắt được, thay cho lời cảm tạ các ân nhân. Tôi được biết thêm, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt còn đảm nhiệm công việc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Đêm xuống, tôi theo chân đồng chí Moong Văn Bún đi kiểm tra mấy luống rau xanh trồng trên đảo. Bún là người dân tộc Khơ mú, mới nhập ngũ được một năm, cấp bậc binh nhất. Moong Văn Bún còn cho biết thêm, hiện có 7 đồng chí là con em, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An như Khơ mú, Thái, Thổ đang làm nhiệm vụ trên đảo Mắt này. Tôi hỏi Bún: “ Tết gần đến rồi, có nhớ nhà không?” Nở nụ cười hiền lành, Bún nói: “Thời gian đầu cũng nhớ nhà. Hôm tháng Tám, được đơn vị cho nghỉ phép bảy ngày, nhưng mới về nhà được ba ngày em quay ra đơn vị luôn vì nhớ đảo quá”.

Đêm xuống, gió bắt đầu nổi lên. Gió trên đảo thường dữ dội hơn ở đất liền. Nơi con đường quanh đảo, các chiến sỹ vẫn đều đặn đổi phiên tuần tra. Phía ngoài biển cách đảo không xa, là ánh sáng của những con tàu hàng đang neo đậu, nép mình vào đảo Mắt để tránh gió.



Lễ chào cờ trên Đảo mắt

Sáng 1/1/2013, khi trời đã sáng rõ. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt chỉnh tề xếp hàng dưới sân đón chào năm mới. Phía trước, cờ Tổ quốc phần phật tung bay trong gió biển. Phía sau lưng, sóng biển ầm ầm dội vào vách đá tung bọt trắng xóa. Những ánh mắt của những người lính đảo Mắt, trang nghiêm ngước nhìn lên ngọn Quốc kỳ. Tôi cảm nhận được từ những ánh mắt đó, chứa đầy lời thề son sắt, quyết tâm. Bài Quốc ca Việt Nam được cất lên hùng tráng, tự hào giữa biển khơi.

Tôi lặng người, bởi đây là lần đầu tiên được nghe bài Quốc ca Việt Nam trên đảo quê hương giữa biển khơi lồng lộng. Vẫn giai điệu đó, vẫn lời bài hát đó, tình yêu quê hương, đất nước xen lẫn tự hào bỗng đâu dâng lên nghẹn ngào trong lồng ngực…


Thế Sơn

Mới nhất

x
Mắt biển quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO