Mâu thuẫn chính trường Israel và những tác động đến khu vực Trung Đông
(Baonghean) - Lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ qua, Quốc hội Israel đã phải chấm dứt hoạt động trước khi kết thúc nhiệm kỳ để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Mâu thuẫn và bất đồng phe phái trong mấy năm qua đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong nội bộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Không chỉ khiến Israel bất ổn, những diễn biến này còn tác động đến các vấn đề lớn của khu vực như hòa bình Trung Đông với Palestine hay hồ sơ hạt nhân Iran.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mặc dù mới cầm quyền từ năm ngoái nhưng đã phải đối mặt với hàng loạt mâu thuẫn lớn trong một loạt các vấn đề, như ngân sách quốc phòng, dự luật “Nhà nước Do Thái” hay chính sách đối với Palestin, vấn đề hạt nhân Iran. Diễn biến mới nhất là các nghị sỹ Israel bỏ phiếu thông qua việc giải tán Quốc hội chính là hậu quả của chuỗi những mâu thuẫn và bất đồng này. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Quốc hội tại Israel đến năm 2017, thế nhưng, thời điểm mới đã được thông qua là vào 17/3/2015. Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi Thủ tướng Netanyahu kêu gọi giải tán Quốc hội và cách chức 2 Bộ trưởng Tài chính và Tư pháp. Đây có thể coi là đỉnh điểm của những mâu thuẫn trong nội bộ chính trường Israel và là dấu hiệu cho thấy sự tan rã của liên minh cầm quyền đang đối mặt với quá nhiều bất đồng. Về lý do sa thải hai bộ trưởng này, ông Netanyahu cho rằng, Bộ trưởng Tài chính và Tư Pháp đang âm thầm thành lập một liên minh khác và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni đã phủ nhận các cáo buộc, đồng thời chỉ trích ông Netanyahu đang đặt lợi ích chính trị của ông lên trên người dân Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters |
Trước đó, những lời chỉ trích đã bùng phát khi ông Netanyahu thông qua dự luật “Nhà nước Do Thái” gây tranh cãi vào cuối tháng 11 vừa qua. Cụ thể, dự luật này xác định bản chất của Nhà nước Israel là nhà nước của người Do Thái và tiếng Do Thái là ngôn ngữ chính thức, trong khi tiếng Arab sẽ có "vị trí đặc biệt. Những người phản đối cho rằng, dự luật này có thể làm xói mòn tính dân chủ và tổn hại đến quyền của cộng đồng người Arab tại nước này. Còn các nhà phân tích cho rằng, dự luật này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với những người Palestine và người Israel gốc Arab, đồng thời có thể khiến chính phủ liên minh của Thủ tướng Netanyahu lung lay do sự phản đối mạnh mẽ của các đối tác theo đường lối ôn hòa hơn trong liên minh cầm quyền. Và những dự đoán đó đã trở thành hiện thực. Thực ra, người dân Israel từ lâu đã không quá ngạc nhiên với những mâu thuẫn trong chính phủ cầm quyền. Đây có thể nói là chính phủ thứ 32 sẽ bị giải tán trong vòng 67 năm qua. Ngay như hồi năm 2012, một biến động chính trị khác đã được ví như một cơn địa chấn trên chính trường Israel khi Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak - một cộng sự thân cận của Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố rút khỏi Công Đảng để thành lập riêng một đảng mới. Sự ra đi của ông Barak cũng kéo theo một loạt lá đơn từ chức của các bộ trưởng khác.
Những chia rẽ nội bộ này chính là một trong những nguyên nhân khiến cho rất nhiều vấn đề như tiến trình hòa bình Palestine hay hồ sơ Iran đi vào ngõ cụt. Cụ thể, giới lãnh đạo quân sự của Israel vẫn kịch liệt phản đối ý tưởng đơn phương tấn công Iran vì họ lo ngại, một cuộc tấn công như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực với những hậu quả khôn lường. Mặc dù vậy, Thủ tướng Israel vẫn kiên định rằng, thời gian cho các biện pháp ngoại giao và trừng phạt Iran đã hết và Israel cần phải tự bảo vệ mình trước “mối đe dọa” là Iran. Trong khi đó về quan hệ với Palestine, trong khi Chủ tịch đảng Hatnuah trong liên minh cầm quyền - bà Livni cho rằng, việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước với Palestine nên được coi là ưu tiên cơ bản của chính sách đối ngoại Israel. Thế nhưng, Thủ tướng Netanyahu lại không muốn như vậy.
Bất chấp mâu thuẫn bùng phát buộc phải giải tán Quốc hội và tổng tuyển cử sớm, cho đến lúc này, Thủ tướng Israel và đảng Likud của ông vẫn đang được dự đoán sẽ là nhóm đảng lớn nhất nổi lên và gần như ông Netanyahu sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4. Điều này báo hiệu một chính phủ mới vẫn sẽ đi theo đường lối cứng rắn của ông Netanyahu trong các vấn đề nan giải của khu vực. Đặc biệt như dự luật “Nhà nước Do Thái” mới thông qua chắc chắn sẽ tiếp tục được thực hiện trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Netanyahu. Giới phân tích cho rằng, đây là một đòn chí mạng và đổ thêm dầu vào lửa cho tiến trình hòa bình Trung Đông khi không những không nhắc lại hầu hết các mẫu thuẫn sắc tộc, tôn giáo với Palestine mà còn khẳng định rằng, Israel chưa sẵn sàng dung hòa những khác biệt. Vì thế, giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine hay hồ sơ hạt nhân Iran sẽ vẫn chưa thể sớm có câu trả lời, một khi Israel vẫn tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn của mình.
Phương Hoa