HLV Park Hang-seo và 3 cuộc cách mạng thành công tại ĐT Việt Nam
(Baonghean.vn) - HLV Park Hang-seo đã tạo ra 3 cuộc cách mạng tại ĐT Việt Nam kể từ khi nhận lời dẫn dắt vào tháng 10/2017. 3 cuộc cách mạng này đều thành công.
HLV Park Hang-seo chính thức ký kết hợp đồng với bóng đá Việt Nam vào tháng 10/2017. Gần 5 năm trôi qua, HLV Park cùng các cấp độ đội tuyển quốc gia đã làm nên nhiều chiến tích vang dội và khiến khu vực lẫn châu lục phải nhìn nền bóng đá của mảnh đất hình chữ S bằng một con mắt khác.
Bên cạnh hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ, HLV Park còn tạo ra những cuộc cách mạng về tổ chức chiến thuật, về nhân sự, về cách dùng người và hầu như đều đem lại dấu ấn và thành công nhất định. Đó chính là bí quyết giúp chiến lược gia người Hàn Quốc có thể trụ lại và chèo lái các đội tuyển Việt Nam tới đỉnh cao.
Từ đó đến nay, HLV Park đã tạo ra 3 cuộc cách mạng và mẫu số chung của 3 cuộc cách mạng này là thành công.
Trước khi nhà cầm quân 64 tuổi đến, ĐT Việt Nam đã sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ trong suốt gần 20 năm. Cuộc cách mạng đầu tiên của HLV Park tại Việt Nam chính là thay đổi hệ thống phòng ngự theo xu hướng thịnh hành của bóng đá thế giới: 3 trung vệ. HLV Park nhận ra cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng sơ đồ này.
HLV Park tạo ra nhiều cuộc cách mạng cho ĐT Việt Nam. Ảnh: Bá Tuấn |
Từ đó đến nay, dù có những nốt trầm nhưng hệ thống phòng ngự 3 trung vệ mà HLV Park xây dựng vẫn đang vận hành khá tốt. 1-2 cầu thủ dính chấn thương vẫn có thể được thay thế hoàn hảo bởi những cái tên khác. Đình Trọng, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Thành Chung, Việt Anh, Thanh Bình, Xuân Mạnh,... đều thích nghi và hoàn thành tốt vai trò của mình khi được đặt vào sơ đồ này.
Cuộc cách mạng thứ 2 của HLV Park là thử nghiệm các cầu thủ khác không đá ở vị trí sở trường. Một vài ví dụ điển hình có thể kể đến Đức Huy. Vốn là tiền vệ cánh, anh được kéo vào trong và cùng với Xuân Trường, Đức Huy đã tạo thành cặp tiền vệ trung tâm xuất sắc tại giải U23 châu Á 2018.
Hay như Trọng Hoàng vốn chỉ quen đá tiền vệ tấn công đã được HLV Park kéo xuống, đá vị trí hậu vệ phải thay cho Văn Thanh bị chấn thương trước thềm AFF Cup 2018. Suốt những năm qua, chính vị trí mới này đã tạo nên tên tuổi cho Trọng Hoàng. Chính sự vắng mặt của Hoàng "bò" thời gian qua khiến ĐT Việt Nam không ít lần điêu đứng.
Trọng Hoàng đá cực hay ở vị trí mới. Ảnh: Lâm Thỏa |
Vậy tại sao khi ĐT Việt Nam liên tiếp thất bại trong năm 2021 đến đầu năm 2022 dương lịch, HLV Park không mạnh dạn tiếp tục thực hiện những cuộc cách mạng? Bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định:
“Năm 2021, V-League bị đóng cửa sau 12 vòng đấu do ảnh hưởng của đại dịch. Không có cơ hội tìm kiếm những khuôn mặt mới, HLV Park không dám mạo hiểm mà phải dựa vào những nhân tố đã gắn bó với ông kể từ khi ông đặt chân đến Việt Nam.
Đừng đòi hỏi HLV Park phải sử dụng những nhân tố mà ông không được kiểm tra tại V-League, có thể sẽ dẫn đến những tỷ số thua đậm thì sao. Lúc đó, chúng ta có trách ông Park là vội vàng không?".
ĐT Việt Nam thắng Trung Quốc nhờ sự thay đổi của HLV Park. Ảnh: VFF |
Chỉ khi ĐT Việt Nam không thể bảo vệ ngôi vương ở AFF Cup 2020, cuộc cách mạng thứ 3 của HLV Park mới bắt đầu. Hiệu quả được kiểm chứng rõ rệt ở trận thắng 3-1 trước Trung Quốc trên sân nhà Mỹ Đình vào tối 1/2 - tức mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022.
"Ở trận thắng Trung Quốc, HLV Park đã có một cuộc cách mạng nho nhỏ. Đó là sử dụng Tuấn Hải ngay từ đầu. Tất nhiên, cuộc cách mạng này cũng đã thử nghiệm thành công ở trận gặp Australia chứ không phải đùng một cái, Tuần Hải được đưa vào tầm ngắm ngay. Làm xáo trộn hàng thủ Trung Quốc, Tuấn Hải là cái tên tạo ra sự thú vị nhất trên hàng công của tuyển Việt Nam.
Hay như cách đưa Tấn Tài vào đá ngay từ đầu cũng được xem là cuộc cách mạng với đội tuyển. Bởi Tấn Tài đã thể hiện được năng lực của mình ở nhiều trận đấu nhưng anh rất ít khi được đá chính. Nhưng việc trọng dụng Tấn Tài ở trận đấu mà HLV Park quyết phải thắng, chứng tỏ ông đã dành cho anh niềm tin tuyệt đối".
Rõ ràng, HLV Park là người rất thận trọng. Chỉ khi tự tin về khả năng thành công, thuyền trưởng ĐT Việt Nam mới tiến hành cách mạng hóa đội tuyển./.