Minh bạch trong quản lý vàng, trang sức

06/12/2014 07:29

(Baonghean) - Thông tư số 22/2013/TT - BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về “Quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường” được thực hiện rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, sau hơn hơn 5 tháng triển khai, trên địa bàn Nghệ An, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vẫn chưa tuân thủ theo quy định.

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, Thông tư 22 được xem là giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo thông tư, hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về đo lường, tiêu chuẩn về chất lượng và hàm lượng sản phẩm. Các sản phẩm vàng trang sức bày bán sẽ phải gắn tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ, kiểu dáng, kích cỡ theo nhãn mác và niêm yết công khai. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều sản phẩm vẫn không được dán nhãn công bố tiêu chuẩn, không ghi cụ thể tên, địa chỉ cơ sở, tuổi vàng, mã ký hiệu; nếu đính kèm thì cũng chỉ có miếng giấy nhỏ ghi trọng lượng và giá gia công, giá mua vào - bán ra … Chị Nguyễn Thị Hiền (cán bộ Bưu điện Cửa Lò) có chiếc nhẫn vàng 18K 6,5 đeo đã lâu nên muốn bán để đổi mẫu khác. Nhưng tại tiệm vàng Kim Thành Huy (trên đường Trần Phú - TP. Vinh) sau khi đánh đá để thử tuổi vàng và cân tỷ trọng, chủ tiệm vàng nói chỉ có thể mua vào với giá 1.500.000 đồng vì vàng xấu; chìa ra mẫu thử, chủ tiệm nói nhẫn đóng dấu 18K phải tương đương mức 7,5 tuổi nhưng đánh giá chỉ đạt 5,5 tuổi. Cũng sản phẩm này, đem đến tiệm vàng Tất Năm (trên đường Tuệ Tĩnh), chủ tiệm vàng này chỉ mua được giá 1.350.000 đồng “để nấu lại”. Vì thấy bị ép giá nên chưa muốn bán ngay, chị Thảo tiếp tục đem chiếc nhẫn ở một tiệm vàng khác trên đường Nguyễn Sỹ Sách thì lúc này tuổi vàng được nâng lên 6 tuổi, nhưng giá mua chỉ còn 1.250.000 đồng. “Rốt cuộc tôi cũng không biết tuổi thật của chiếc nhẫn mình đang đeo là bao nhiêu, trên nhẫn đóng dấu 18K mà khi bán thì mỗi nơi cho ra tuổi vàng khác nhau, giá mua vào của các tiệm cũng chênh lệch đáng kể” - chị Lê Thị Thảo bức xúc cho biết.

Khách hàng mua vàng trang sức tại hiệu vàng Kim Thành Huy (TP. Vinh).
Khách hàng mua vàng trang sức tại hiệu vàng Kim Thành Huy (TP. Vinh).

Ông Nguyễn Hoàng Nam, một thợ kim hoàn có hơn 20 năm trong nghề (trên đường Cao Thắng - TP. Vinh) chia sẻ thông tin: “Tuổi vàng nữ trang trên thị trường thường không chính xác, nên vàng của tiệm này đem đến tiệm khác đều bị chê không đủ tuổi. Kể cả dù mua đâu bán đó, có đầy đủ hóa đơn khách hàng vẫn phải chịu thiệt cả hai đầu mua bán. Lý do khi mua khách hàng phải chịu tiền công đá đính, công chế tác là khá cao, đến khi bán các tiệm vàng không tính các khoản tiền này, chỉ cầm hàng lên thử, cân rồi phán giá, nếu đồng ý thì bán. Theo đúng chuẩn quy ước vàng 18K là 7,5 tuổi, bằng mắt thường không thể phân biệt được tuổi vàng do các đơn vị gia công có thể xi màu để các loại vàng thấp tuổi hơn trông y như vàng 18K. Vàng không đủ tuổi có nhiều nguyên nhân, trong đó vàng nguyên liệu ban đầu có thể đã là loại kém chất lượng; trong quá trình chế tác, nhiều kim loại khác được pha trộn vào cũng góp phần làm giảm tuổi vàng...”. Hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, chưa theo chuẩn bắt buộc là các sản phẩm phải đạt hàm lượng vàng là 14k, 18k, 22k, 24k, trong khi, vàng trang sức, mỹ nghệ rất đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Do vậy, bằng cách áp dụng phương pháp đo lường khác nhau, các doanh nghiệp rất dễ lợi dụng để trục lợi. Chỉ cần nâng khống độ tuổi vàng lên 0,5% thôi, người tiêu dùng đã bị móc túi vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn người mua vàng trang sức để sử dụng hoặc tặng nhau, thường phải rất lâu sau mới đem bán và không thể thẩm định được chất lượng nên dễ bị gian lận tuổi vàng.

Thực tế nhiều năm qua thị trường gần như không có chuẩn chung nào cho sản phẩm vàng nữ trang. Bên cạnh đó, hầu hết các tiệm vàng đều lấy hàng từ người bán sỉ hoặc tự gia công. Do vậy, tuổi vàng của các sản phẩm là do các chủ tiệm tự đưa ra. Thực hiện quy định này, một số doanh nghiệp lớn như Công ty Vàng bạc Phú Nguyên Hải, Kim Thành Huy (ở TP Vinh), Như Trịnh (ở Diễn Châu)... về cơ bản sản phẩm đã dán nhãn công bố tiêu chuẩn, ghi tuổi vàng trên sản phẩm theo đúng quy định; việc áp dụng theo các quy định mới trong thông tư không gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh. Còn hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nhỏ lẻ lại tỏ ra lúng túng và có nhiều băn khoăn khi áp dụng thông tư.

Chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên đường Nguyễn Sỹ Sách cho biết: “Nếu trước đây, sai số về hàm lượng vàng cho phép hao hụt từ 1 đến 3% thì nay theo quy định của Thông tư sai số chỉ còn từ 0,1% đến 0,3%. Chính vì vậy, cửa hàng có một lượng khá lớn sản phẩm có sai số không đáp ứng được quy định mới, hiện vẫn chưa có hướng quyết hàng tồn đọng. Người bán như chúng tôi đến giờ vẫn chưa “thông” hết những quy định của thông tư, nhất là trong việc xác định tuổi vàng, mua những loại cân nào cho phù hợp, đơn vị cung ứng hàng nào đạt chất lượng. Mặt khác, theo quy định các cơ sở kinh doanh phải trang bị loại cân 4 số lẻ (xác định trọng lượng vàng với khả năng đọc của máy đến 0.0001g) là chưa thật hợp lý. Bởi mức chênh lệch trung bình của 1 chỉ vàng trang sức hàm lượng 75% (vàng 18K giá khoảng 2,4 triệu đồng), khi sử dụng cân 3 số lẻ (khả năng đọc của máy là 0.001g) và 4 số lẻ thì số tiền chênh lệch của 0.001g với 0.0001g vàng được quy ra khoảng 1.000 - 2.000 đồng. Trong khi để trang bị cân 4 số lẻ giá đắt hơn rất nhiều lần so với cân 3 số lẻ mà hiện nay đa số các cửa hàng kinh doanh đang sử dụng nên chúng tôi thấy là chưa hợp lý”.

Qua số liệu thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh và gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Nguồn hàng nhập từ các thương hiệu lớn như PNJ, SJC, DOJI và các thương hiệu khác. Ngoài ra, vàng trang sức, mỹ nghệ còn được mua lại từ việc trao đổi trong dân và nhập từ nước ngoài theo hình thức “xách tay”... Trước thời điểm thông tư có hiệu lực, Chi cục đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn và phát tài liệu về nội dung của Thông tư 22 và văn bản pháp luật liên quan cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng. Đầu tháng 7/2014, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra về việc thực hiện Thông tư 22 đối với 78 cơ sở kinh doanh và sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ông Phan Ngọc Quang - Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An: Từ trước đến nay thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng đang hoạt động khá tự do, mỗi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có một tiêu chuẩn riêng không thống nhất với nhau. Tại thời điểm đoàn đi kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp, chủ cửa hàng còn bỡ ngỡ, chưa sẵn sàng thực hiện theo thông tư; chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, đóng mã ký hiệu, hàm lượng, trọng lượng vàng trên mỗi sản phẩm và ghi nhãn đủ thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Các cơ sở kinh doanh còn đang sử dụng phương tiện đo cũ, chưa phù hợp theo quy định để xác định khối lượng vàng trong mua bán, trao đổi... Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường và chất lượng, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ nghiệp vụ để các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện thông tư.

Thông tư 22/2013 quy định vàng, trang sức phải phù hợp với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường; trên sản phẩm phải đóng dấu mã ký hiệu, hàm lượng vàng, không dùng các chất độc hại mới được lưu thông ra thị trường. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không đáp ứng tiêu chuẩn có thể bị tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và sẽ bị phạt đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm vi phạm về chất lượng hàng hóa, hoặc bị phạt cao nhất lên tới 2 tỷ đồng nếu vi phạm về đo lường… Tuy nhiên, đến nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng vẫn chưa có công bố nào về các doanh nghiệp vàng vi phạm và bị xử phạt theo các quy định trên. Vì thế, trong thời gian tới, các ban, ngành liên quan cần có cơ chế phối kết hợp tốt hơn trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, đồng thời cần nâng cao công tác phối, kết hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; đặc biệt cần minh bạch thông tin cho nhân dân biết về các cơ sở vi phạm, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất

x
Minh bạch trong quản lý vàng, trang sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO