Mô hình điểm truyền thông giáo dục sức khỏe

28/08/2012 11:38

(Baonghean) - Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân, năm 2011, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ tỉnh Nghệ An đã xây dựng mô hình điểm về truyền thông giáo dục sức khoẻ tại xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu.

Là xã đầu tiên của tỉnh được chọn xây dựng mô hình xã điểm về công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, từ đầu năm 2011, Trạm Y tế xã Diễn Đồng đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng toàn diện; thành lập ban chăm sóc sức khoẻ ban đầu của xã điều hành mô hình thí điểm, đồng thời xác định rõ vai trò của y tế, đặc biệt là chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế thôn, bản… Trạm y tế đã thực hiện mô hình theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ và mục tiêu với sự tham gia và giám sát của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu.

Để cung cấp cho người dân kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đã cung cấp các tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo trạm y tế thường xuyên viết tin, bài phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng đúng cách, tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã; phát tờ rơi, tờ gấp, áp phích đến tận gia đình. Trạm Y tế xã Diễn Đồng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các chiến dịch truyền thông theo chuyên đề: phòng, chống các bệnh dịch nguy hiểm như cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp, vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, công tác dân số - KHHGĐ, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, HIV/AIDS…

Từ khi triển khai đến nay, đội ngũ y tế thôn đã tư vấn sức khoẻ cho 1.738 lượt người dân; viết bài truyền thông phòng bệnh trên loa truyền thanh xã 60 lần (bình quân 10 bài/tháng) - Đây thực sự là con số ấn tượng mà y tế thôn, xã đã thực hiện được.

Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, y tế xã Diễn Đồng đã chuyển biến một cách rõ nét. Nếu như trước khi chưa xây dựng mô hình, tỷ lệ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh chỉ trên 30% thì đến năm 2012, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đã tăng lên trên 50%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 19,5% năm 2010 thì đến năm 2012 hạ xuống còn 17,1%; kiến thức của người dân về tự chăm sóc bảo vệ sức khoẻ phòng, chống bệnh tật được nâng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Nam, một người dân ở xóm 3, xã Diễn Đồng cho hay: “Trước đây gia đình tôi chỉ có nhà vệ sinh sơ sài, nhưng sau khi được cán bộ y tế đến tận nhà để tuyên truyền, hiểu được lợi ích của việc phòng bệnh nên gia đình tôi đã quyết định xây dựng nhà vệ sinh kiên cố và sạch sẽ…".

Bác sỹ Lê Thị Tâm – Trưởng trạm Y tế Diễn Đồng cho biết: “Để truyền thông hiệu quả hơn, chúng tôi đã đưa công nghệ thông tin vào truyền thông giáo dục sức khoẻ trực tiếp, hiệu quả cao hơn nhiều so với các hình thức truyền thông khác, bởi khi truyền thông người dân không chỉ được tham gia trao đổi học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, mà qua các hình ảnh sinh động tạo được hứng thú, họ dễ tiếp thu và chú ý hơn đến việc thay đổi nhận thức và thay đổi hành vi”…

Với sáng kiến sử dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông trực tiếp trong điều kiện không có máy tính cũng như máy chiếu, trạm y tế đã chủ động liên hệ với các trường học trên địa bàn để nhờ máy tính và máy chiếu phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền. Nhờ vào việc xây dựng mô hình điểm nên Diễn Đồng đã mạnh dạn đi đầu áp dụng công nghệ thông tin trong truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, mang lại hiệu quả cao. Mô hình điểm truyền thông giáo dục sức khoẻ này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.


Xuân Tiến

Mới nhất

x
Mô hình điểm truyền thông giáo dục sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO