Miền Tây vùng trầm tích giàu bản sắc

28/04/2015 15:09

(Baonghean) - Nhiều người ví von rằng, khu vực miền Tây của Nghệ An giống như nàng công chúa đang say giấc nồng chưa có người đánh thức. Ấy là cách ví von về một vùng đất nhiều kỳ bí và tiềm năng chưa được khai thác, nhất là tiềm năng du lịch.

Bên dòng Nậm Mộ (Tương Dương). Ảnh: Sỹ Minh
Bên dòng Nậm Mộ (Tương Dương). Ảnh: Sỹ Minh

Nếu ai đã từng một lần đặt chân lên cánh đồng Mường Quạ (Con Cuông) vào mùa lúa chín, sẽ phải thốt lên kinh ngạc về cảnh sắc một vùng quê mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho con người. Giữa những đồi núi, cánh rừng mướt xanh, thung lũng Mường Quạ hiện ra như cánh võng rực rỡ sắc vàng. Đây là vùng đất màu mỡ, nuôi dưỡng biết bao thế hệ cư dân mà còn là cái nôi giàu trầm tích văn hóa, lịch sử. Sự hình thành của địa danh Mường Quạ gắn liền với những cuộc thiên di cách đây hàng trăm năm của cộng đồng người Thái từ vùng Tây Bắc vào đất Nghệ An. Tương truyền, trong quá trình tìm kiếm vùng đất mới, khi đặt chân đến miền đất này, tổ tiên của người Thái nhận thấy đây chính là chốn để kế nghiệp muôn đời. Và những cụm quần cư Môn Sơn, Lục Dạ của huyện Con Cuông cũng hình thành từ đó. Điều đặc biệt, vùng đất Con Cuông ngày nay, xưa kia gọi là Con Công theo đúng nghĩa đen, bởi lẽ nơi đây là chốn trú ngụ, sinh sống của rất nhiều chim công - những vũ công của núi rừng.

Thác Khe Kèm (Con Cuông). Ảnh: Hồ Phương
Thác Khe Kèm (Con Cuông). Ảnh: Hồ Phương

Mọi người vẫn truyền tai nhau câu nói: “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”. Đây không chỉ là sự đúc kết về một vùng quê giàu bản sắc văn hóa, phong phú về đời sống vật chất, tinh thần, mà còn là ghi nhận về miền quê trù phú được thiên nhiên ưu đãi tạo ra những giá trị riêng trong không gian miền Tây của Nghệ An. Với thung lũng Mường Quạ, dòng sông Giăng bốn mùa nước xanh ngắt là vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, một trong những khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất của Việt Nam và trên thế giới. Đồng bào Thái nơi đây có câu hát rằng: “Nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá, róc rách nước chảy tựa tiếng sáo trời...”.

Với diện tích hơn 91.000 ha, Pù Mát là nơi có điều kiện sinh quyển vô cùng thuận lợi cho hệ thống rừng nguyên sinh và các loài động, thực vật cư trú, phát triển. Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Pù Mát có 2.494 loài thực vật, 1.781 loài động vật với nhiều loài nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Về động vật có thể kể như: hổ Đông Dương, mang Trường Sơn, sao la, lợn rừng... Về thực vật có: pơ mu, samu, thông nàng, lim, dổi, táu... Với những lợi thế đó, nơi đây hình thành một hệ thống du lịch sinh thái hấp dẫn gắn với việc khai thác những giá trị văn hóa của dân bản với chốn nghỉ là hệ thống nhà sàn cổ. Tại đây còn có thác Khe Kèm ở xã Lục Dạ; suối Nước Mọc ở xã Yên Khê, đập Phà Lài ở xã Môn Sơn đang thu hút khách du lịch từ nhiều nơi đến thưởng ngoạn. Cùng đó, vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát với rừng samu lùn ngàn năm tuổi là điểm đến lý tưởng cho những ai thích khám phá và ưa mạo hiểm.

Rộn ràng chiêng hội của đồng bào Thái.Ảnh: H.P
Rộn ràng chiêng hội của đồng bào Thái. Ảnh: H.P

Miền Tây Nghệ An có diện tích 1,4 triệu ha với 10 huyện và 1 thị xã, chiếm 84% toàn tỉnh. Về miền Tây Nghệ An mọi người được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc, những điệu múa, bản nhạc hay sưu tầm những sản phẩm thêu đan của người Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ đu, tộc người Đan Lai. Du khách cũng có thể ngất ngây với tiếng khèn bè của người Mông, người Thái. Rồi múa xòe, nhảy sạp hay lắc lư bên chum rượu cần mỗi khi bản làng bước vào hội... Sự góp mặt của nhiều dân tộc trên một vùng núi rừng đặc trưng đã tạo ra sự đa dạng, phong phú về giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc hấp dẫn nhất của khu vực Bắc miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Vui điệu múa sạp.Ảnh: H.P
Vui điệu múa sạp. Ảnh: H.P

Miền Tây Nghệ An còn có 2 khu bảo tồn thiên nhiên đặc hữu khác ở phía Tây Bắc là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Pù Huống. Các hệ thống sinh thái đặc hữu này trải dài trên địa bàn nhiều huyện và tập trung gần 2.000 loài thực vật, hơn 500 loài động vật. Theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, khu vực miền Tây Nghệ An được xác định là 1 trong 3 trọng điểm của toàn tỉnh.

Nếu như huyện Kỳ Sơn được biết đến với đỉnh Puxailaileng cao nhất dãy Trường Sơn (2.720m so với mặt biển) và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Cũng ở huyện Kỳ Sơn, những năm gần đây du khách đã tìm đến tham quan vùng đất cổng trời Mường Lống, Mỹ Lý, Bắc Lý... hoặc cũng có thể vượt Quốc lộ 7A, đến Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để sang nước bạn Lào. Đó đều là những nơi tuyệt vời để tổ chức các tour du lịch kỳ thú và hấp dẫn. Du khách cũng có thể tìm thấy những cảm xúc mênh mang, lãng mạn khi lên thuyền, ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương và chiêm ngưỡng một vùng non xanh, nước biếc vô cùng huyền bí và quyến rũ. Sang phía Tây Bắc khách du lịch cũng có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc lung linh của thác nước Xao Va ở huyện Quế Phong.

Những tấm chia phà thổ cẩm là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái (bản Cáng - Quỳ Hợp).Ảnh: H.P
Những tấm chia phà thổ cẩm là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái (bản Cáng - Quỳ Hợp). Ảnh: H.P

Với các phong tục, tập quán đặc sắc, đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An còn mang đến cho du khách những cảm nhận về một cộng đồng hiền lành và dễ mến. Miền Tây xứ Nghệ hằng năm hiện có hàng chục lễ hội mang đậm phong tục, tín ngưỡng địa phương được tổ chức theo truyền thống, thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự. Tiêu biểu có Lễ hội Phu Nhạ Thầu ở Kỳ Sơn; Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào ở Tương Dương; Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu; Lễ hội Đền Chín Gian ở Quế Phong; Lễ hội Mường Ngam ở Quỳ Hợp; Lễ hội Làng Vạc ở Thị xã Thái Hòa...

Điều đặc biệt, miền Tây Nghệ An cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác nghiên cứu, khảo cổ của Việt Nam và thế giới. Đó là di chỉ cấp quốc gia Làng Vạc (TX. Thái Hòa), hang Thẳm Ồm, hang Bua ở Quỳ Châu. Qua công tác nghiên cứu, khảo cổ đã cho thấy vùng đất miền Tây là nơi hình thành, cư trú, sinh sống của người Việt cổ.

Trong không gian núi rừng miền Tây Nghệ An, nếu như huyện Con Cuông với miền Trà Lân được xem là trung tâm phía Tây Nam thì huyện Quỳ Châu lại là trung tâm ở mạn Tây Bắc. Trên vùng đất cổ với cộng đồng người Thái chiếm gần 80% dân số này vẫn tồn tại những huyền tích về cuộc giao tranh giữa thần Núi (Phí Nu Phá hủng) và thần Nước (Phí Nặm huồi hạ) hay chuyện tình thấm đẫm màu huyền sử của Tạo Khủn Tinh và Nàng Ni. Đặc biệt ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) làng cổ Hoa Tiến gắn với làng nghề dệt thổ cẩm nức tiếng gần xa. Hiện nay, sản phẩm của làng dệt thổ cẩm đã vươn ra ngoài biên giới, có mặt ở các hội chợ, trung tâm thương mại của Lào, Thái Lan và được du khách thập phương đón nhận.

Thi đấu bóng chuyền tại Nhà văn hóa Thị trấn Anh Sơn.Ảnh: t.c
Thi đấu bóng chuyền tại Nhà văn hóa Thị trấn Anh Sơn. Ảnh: t.c

Quỳ Châu cũng là địa phương duy nhất ở khu vực Tây Bắc xây dựng được Bảo tàng văn hóa với hàng trăm hiện vật và tư liệu lịch sử gắn với vùng đất Mường Ham cũng như đời sống các tộc người miền Tây trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đây cũng là địa chỉ lưu giữ các tài liệu văn hóa phục vụ nghiên cứu lịch sử địa phương, dân tộc học và 865 ảnh cùng hơn 2.000 thước phim liên quan đến các chủ đề khác nhau.

Đến miền Tây Nghệ An, du khách còn được thưởng thức những sản vật đã trở thành “thương hiệu” gắn bó với vùng đất này. Dưới sông suối, những cá lệch, cá chình, cá lăng, cá mát, cá ghé, chạch sú, cua đá... đã tạo dấu ấn ẩm thực hiếm nơi nào có được. Trên nương rẫy có nếp nương, ngô tím, dưa rẫy, cải ngồng, măng đắng, măng ngọt... Ai đã từng được thưởng thức đặc sản gà đen, lợn nít, vịt bầu, bò giàng sẽ khó quên hương vị đặm ngọt, nồng cay của một trong những nơi có đời sống sinh hoạt đặc sắc nhất Việt Nam.

Hiện nay khi du lịch cộng đồng, sinh thái trở thành nhu cầu không thể thiếu trong xã hội, thì miền Tây Nghệ An trở thành vùng đất vô cùng tiềm năng để phát huy nền “công nghiệp không khói”. Các hoạt động khai thác du lịch tại đây đang được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh để khai thác lợi thế sẵn có... Sẽ vô cùng kỳ thú nếu du khách được chiêm ngưỡng cây sa mu ngàn năm tuổi trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, hoặc được tham gia lễ buộc chỉ cổ tay làm vía và tận hưởng trọn vẹn cảm xúc trong những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào các dân tộc... Kết quả nghiên cứu ở miền Tây Nghệ An cho thấy 93% người dân khẳng định muốn du khách ghé thăm nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc mình; 99,4% ủng hộ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; 96,9% người dân muốn khách du lịch lưu trú tại nhà của mình.v

Đào Tuấn - Nguyên Khoa

Mới nhất

x
Miền Tây vùng trầm tích giàu bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO