Mất mùa cây màu vụ xuân

06/06/2014 11:20

(Baonghean) - Những bãi ngô xanh mướt nhưng không có bắp hoặc có nhưng không có hạt, những ruộng lạc, củ ít nhân, hạt lép là tình trạng phổ biến ở các vùng màu trong sản xuất vụ xuân năm nay. Nếu cây lúa xuân được đánh giá là có năng suất bội thu nhất từ trước đến nay, thì cây màu ở nhiều vùng lại bị mất do những đợt hạn vào đúng thời kỳ phát triển quan trọng của cây trồng.

Ngô không hạt

Bắp ngô không có hạt tại xã Cát Văn (Thanh Chương).
Bắp ngô không có hạt tại xã Cát Văn (Thanh Chương).

Xã Bồng Khê, huyện Con Cuông diện tích sản xuất đất nông nghiệp chủ yếu là đất màu, ven sông Lam. Đây cũng là địa phương có diện tích ngô nhiều nhất huyện. Vụ xuân này, Bồng Khê trồng 170 ha ngô, do thời tiết nắng nóng, kết hợp với gió Lào thổi mạnh, 157 ha ngô (chủ yếu giống ngô lai NK4300) đã bị khô cờ, không thụ phấn được, dẫn đến bắp không có hạt. Vợ chồng anh Trần Văn Tuấn ở thôn Vĩnh Hoàn, cho biết: Gia đình có 8 sào ngô xuân, như các năm trước thu hoạch được 3 - 4 tấn ngô, nhưng vụ này không thu hoạch được hạt nào. Những đám ngô xanh tốt, bắp đều, nhưng trổ cờ đúng vào dịp nắng nóng kéo dài, khiến cờ khô cháy, bóc bì bắp không có hạt nào. Nghe nói Công ty sữa TH về thu mua cây ngô cho bà con, làm thức ăn cho bò sữa, với giá 800 nghìn đồng/tấn, nhưng chưa thấy công ty đến mua phải chặt cây ngô mang về cho trâu ăn. Cuộc sống của gia đình anh Tuấn chủ yếu dựa vào 8 sào đất màu, không có đất sản xuất lúa, vụ ngô xuân hè này mất trắng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng thôn Vĩnh Hoàn trăn trở: Vụ xuân này, cả thôn trồng được gần 50 ha ngô, nhưng có tới gần 36 ha bị khô cháy cờ, coi như mất trắng. Không còn cách nào khác, chúng tôi đã liên hệ với Công ty sữa TH về thu mua cây ngô cho bà con, chứ trâu, bò của gia đình không thể ăn hết. Thế nhưng, cho đến nay Công ty sữa TH chưa có thông báo thu mua, bà con sốt ruột, vì nếu chờ càng lâu dưới nắng nóng như thế này, cây ngô sẽ khô. Vụ xuân hè này, toàn huyện Con Cuông trồng 915 ha ngô, tại các xã: Bồng khê, Thị trấn, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn, Cam Lâm, Đôn Phục, Yên Khê… trong đó xã Bồng Khê nhiều nhất, với gần 170 ha. Thế nhưng, chỉ có ngô ở xã Bồng Khê bị thiệt hại do nắng nóng, các xã còn lại, đến thời điểm này đã thu hoạch xong, năng suất ngô không giảm so với vụ trước. Như vậy, do lịch thời vụ trồng ngô xuân của xã Bồng Khê muộn hơn so với các địa phương khác, nên ngô trổ cờ muộn, dẫn đến hậu quả trên.

Tương tự tại vùng bãi xã Cát Văn (Thanh Chương) trải dài ngút ngát là ngô, nhưng bắp ngô còi cọc, cong queo, hầu như không có hạt. Toàn xã có 140 ha ngô thì hầu hết mất trắng với tỷ lệ mất trên 70%. Theo ông Hoàng Đình Trường - Phó Chủ tịch UBND xã: Năm nay, do mưa lụt kéo dài nên đã làm chậm thời vụ gieo trỉa ngô đông đến trung tuần tháng 10, ngô vụ xuân đến tận cuối tháng 2 dương lịch mới được gieo trồng, chậm hơn mọi năm. Giai đoạn đầu, cây phát triển tốt, nhưng từ đầu tháng 5, nắng nóng khốc liệt kéo dài gần một tháng đúng vào thời kỳ cây tạo bắp đã ảnh hưởng nặng nề đến năng suất của cây ngô. Ngô trổ cờ nhưng không thụ phấn được, hầu hết diện tích không có bắp hoặc nếu có thì cũng không có hạt. Nếu bình thường, năng suất ngô bãi dao động từ 2,5 - 2,7 tạ/sào thì hiện tại, xã đang phải chỉ đạo thu hoạch để lấy thân lá làm thức ăn cho gia súc, đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng cây màu hè thu đúng lịch thời vụ.

Ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Toàn huyện Thanh Chương có 2.000 ha ngô vụ xuân, theo báo cáo của các xã, thì trong đó có trên 1.400 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên. Từ ngày 5/5 đến ngày 25/5, trên địa bàn huyện không hề có mưa, nắng nóng kéo dài, có ngày lên tới 41- 420C, ảnh hưởng rất lớn đến cây màu vụ xuân, đặc biệt diện tích ngô, lạc và một số loại rau màu. Khoảng 1/3 diện tích ngô được trồng từ đầu tháng 2 tránh được thiệt hại nhờ cây ngô đã kịp đóng bắp trước khi gặp nắng hạn, 2/3 diện tích còn lại được trồng từ giữa tháng 2 trở đi do cây vụ đông thu hoạch muộn coi như mất trắng.

Lạc giảm năng suất

Nếu vụ xuân năm nay Nghi Lộc có một vụ mùa bội thu về cây ngô nhờ được gieo trồng sớm, thì nhiều diện tích lạc trong toàn huyện đã bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do nắng hạn. Gia đình ông Nguyễn Xuân Sơn (xóm 1, xã Nghi Thạch) có 4 sào đất thì trong đó 2 sào được ông gieo trỉa lạc từ sát Tết âm lịch. Nếu mọi năm, năng suất lạc thường đạt tới 1,5 tạ/sào thì vụ xuân năm nay, ruộng tốt nhất cũng chưa đầy 1,2 tạ/sào. “Một sào lạc trên cồn cao chỉ được trên 70 kg do hạn quá. Hạn nặng đúng thời kỳ lạc ra hoa, bụi nào củ cũng ít mà hạt lạc lại không chắc đẹp” - ông Sơn cho biết. Xã Nghi Thạch có 210 ha lạc, trong đó khoảng 40% diện tích bị chết ẻo từ đầu tháng 5 do nắng quá, bà con đã tiến hành thu hoạch do cây chết, năng suất chỉ được 60 - 70 kg/sào.

Những diện tích còn lại nằm ở những nơi đất sâu hơn, có độ ẩm thì năng suất vẫn đạt tới 1,2- 1,4 tạ/sào. Ông Đặng Bá Hương - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sắp tới, xã dự định sẽ chuyển khoảng 30 - 40% diện tích lạc ở đất cao, hạn sang trồng ngô”. Vụ xuân năm nay được coi là một vụ sản xuất có điều kiện khắc nghiệt đối với cây lạc. Đầu vụ âm u, cuối vụ nắng nóng kéo dài, đặc biệt trung tuần tháng 5 nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao xảy ra đúng vào thời kỳ cây lạc của Nghi Lộc đóng hạt, lạc chết sớm hàng loạt, bà con đành ngậm ngùi thu hoạch khoảng 1.000 ha lạc non.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì toàn huyện có khoảng 2.000/3.700 ha lạc bị giảm năng suất từ 30 - 40%, còn lại giảm 20 - 30% so với vụ xuân năm ngoái, khoảng 21- 22 tạ/ha (vụ xuân 2013 là 25 tạ/ha). Cả huyện Nghi Lộc chỉ có 2 xã Nghi Diên và Nghi Yên là không có lạc, năm nào cây lạc xuân cũng được gieo trỉa trước và sau tiết lập xuân một tuần. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên khoảng 70% diện tích lạc đã được gieo từ 20/1- 4/2. Tuy nhiên, trong suốt cả vụ không có mưa, đặc biệt từ đầu tháng 4 đến tháng 5, nếu mọi năm vẫn thường có mưa giông thuận lợi cho lạc ra hoa, đậu củ thì năm nay nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thường xuyên lên tới 38 - 400C trong khi cây lạc đang trong thời kỳ tích lũy chất dinh dưỡng vào hạt, quyết định năng suất. Cây lạc bị khô héo sớm, đặc biệt ở các xã vùng bán sơn địa Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Kiều… Mặc dù tỷ lệ củ vẫn đảm bảo nhưng tỷ lệ hạt nhân thấp, hạt nhỏ, không mẩy hạt. “Chống hạn cho vùng màu hiện đang rất khó khăn, diện tích trồng lạc hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, chưa có công trình tưới. Trong giải pháp của huyện hiện nay, chỉ có thể cố gắng bố trí lịch thời vụ sớm hơn, phủ nilon cho lạc, với những vùng cao hơn sẽ chuyển qua trồng ngô và đậu”- ông Thọ chia sẻ.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có 5.700 ha ngô bị ảnh hưởng năng suất do nắng hạn, chủ yếu là ngô vùng bãi ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, trong đó hơn 4.000 ha bị mất trên 70% năng suất; 4.200 ha lạc, rau màu bị thiệt hại, trong đó 2.200 ha bị mất trên 70% năng suất. Nguyên nhân được cho là do nắng hạn kéo dài và đến sớm. Trong khi đó, ở một số địa phương, do thu hoạch muộn cây trồng vụ đông nên vụ xuân được triển khai muộn, nhất là diện tích ngô vùng bãi. Trước mắt, để hỗ trợ cho nông dân, ngành Nông nghiệp đang cùng các địa phương tiến hành kiểm tra rà soát, tổng hợp số liệu bước đầu để lập hồ sơ trình UBND tỉnh công bố thiệt hại do hạn hán, hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những giải pháp cần thiết. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thì trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, phải rà soát lại tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để bố trí lịch thời vụ hợp lý hơn ở các vùng màu.

Thực tế, dù hạn hán nhưng một số địa phương ở Diễn Châu vẫn được mùa lạc nhờ gieo trỉa sớm. Với vùng bãi, điều này khó thực hiện hơn nhưng để khắc phục, bà con cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông, khẩn trương gieo trồng ngô vụ xuân theo tinh thần sản xuất hè thu hiện nay là “thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó, có thể ruộng này đang thu hoạch nhưng ruộng khác đã làm đất, gieo trồng”. Đồng thời, phải tính đến việc thay đổi cơ cấu giống ngô hợp lý hơn, theo hướng nên sử dụng những giống ngô ngắn ngày, tuy năng suất không cao bằng. Thực tế hiện nay chúng ta đang sử dụng những giống ngô thâm canh, năng suất cao nhưng thời gian sinh trưởng lên tới 125 ngày. Trong điều kiện thời tiết có những diễn biến khó lường như hiện nay, cần ưu tiên tiêu chí an toàn hơn là năng suất, sử dụng những loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, khoảng 110 ngày để có thể hạn chế thiệt hại nếu hạn đến sớm và khốc liệt như năm nay.

Phú Hương - Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Mất mùa cây màu vụ xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO