Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: “Việc đảng” phải vì “việc dân”

16/08/2013 14:58

Sau hơn 5 năm Thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ ngày 10/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những hiệu quả mang lại, mô hình này cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ…

(Baonghean) - Sau hơn 5 năm Thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ ngày 10/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những hiệu quả mang lại, mô hình này cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ…

Giám sát chặt, đánh giá sát

Thực tế ở tỉnh ta, từ trước khi có chủ trương về việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn vào năm 2007, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đã có một số đơn vị thuộc Đảng bộ Thành phố Vinh triển khai thực hiện mô hình này và duy trì tương đối hiệu quả. Đơn cử như chi bộ cơ quan phường Lê Lợi được thành lập từ tháng 10/1996 và duy trì cho đến nay. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Long - Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Việc thành lập chi bộ cơ quan có nhiều lợi ích như khi triển khai, giao nhiệm vụ đôn đốc kiểm tra dễ dàng; trách nhiệm của đảng viên trước công việc được nâng lên vì có sự giám sát thường xuyên; việc đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm sát hơn do các đảng viên cùng cơ quan nên nắm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi người. Từ đó có thể phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, những vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức xã, phường kịp thời hơn”.

Thực tế từ khi thành lập cho đến nay, Chi bộ cơ quan phường Lê Lợi đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị vừa thể hiện vai trò đầu tàu, vừa là trung tâm đoàn kết ngay tại cơ quan cao nhất của địa phương. Chẳng hạn như trong lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng văn hóa, văn minh công sở, các đảng viên trong chi bộ là những người gương mẫu trực tiếp thực hiện và giám sát việc thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân vào những “công bộc của dân”.

Còn tại Hưng Hòa, chi bộ cơ quan xã được thành lập vào năm 2011 với 25 đảng viên, nay là 29 đảng viên. Là người trong cuộc, Bí thư chi bộ Trần Cao Cường (Phó Chủ tịch UBND xã) cho rằng: “Việc cùng sinh hoạt trong chi bộ cơ quan xã tạo điều kiện cho đảng viên là cán bộ trẻ có điều kiện học tập kinh nghiệm, cách quản lý, điều hành từ các đồng chí lãnh đạo, tinh thần phê và tự phê cũng cao hơn do không phải e dè, nể nang như khi sinh hoạt với các đảng viên cao tuổi thuộc bậc cha, chú ở chi bộ khối xóm”. Tại đây, mặc dù theo Quy định 76 mỗi năm đảng viên về sinh hoạt địa bàn nơi cư trú 2 lần nhưng cấp ủy chi bộ giao nhiệm vụ phân công các đồng chí là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ cơ quan hàng tháng đều phải dự sinh hoạt với chi bộ khối xóm cư trú để nắm bắt các thông tin, phản ánh trực tiếp và tham mưu đóng góp ý kiến giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc ở cơ sở.

Đến thời điểm hiện nay Thành phố Vinh có 25/25 đảng bộ phường, xã thành lập chi bộ cơ quan, chỉ có 1 chi bộ phải giải thể do hoạt động không hiệu quả là Chi bộ xã Nghi Kim. Đồng chí Nguyễn Văn Duyệt - Phó Ban Tổ chức Thành ủy cho biết: So với các chi bộ khối phố, thôn xóm, chi bộ cơ quan xã, phường xây dựng và thực hiện quy chế làm việc chu đáo và nghiêm túc, cụ thể hơn. Một số đơn vị duy trì tốt nề nếp phân công cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn các khu dân cư, giúp cho cán bộ chủ chốt xã, phường nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của đảng viên và quần chúng ở cơ sở, những vấn đề bức xúc ở địa phương cũng như những vấn đề nảy sinh cần giải quyết”.

Đồng chí Duyệt cũng cho rằng mô hình chi bộ cơ quan xã, phường tháo gỡ những khó khăn trong việc bố trí sinh hoạt đảng đối với số đảng viên là cán bộ, công chức cơ sở không phải người địa phương hoặc được tăng cường, luân chuyển, điều động từ nơi khác đến. Nếu thực hiện cơ chế luân chuyển, cán bộ đi cơ sở thường xuyên như Thành phố Vinh mà không có chi bộ cơ quan thì vừa khó cho cán bộ, đảng viên vừa khó cho cấp ủy trong đánh giá, nhận xét cán bộ…

Là huyện miền núi cao nhưng Quỳ Châu cũng đã thành lập 12 chi bộ xã, thị trấn. Tại xã Châu Hội, chi bộ cơ quan có 13/20 đảng viên nằm trong BCH Đảng ủy xã nên đây là chi bộ “đầu tàu” trong 19 chi bộ của xã. Theo đồng chí Lim Dương Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, bí thư chi bộ cơ quan, chi bộ cơ quan thành lập đi vào hoạt động khắc phục được tình trạng khi sinh hoạt ở chi bộ thôn bản hay cả nể dẫn đến nhận xét qua loa, bây giờ tinh thần tự phê bình và phê bình cao hơn trước, nhận xét thẳng thắn hơn. Đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu thì việc thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã, thị trấn trên địa bàn đã quản lý, đào tạo, uốn nắn được đảng viên cả về mặt đảng và chuyên môn, phát huy được sức mạnh, trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cơ sở.

Tính đến hết tháng 5/2013, toàn tỉnh có 143 chi bộ/480 xã, phường, thị trấn. 7 địa phương thành lập được 100% số chi bộ cơ quan xã đến nay vẫn còn duy trì hoạt động là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Đô Lương, Thái Hòa, Quỳ Châu. Nhìn chung, sau khi được thành lập, nhiều chi bộ cơ quan xã nhất là các phường, thị trấn, xã vùng trung tâm đã thể hiện được vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển KTXH, ổn định quốc phòng an ninh ở địa phương, là trung tâm đoàn kết, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ giữa tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị tại các địa phương, gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng...


Đảng viên chi bộ cơ quan xã Hồng Sơn (Đô Lương) sinh hoạt định kỳ
với cán bộ thôn xóm.

Khó khăn vùng đặc thù

Bên cạnh một số địa phương việc thành lập, hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn có hiệu quả rõ rệt như đã đề cập ở trên, toàn tỉnh vẫn còn có đến 96 chi bộ đã được thành lập nhưng phải giải thể do hoạt động không có hiệu quả. Điển hình như Nam Đàn có 16/16 chi bộ, Quỳnh Lưu 26/38 chi bộ; Nghi Lộc 24/24 chi bộ; Thanh Chương 5/5 chi bộ; Tân Kỳ 22/22 chi bộ, Yên Thành 3/10 chi bộ. Chia sẻ về lý do giải thể chi bộ cơ quan xã, bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc cho biết: Nguyên nhân chính là do mô hình này không phù hợp với đặc thù của huyện có 21 xã có đồng bào theo đạo Thiên Chúa, 7 xã vùng biển và ven biển.

Bởi thực tế huyện đang phải tăng cường đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn xóm (một số xã đặc thù có cả bộ đội biên phòng về tăng cường) để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Đó cũng là lý do mà hiện nay Thu Thủy là phường duy nhất trong 7 đơn vị của Thị xã Cửa Lò giải thể mô hình chi bộ cơ quan. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy phường cho hay: Với đặc thù là phường có 4/6 xóm có giáo dân, trong đó có 1 xóm giáo toàn tòng. Tỷ lệ đảng viên trong các chi bộ xóm giáo ít thậm chí có chi bộ toàn đảng viên tăng cường, ví dụ như chi bộ 3 có 6 đảng viên không có đảng viên giáo dân nào, chi bộ 4 có 4 đồng chí, trong đó có 1 đảng viên giáo dân là Phó Chủ tịch UBND xã; chi bộ 6 có 4 đảng viên thì có tới 3 đảng viên đang công tác ở phường… do vậy cả 19 cán bộ, công chức phường đều phải về sinh hoạt tại các chi bộ khối xóm.

Cũng phải nói thêm rằng, thực trạng “tre đã già nhưng chưa có măng thay”, thiếu nguồn lực lượng đảng viên trẻ bổ sung để nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho các chi bộ thôn xóm cũng là nguyên nhân khiến một số địa phương vùng nông thôn như Đô Lương, Quỳnh Lưu không thể thành lập hoặc thành lập rồi cũng giải thể. Nhiều ý kiến đề nghị giải thể mô hình này để tăng cường đảng viên về sinh hoạt ở chi bộ nông thôn khắc phục tình trạng nội dung sinh hoạt nghèo nàn, ít thông tin, chất lượng sinh hoạt không cao, không đáp ứng yêu cầu trong việc triển khai các chương trình, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.

Mặt khác, thời gian qua, theo phản ánh của lãnh đạo một số địa phương tại các cuộc giao ban với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì nhiều chi bộ cơ quan xã không phát huy được tác dụng và bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong hoạt động như xa rời quần chúng, ngại tiếp xúc với dân, ngại sinh hoạt với chi bộ nông thôn. Sinh hoạt chi bộ cơ quan xã có nội dung trùng lặp với nội dung họp Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã, thị trấn. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của chi bộ chung chung, na ná như của Đảng ủy xã, không sát thực, cụ thể với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ.

Ông Đào Anh Dũng - Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 2, xã Hồng Sơn, Đô Lương thẳng thắn bày tỏ: “Chi bộ cơ sở là nơi mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương triển khai đến với đảng viên và quần chúng nhân dân, song các đồng chí cán bộ đương chức tập trung hết về xã, rất dễ dẫn tới xa rời cơ sở, bỏ trống các chi bộ thôn xóm và hệ quả là việc triển khai các nghị quyết của Đảng rất dễ qua loa, hình thức, kém hiệu quả…”. Điều này không phải không có cơ sở bởi trên thực tế, tại một số địa phương, nhất là ở cấp xã, căn bệnh "xa rời cơ sở", thiếu kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; chế độ, chính sách…

Cần giải pháp thống nhất, hiệu quả

Qua tìm hiểu thực tế tại cơ sở có thể nhận thấy rằng, hiện nay, có hai luồng ý kiến trái chiều. Một là đề xuất dừng không nên thực hiện mô hình này vì không phát huy hiệu quả, ngược lại còn khiến cán bộ xa rời cơ sở, xa dân, suy yếu chi bộ thôn xóm. Hai là, khẳng định mô hình này phù hợp và đề nghị tiếp tục duy trì nhưng cần phải sớm xây dựng qui định về chức năng, nhiệm vụ của loại hình chi bộ cơ quan, xã, phường, thị trấn, có hướng dẫn cụ thể về nội dung sinh hoạt chi bộ để tránh lúng túng, lấn sân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Mỹ Tặng - Trưởng phòng huyện, ngành (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho hay: Qua thực tế triển khai ở Nghệ An, có thể thấy rằng chỉ nên thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn ở những nơi có đủ điều kiện, phát huy được hiệu quả không ảnh hưởng đến chất lượng của các chi bộ khu dân cư, không nên thành lập ở các vùng đặc thù (vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…) và những nơi không có đủ điều kiện. Tuy nhiên, ông Tặng cũng cho rằng mô hình nào cũng sẽ có ưu, khuyết, thuận lợi, khó khăn riêng, quan trọng là cách làm, cách vận dụng của từng địa phương, đơn vị như thế nào cho hiệu quả và ý thức cán bộ, công chức là đảng viên khi tham gia sinh hoạt, thực hiện các nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Bởi ngay một số địa bàn miền núi như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương vẫn duy trì tốt mô hình chi bộ cơ quan xã ở 100% đơn vị.

Hiện nay ý kiến chỉ đạo của Trung ương là nơi nào thuận lợi thì tiếp tục duy trì, nơi nào không có điều kiện thì dừng lại. Tuy nhiên, để có hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất chung cần có sự tổng kết, đánh giá toàn diện, định hướng cụ thể việc thực hiện hướng dẫn số 10 kèm theo đó rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Như vậy, việc thành lập và hoạt động chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn theo Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ ngày 10/10/2007 qua thực tế đã bộc lộ những mặt được và những mặt cần khắc phục. Vấn đề thành lập hay không thành lập, vấn đề hoạt động hay giải thể thì xem ra còn tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế, song cốt lõi nhất đó là “việc đảng” phải vì “việc dân”, đó là việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng có tác dụng, vai trò ra sao đối với nhiệm vụ chính trị của cơ sở và đời sống nhân dân.


Bài, ảnh: Khánh Ly

Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: “Việc đảng” phải vì “việc dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO