Mì Hảo Hảo kiện mì Hảo Hạng

10/05/2015 07:53

Cho rằng thiết kế mới đây của mì Hảo Hạng giống hệt với bao bì của Hảo Hảo của mình, Acecook Việt Nam quyết định đệ đơn lên tòa án để kiện ra tòa.

Đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (VinaAcecook) cho biết đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương để kiện Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia Foods) với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay” (sản phẩm của Acecook có mặt trên thị trường từ 2000).

Theo đơn kiện, ngày 26/1, Acecook phát hiện sản phẩm Hảo Hạng của Asia Foods có kiểu dáng thiết kế bao bì gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo.

“Kiểu chữ, hình tô mì, sợi mì tôm, màu sắc chủ đạo của bao bì tạo nên một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo đã được bảo hộ và Cục Sở hữu trí tuệ công nhận”, đại diện Acecook nói.

hinh-gheo_1430795134_1430795171.jpg

2 nhãn hiệu này được cho là giống nhau về thiết kế bao bì. Ảnh: Hồng Châu

Đầu tháng 2, Acecook Việt Nam gửi công văn khuyến cáo Asia Foods về hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu. Sau đó, 2 bên nhiều lần làm việc với nhau nhưng không đạt được thống nhất. Tiếp đó, Acecook đề nghị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý vi phạm của Asia Foods.

Theo biên bản làm việc do Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương lập ngày 11/3, đại diện Asia Foods khẳng định mì Hảo Hạng của công ty không hề sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo. Mặt khác, Asia Foods cũng cho biết đã tạm ngưng sản xuất sản phẩm này từ ngày 4/2 nên Chi cục Quản lý thị trường quyết định không tiến hành kiểm tra vì không còn yếu tố vi phạm, đồng thời, đề nghị nếu hai bên không thống nhất thì khởi kiện ở tòa án.

Ngày 22/4, Acecook phát hiện trên thị trường vẫn còn bán sản phẩm mì Hảo Hạng gây nhầm lẫn nên quyết định khởi kiện. Đồng thời, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xác định hành vi vi phạm và yêu cầu chấm dứt, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 817,5 triệu đồng.

Về phía Asia Foods, chia sẻ với VnExpress.net, Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hà cho hay, mì Hảo Hạng của công ty đã có mặt ở thị trường từ năm 2006, mẫu mã nhãn hiệu được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ với số hiệu 119302. Cuối tháng 12, để làm mới sản phẩm, công ty đã quyết định cải tiến mẫu mã nhưng vẫn dựa trên tổng thể đăng ký chứ không hề bắt chước thiết kế của Acecook. Dẫu vậy, đầu năm 2015, khi nhận được phản ánh từ Acecook và thỏa thuận giữa 2 bên, Asia Foods đã quyết định tạm ngưng bán thử nghiệm sản phẩm từ đầu tháng 2.

"Chúng tôi đã rất thiện chí và tạm ngưng bán sản phẩm để xem xét sự việc nhưng Acecook vẫn quyết liệt kiện ra tòa thì chúng tôi cũng sẽ đối mặt và đưa ra đầy đủ bằng chứng chứng minh mình không hề sai phạm", ông Hà nói.

Ông cũng nhấn mạnh, việc Acecook cho rằng tô mì, sợi mì, con tôm lẫn màu sắc của Hảo Hạng gây nhầm lẫn cho Hảo Hảo là không thuyết phục vì đã là hình ảnh mì tôm chua cay thì không thể thiếu hình ảnh con tôm, sợi mì, rau thơm hay chanh.

"Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm sản phẩm mì tôm chua cay cũng đều thiết kế tô mì tương tự và cũng không hề gây nhầm lẫn giữa các sản phẩm. Acecook liên tục cho rằng Asia Foods sai phạm nhưng không hề đưa ra kết luận của Thanh tra Bộ khoa học Công nghệ. Ngược lại, họ chỉ dựa vào văn bản hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ rồi kết luận chúng tôi vi phạm thì đây là việc cạnh tranh không lành mạnh nhằm gièm pha và hạ uy tín nhãn hiệu Hảo Hạng", ông Hà nói thêm.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, đơn vị có nhận được công văn về yêu cầu xử lý của Công ty Acecook Việt Nam. Ngày 13/2, Cục đã đưa ra ý kiến chuyên môn trả lời, trong đó nêu rõ cả 2 nhãn hiệu trên đều được đăng ký tại Cục thuộc nhóm 30.

"Tuy nhiên, mẫu sản phẩm của Asia Foods trên thực tế khác với mẫu bảo hộ, từ cách trình bày kiểu chữ với hình ảnh tô mì, sợi mì và màu sắc tạo thành tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo. Hành vi sản xuất buôn bán các sản phẩm mì như trên sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo đúng quy định tại Điều 129.1 Luật sở hữu trí tuệ", công văn 1320 của Cục chỉ rõ.

Theo vị lãnh đạo cục, những thông tin trên mới chỉ là ý kiến hướng dẫn chuyên môn mà Cục đưa ra nhằm giúp cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về vụ việc, còn xử lý vi phạm sẽ do cơ quan quản lý của địa phương đó xem xét.

"Cục chỉ có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, còn việc tranh chấp kiện tụng thế nào thì do 2 bên và các nhà chức trách phán xét", lãnh đạo Cục nói thêm.

Vina Acecook và Asia Foods cùng thành lập năm 1995, hiện là những doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần trong ngành mì gói Việt Nam. Theo báo cáo của Euromonitor năm 2013, thị trường mì gói Việt Nam nằm trong tay 3 doanh nghiệp chính gồm Vina Acecook, Masan Food và Asia Foods, trong đó Vina Acecook dẫn đầu và chiếm tới 51,5% thị phần. Asia Foods đứng thứ ba nắm 12,1% thị phần.

Công ty cổ phần Acecook Việt Nam được lập từ liên doanh giữa Công ty sản xuất mì ăn liền Vifon - Việt Nam và Tập đoàn Marubeni Acecook Nhật Bản ngày 15/12/1993. Đến năm 2004, liên doanh này tách ra hoạt động độc lập gồm Acecook Việt Nam và Vifon. Năm 2008, Acecook Việt Nam chuyển thành công ty cổ phẩn.

Còn Asia Foods xuất hiện khá sớm trên thị trường, và những năm gần đây được biết đến nhiều nhất với thương hiệu mì Gấu Đỏ. Năm 1995, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Á Châu ra đời với nhà máy đặt tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo VNE

Mới nhất

x
Mì Hảo Hảo kiện mì Hảo Hạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO