Mâu thuẫn khó hóa giải

19/02/2014 08:59

(Baonghean) - Chính phủ Pakistan hôm qua đã hủy cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra cùng ngày với nhóm phiến quân có quan hệ mật thiết với Taliban có tên là Tehreek-e-Taliban Pakistan. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau vụ Taliban sát hại 23 nhân viên an ninh Pakistan bị bắt cóc hồi tháng 6 năm 2010. Theo nhóm phiến quân Taliban này thì hành động vừa qua là nhằm đáp trả việc một số thành viên Taliban bị giết trong tù của Pakistan. Một lần nữa, đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Pakistan và lực lượng Taliban lại rơi vào bế tắc và chưa có câu trả lời.

Đại diện Taliban tại một cuộc họp báo ở Islamabad, Pakistan. Ảnh: PressTV
Đại diện Taliban tại một cuộc họp báo ở Islamabad, Pakistan. Ảnh: PressTV

Trong một phản ứng giận dữ, các nhà hòa đàm của chính phủ Pakistan đã từ chối tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo với đại diện Taliban. Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của chính phủ Pakistan Irfan Siddiqui thậm chí còn nhấn mạnh cuộc gặp này là "vô tác dụng" sau vụ 23 nhân viên an ninh Pakistan bị Taliban sát hại. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng lên án vụ giết hại này đồng thời nhấn mạnh rằng Pakistan không thể chịu đựng tình trạng đổ máu thêm nữa. Về phía Taliban, lực lượng này cho biết đây là thông điệp của Taliban gửi tới Chính phủ Pakistan nhằm yêu cầu Chính phủ chấm dứt việc giết hại các thành viên của nhóm.

Từ năm 2007, Pakistan thường xuyên gặp bất ổn do lực lượng vũ trang Taliban, tên gọi chính thức là quân kháng chiến Tehreek-e-Taliban, giáo điều và quá khích, mở nhiều cuộc tấn công giết chết hàng chục nghìn người trong những vụ bắn phá và đánh bom khắp lãnh thổ Pakistan. Chỉ trong đầu năm 2014, đã có hơn 100 người thiệt mạng vì những vụ đánh phá của Taliban. Trong khi đó, không quân Pakistan cũng liên tục oanh tạc vào sào huyệt của Tehreek-e-Taliban tại vùng Bắc Warizistan mà theo giới phân tích thì Pakistan quyết tâm làm Taliban tê liệt trước khi nói chuyện với họ.

Sau rất nhiều giao tranh dẫn đến thương vong của cả hai bên, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày 29/1 đã đề xuất đàm phán hòa bình với nhóm phiến quân Tehreek-e-Taliban đồng thời thành lập một ủy ban gồm 4 thành viên chuyên trách về các cuộc đàm phán này. Quyết định được đưa ra sau khi lực lượng Tehreek-e-Taliban Pakistan đưa ra lời đề nghị đàm phán hoà bình với chính phủ Pakistan.

Quá trình đàm phán giữa Chính phủ Pakistan và Taliban liên tiếp gặp các trở ngại, đặc biệt là các cuộc không kích của Mỹ vào trụ sở của nhóm Tehreek-e-Taliban hồi cuối năm ngoái khiến thủ lĩnh của nhóm này là Hakimullah Mehsud thiệt mạng, đã khiến tiến trình hòa đàm bị sụp đổ ngay khi chớm bắt đầu. Sau rất nhiều nỗ lực thì lần đầu tiên, Chính phủ Pakistan và Lực lượng Taliban ngày 6/2 vừa qua đã ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp đưa đất nước ra khỏi bóng đen bạo lực trong suốt 7 năm qua. Nội dung chính của cuộc đối thoại là phác thảo lộ trình cho các cuộc hòa đàm trong tương lai và các bên nêu ra những yêu cầu của mình. Tuy nhiên, trong cuộc gặp đầu tiên lần này phía Taliban đã đưa ra hàng chục điều kiện đàm phán khiến giới phân tích hoài nghi về cơ hội thành công của cả quá trình đàm phán giữa hai bên.

Việc Taliban sát hại 23 nhân viên an ninh Pakistan bị bắt cóc khiến cho vòng đàm phán tiếp theo giữa hai bên dự kiến diễn ra hôm qua bị hủy bỏ giống như giọt nước làm tràn ly những bất đồng sâu sắc giữa hai bên. Thực tế giữa hai bên còn tồn tại quá nhiều mâu thuẫn không dễ hóa giải. Giáo sĩ Maulana Abdul Aziz, một thành viên trong đoàn đàm phán của Taliban từng cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình có thể bị trì hoãn. Lý do chủ yếu mà ông này đưa ra là trong khi chính phủ muốn các cuộc đàm phán diễn ra theo khuôn khổ Hiến pháp Pakistan thì Taliban lại yêu cầu luật Hồi giáo Sharia trở thành cơ sở cho các cuộc đàm phán này. Đại diện của Taliban thậm chí còn cho rằng, Hiến pháp của Pakistan là trái với đạo Hồi, đồng thời khẳng định tiến trình hòa bình chỉ được thúc đẩy nếu chính phủ Pakistan áp đặt luật Hồi giáo trong cả nước.

Sau vụ việc vừa qua, hiện chưa có ngày giờ được đặt ra cho vòng đàm phán kế tiếp. Thậm chí, nhiều quan sát viên Pakistan cũng tỏ ý không tin là các cuộc đàm phán với nhóm chủ chiến Tehreek-e-Taliban ngoài vòng phát luật này, sẽ mang lại kết quả ở một đất nước mà phe Taliban đang chiến đấu với mục tiêu lật đổ chính phủ để lập thành một nhà nước Hồi giáo. Do đó, đàm phán hòa bình giữa chính phủ Pakistan và nhóm Tehreek-e-Taliban ở nước này vẫn là một đường hầm mà ở đó chưa thể tìm ra ánh sáng.

Cao Biền

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mâu thuẫn khó hóa giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO