Miên man cúc biển Cửa Lò
(Baonghean) - Bãi biển Cửa Lò từ trong chiều dài lịch sử, vốn là một bãi biển dài, đẹp với cát trắng, nắng vàng. Trải qua biết bao biến đổi, thăng trầm, ngày nay Cửa Lò đã lớn dậy, trở thành một khu du lịch biển nổi tiếng của miền Bắc. Nơi đây, ngoài cảnh sắc nên thơ, khách du lịch còn khó quên với ấn tượng về một loài hoa bé nhỏ nhưng rực rỡ sắc màu, cũng đã như trở thành một phần biểu tượng cho Cửa Lò: hoa cúc biển.
Hoa cúc biển khoe sắc bên bãi tắm Cửa Lò. |
Theo lời kể lại, thì Hoàng đế Bảo Đại, ông vua hào hoa, cũng là người kế vị cuối cùng của vương triều 9 chúa, 13 vua nhà Nguyễn đã có công mang loài hoa với sắc màu đầy ám ảnh, hoài nhớ kia từ Pháp về với đất biển xanh, cát trắng chốn này. Không biết, cuộc di thực của những hạt giống bé mọn kia, vượt trùng trùng lớp lớp đại dương từ miền lạnh của xứ sở từng được mệnh danh là Kinh đô ánh sáng từ thế kỷ 19 mà về nhọc nhằn hé lộc, dâng hoa ở chốn biển nhiệt đới có nhiều tao đoạn, thăng trầm không? Chứ đến hôm nay, khách xa đã mát mắt với mầu biển ngọc bích kỳ ảo, lại được thêm một lần ngợp đi trong sắc hoa rực rỡ, chạy miên man khắp mọi nẻo với vàng tía chen nhau của cúc biển, cũng đã là thêm bước níu chân cho một chuyến hẹn quay về.
Cũng chẳng có tài liệu nào nhắc đến hoa cúc biển (hải cúc) một cách chính thức. Trong các cuốn Từ điển về hoa chỉ gặp những là ngọc nữ đỏ, mai chuông xanh, dã yên thảo, uất kim hương hay chân tình, quê kiểng như dâm bụt, hoa súng, tóc tiên... Tuyệt nhiên người ta lãng quên mất loài cúc biển, cái lãng quên thật đáng trách, bởi nó đã như là người bạn lâu năm không chỉ của thị xã duyên hải Bắc Trung bộ, đến đỗi đã thành một phần biểu tượng cho miền đất cách nay hơn 500 năm, Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng của đại thần khai quốc triều Lê Nguyễn Xí về đây chiêu dân lập ấp. Theo nhiều người kể thì hoa cúc biển cũng có mặt tận bãi Dài (Cam Ranh-Khánh Hòa) ngun ngút nắng, hay ngược ra biển Đồng Châu (Tiền Hải-Thái Bình) , lại có khi tỏa sắc cùng sóng dập dềnh của Sầm Sơn (Thanh Hóa). Thế nhưng, dường như ở Cửa Lò, hoa cúc biển mới phô hết sắc màu và vẻ đẹp không dễ quên, mới thành một phần không thể thiếu, thành "đặc sản" của thị xã biển này.
Cúc biển, loài hoa lưu lạc về đây "bén duyên" hay hoa "hữu duyên" mà tìm nương với xứ biển, trải nắng cùng muống biển tím ngắt trên cát trắng, hoa lông chông lăn dài dọc chang chang nắng có điệp trùng hàng dương thẫm xanh như tự thưở hồng hoang vạn kiếp. Trên đài hoa mỏng mảnh với cuống xanh ngọc thon dài, bông cúc biển nở khiêm nhường mà sắc màu rực rỡ vẫn không dấu, không lẫn được. Cả đóa hải cúc bé mọn thoáng trông như một vầng dương hãy còn ướt nước đại dương mà uy nghi nhô lên phía cuối muôn trùng sóng nước của buổi bình minh trời biển gặp nhau. Cả thị xã ngập tràn hàng triệu đóa mặt trời nhỏ rực rỡ. Đến lúc hoa tàn, đài hoa vẫn bám chặt vào cành mẹ, chẳng chịu lìa xa bao giờ. Người xưa còn trân trọng loài cúc bởi lẽ “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (Lá có khô cũng không bỏ cành, hoa dù có tàn héo vẫn không rơi xuống đất). Loài hoa được coi như một biểu tượng của sự thủy chung, của người quân tử, hơn cả loài sen cao khiết "dẫu lìa ngó, ý còn vương tơ lòng". Ngay cả khi đã héo hon, khô quắt đi rồi, lá vẫn không nỡ rời cành, còn bông hoa đã rũ hết thời xuân sắc, tàn phai cõi mộng vẫn không nỡ lòng để cây cô đơn mà tìm về đất.
Nữ thi sỹ Xuân Quỳnh đã có những cảm nhận về loài cúc biển thật thanh khiết "Nắng hồng cho áo mau khô/Bông hoa cúc biển mùa thu nở rồi/ Chùm sim chín ở ven đồi/Lặng nghe tiếng hát đưa nôi dặt dìu". Còn nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã ghé qua xứ hoa hải cúc Cửa Lò không chỉ một lần. Và cũng đã cảm loài hoa hay con người nơi này mà ông đã viết bài thơ "Chiều đảo xa"với những câu thơ đẹp đến nhường này "Có người lính nhớ màu hoa cúc biển/ Màu hoa vàng nỗi nhớ hoàng hôn/ Lặng nghe người lính hát về loài hoa/ Mang tên người con gái rất dịu hiền".
Nếu tính từ cái mốc thị xã được thành lập năm 1994 đến nay, thì chặng đường 20 năm không phải là dài so với hơn 100 năm kể từ ngày người Pháp phát hiện ra tiềm năng du lịch Cửa Lò. Nhưng nếu nhìn lại những gì đã có được của Cửa Lò, thì có thể coi đó là một kỳ tích. Với biểu tượng song hành là loài hoa cúc biển trẻ trung và rạng rỡ, Thị xã biển Cửa Lò cũng đang ngày một đẹp hơn, sầm uất hơn để trở thành một nàng tiên biển diễm kiều gọi mời bè bạn muôn phương về thăm.
Công Mạnh