Mẹo trị nhà "chảy nước", đồ đạc "toát mồ hôi" khi trời nồm
Những ngày này, thời tiết ẩm ướt, nồm gây tình trạng sàn nhà và đồ đạc "chảy nước", ẩm mốc, quần áo hôi hám gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn trị nhà "chảy nước" khi trời nồm.
Mua 10-15kg vôi sống, đựng vào thùng gỗ hoặc thùng giấy, đặt dưới gầm giường hoặc góc phòng.
Khi trời không ẩm lắm, không được mở nắp thùng. Khi thời tiết thật ẩm, hoặc nhà lau rất ướt, ta mở nắp thùng vôi ra, đóng cửa lại, chỉ mở những cửa sổ cần thiết. Do vôi sống là chất hút ẩm tốt nên có thể hút hết hơi ẩm trong phòng, làm cho phòng khô ráo
Ngoài ra than củi phơi khô cũng có tác dụng hút ẩm, tuy nhiên hiệu quả không bằng vôi sống. Ngược lại than củi lại có thể dùng nhiều lần, bằng cách dùng xong đem ra phơi dưới ánh nắng mặt trời lại dùng tiếp.
Bên cạnh đó, một số thói quen của người dân tưởng như chống nồm hữu ích nhưng lại phản tác dụng, khiến nhà nồm hơn. Theo ý kiến của các chuyên gia xây dựng, càng tích cực mở các cánh cửa ra sẽ khiến gió mang theo hơi nước, không khí ẩm ở bên ngoài vào, nền nhà sẽ trở nên ướt át khó chịu hơn. Một số người lại có thói quen bật quạt “hong khô” nhà, song việc làm này sẽ khiến ngưng tụ hơi nước gây mùi ẩm mốc, nhễ nhại.
Nên dùng khăn khô để lau nhà khi trời nồm (Ảnh minh hoạ) |
Cách tốt nhất hạn chế nồm ẩm là đóng kín cửa, nhất là vào buổi sáng. Buổi trưa khi có ánh nắng hoặc nhiệt độ tăng hơn thì tranh thủ mở cửa. Không nên lau nhà bằng giẻ ướt mà hãy dùng khăn khô để thấm hút hết nước ẩm ướt trên sàn, tránh bị trượt chân ngã vì trơn. Gia đình sử dụng điều hòa thì nên bật điều hòa ở nhiệt độ cao hơn để chống ướt và khử mùi.
Nấm mốc cũng dễ sinh bệnh, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ. Cha mẹ không cho trẻ đi chân đất hoặc bò lê dưới sàn nhà ẩm ướt. Trẻ dễ nhiễm lạnh vì vậy cần mặc đủ ấm nhưng tuyệt đối không mặc những quần áo còn ẩm, chưa khô hẳn. Đồng thời, chú ý chế độ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, việc cắm điện để ở chế độ chờ với các thiết bị điện tử như: Tivi, máy tính, đầu đĩa, máy ảnh... trong những ngày thời tiết nồm là rất cần thiết để thiết bị không bị ẩm mốc. Ngoài ra, nên thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) bật tivi, máy tính để chống ẩm. Trong trường hợp thiết bị điện tử bị ẩm, nên dùng máy sấy sấy khô bên trong, tránh để thiết bị rò điện, gây nguy hiểm khi sử dụng. Tuy nhiên với những đồ điện tử phức tạp như ti vi, máy tính... nếu có trục trặc vào ngày nồm nên nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia. Tự ý tháo lắp và sấy không đúng có thể dẫn đến chập, cháy các mạch điện tử bên trong.
Để bảo quản các thiết bị điện tử như máy ảnh, máy ghi âm, có thể cho vào thùng kín có chất hút ẩm hoặc cho vào thùng một bóng đèn bật sáng, công suất 25-60W tuỳ kích cỡ thùng để làm nóng thiết bị.
Ngoài ra không đặt các thiết bị này dưới sàn nhà hoặc sát tường để tránh trường hợp rò điện hoặc ẩm mốc. Nên đặt các thiết bị cao hơn mặt đất 1 mét, cách tường 10- 15 cm.
Theo sức khỏe và Đời sống