Mở rộng điều tra vụ sa mu bị đốn hạ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

17/07/2015 08:01

(Baonghean) - Tiếp cận 5 đối tượng đốn hạ 3 cây Sa mu hàng trăm năm tuổi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang bị tạm giam tại Công an huyện Quế Phong, dù gian ngoan nhưng rốt cục chúng cũng hé lộ ra những kẻ tiếp tay. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong cũng xác nhận đang mở rộng điều tra vụ án...

Chân dung lâm tặc

5 lâm tặc đang bị tạm giam tại Công an huyện Quế Phong gồm: Lữ Văn Dương (SN 1976), Vi Văn Hoài (SN 1979), Vi Văn Bình (SN1994), Lương Văn Tâm (SN 1975) cùng trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ, Cao Minh Quyết (SN 1986) trú tại bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. Vì Cao Minh Quyết là người ngoài địa bàn Quế Phong nên chúng tôi đề nghị cán bộ điều tra cho gặp đầu tiên. Quyết vóc người cao, da ngăm đen và luôn tỏ vẻ lo sợ trong lần gặp chúng tôi. Hắn nói nhiều, rằng ở nhà không có việc làm ổn định, lúc đi làm thuê cho chủ mỏ đá, khi làm thuê cho chủ mỏ thiếc; gặp thời tiết xấu ở nhà giúp bố mẹ làm nông nghiệp. Cách đây 2 năm, hắn lên bản Mường Phú xã Thông Thụ, gặp Lương Thị Nhung rồi ngỏ lời yêu thương. Được Nhung đáp lại tình cảm nên cả hai quyết định đi tới hôn nhân. Cách nay một thời gian ngắn, hắn lên nhà vợ chưa cưới thì gặp Vi Văn Hoài, Lương Văn Tâm là những người bác họ của Nhung. Hai người "bác" này đã rủ hắn vào rừng khai thác gỗ sa mu. "Hai ông ấy có cưa xăng và công cụ. Vì không có việc làm nên tôi đã đi theo" - Cao Minh Quyết run run. Rồi hắn cho biết, ngày 27/6 thì đến vùng có cây sa mu thuộc Tiểu khu 59 (Khu BTTN Pù Hoạt) cắt cây xẻ gỗ dựng lán, đến ngày 30/6 thì tiến hành đốn hạ sa mu. Ngày 3/7 thì bị bộ đội biên phòng, kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt và Công an xã Hạnh Dịch phát hiện, bắt giữ.

Phóng viên Báo Nghệ An tiếp cận đối tượng Cao Minh Quyết.
Phóng viên Báo Nghệ An tiếp cận đối tượng Cao Minh Quyết.

Ai là người tổ chức khai thác sa mu? Khai thác xong thì làm thế nào để vận chuyển về tiêu thụ? Cao Minh Quyết trả lời: "Ông Vi Văn Hoài và ông Lương Văn Tâm là những người cầm đầu cắt xẻ gỗ, còn đây là lần đầu tiên tôi đi theo. Tôi cũng chỉ được nghe nói hạ cây, xẻ ván xong thì dùng động cơ và ba lăng xích tời gỗ xuống đường biên của Lào, ở đấy sẽ có người thu mua...". Là những người nào? "Thực là tôi không rõ, chỉ nghe nói là những người Mông Lào" - Quyết nói.

Lâm tặc thứ hai chúng tôi gặp là Vi Văn Hoài. Dáng thấp nhỏ nhưng Vi Văn Hoài có vẻ mặt gian ngoan, giảo hoạt. Hắn thừa nhận về thời gian tổ chức khai thác, cách thức vận chuyển trái phép sa mu nhưng liên tục chối bỏ những thông tin Cao Minh Quyết đã nói với chúng tôi về hắn, mà một mực rằng, đây là lần đầu tiên đi làm gỗ do Lương Văn Tâm đứng ra tổ chức và Tâm cũng là người trực tiếp cắt hạ cây. Liên quan đến việc tiêu thụ, Vi Văn Hoài cho biết, bản Mường Phú giáp Cửa khẩu Thông Thụ nên thường xuyên qua lại biên giới. Sang đó, một số người Mông Lào ở bản Nậm Bống nói gỗ sa mu ở Hạnh Dịch rất nhiều, cứ tổ chức khai thác, đưa xuống sẽ có người mua. Khi Lương Văn Tâm lập nhóm khai thác, hắn đã đi theo...

Với Lương Văn Tâm, những lời nói của Vi Văn Hoài và Cao Minh Quyết là có ý dồn tội cho y. Tâm có vóc người cao, khỏe, gương mặt khá lạnh và lỳ. Hắn cúi mặt tránh cái nhìn của người đối diện nói: "Cả 5 cùng tổ chức, mua công cụ và cùng làm chứ tôi không phải người đứng đầu. Tôi đi làm gỗ lần đầu vì vợ ốm, không có tiền trả nợ...". Đi làm lần đầu sao "siêu" thế. Dám đốn hạ cả những cây gỗ lớn hàng chục người ôm ở một địa bàn xa xôi với nơi ở, địa hình khó khăn? Sao lại cắt xẻ bằng cưa xăng được 7 tấm gỗ lớn đều tăm tắp như vậy? Nghe hỏi thế, hắn thoáng vẻ ngạc nhiên nhìn rồi lảng đi nơi khác và im bặt, chốc sau nói: "Tôi có quen với Xây Vừ, người Mông Lào ở bản Nặm Tảy. Bản này chỉ cách Cửa khẩu Thông Thụ 15 phút đi bộ. Xây Vừ chuyên làm gỗ nên đã cho nợ tiền mua cưa xăng và công cụ khác...".

Vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng

5 lâm tặc bị bắt giữ ngày 3/7/2015. Hai ngày sau, huyện Quế Phong tổ chức đoàn công tác khám nghiệm hiện trường và đánh giá trữ lượng của 3 cây sa mu đã bị đốn hạ là khoảng 235m3 (gỗ tròn). Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì cây sa mu thuộc nhóm IIA có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên, có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ nghiêm nghặt. Theo Thượng tá Đặng Viết Hiếu, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong, xác định đây là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can và tạm giam cả 5 đối tượng. Thượng tá Đặng Viết Hiếu cho hay, theo Khoản 2, Điều 175, Bộ luật Hình sự thì chưa tính đến những cây gỗ lớn mà lâm tặc đốn hạ làm lán, mở đường đi, hành vi của chúng đã vượt nhiều lần mức đặc biệt nghiêm trọng. Để đảm bảo đúng khung khổ pháp lý quy định, ngoài xác lập hồ sơ, thu thập tang vật, vật chứng, Công an Quế Phong đã tiến hành lấy mẫu vật (gỗ sa mu tại hiện trường) gửi cơ quan có chức năng thực hiện việc trưng cầu giám định.

Lam cưa xăng được hàn nối dài tới 1,6m (tang vật thu được).
Lam cưa xăng được hàn nối dài tới 1,6m (tang vật thu được).

Những công cụ khai thác trái phép của 5 lâm tặc được Công an Quế Phong thu giữ gồm 1 cưa xăng; 1 động cơ xe máy dung tích lớn, 1 ba lăng xích, 2 lam cưa xăng. Theo cán bộ điều tra, để cắt cây sa mu lớn đến cả chục người ôm, lâm tặc đã "khôn ngoan" cắt và hàn nối lam cưa dài tới 1,6m. "Loại cưa xăng lớn nhất, lam chỉ dài 1,2m. Chiếc cưa xăng của bọn này hàn nối 3 lần, dài tới 1,6m. Lán trại của chúng làm kiên cố; ván xẻ có khổ rộng 1,1m, dài 3,3m, dày 0,15m, chỉ như vậy đã thấy chúng là những tên lâm tặc chuyên nghiệp..." - một cán bộ điều tra nói.

Rất nhiều người từng vào hiện trường nghĩ rằng chúng có tổ chức, có đường dây phía sau. Chúng tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Không rõ quan điểm của cơ quan điều tra như thế nào? Thượng tá Đặng Văn Hiếu cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định Lương Văn Tâm là đối tượng cầm đầu. Trước khi tổ chức khai thác, Tâm đã có móc nối với một số đối tượng người Mông Lào. Sau đó, chúng đã chuẩn bị công cụ, cùng nhau vượt biên qua Lào, từ đó, trở vào vùng rừng sa mu thuộc khoảnh 11, Tiểu khu 59, Khu BTTN Pù Hoạt dựng lán, đốn hạ cây, xẻ gỗ tấm và dùng động cơ, ba lăng xích tời xuống đường dân sinh của Lào cách đó chỉ 1.020m để tiêu thụ. "Chúng có 5 đối tượng. Có phân công phó, trưởng nhóm để thực hiện các hành vi khai thác trái phép gỗ sa mu. Vì vậy, đã khẳng định chúng là một tổ chức. Còn đằng sau chúng là ai, hiện cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án..." - Thượng tá Đặng Viết Hiếu khẳng định.

Ông Lang Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã cùng đoàn công tác vào hiện trường 3 cây sa mu bị lâm tặc đốn hạ. Trao đổi, ông cũng đồng quan điểm là đằng sau những đối tượng này có đường dây tiếp tế, thu gom, tiêu thụ. Lên đến lán của các lâm tặc thấy ngoài gạo, thịt, muối còn có cả 4 chai rượu Lào. Ai đã tiếp tế cho chúng? Gỗ làm xong chúng không thể đưa xuống các bản ở Hạnh Dịch vì đường xuống xa, cực kỳ vất vả, lại có nhiều lực lượng chốt giữ. "Tôi tin chắc chúng có đường dây..." - ông Minh trao đổi.

Nhiều người am hiểu cho hay, giá gỗ ở Lào thấp thua nhiều lần so với ở Việt Nam. Nói rằng 5 đối tượng đốn hạ sa mu, xẻ tấm rồi tiêu thụ cho người Mông Lào là chưa đầy đủ. Những đối tượng Mông mới chỉ là một mắt xích thực hiện thu gom; sau đó, gỗ sẽ được làm "lý lịch" để "biến hóa" thành gỗ Lào và xuất ngược về Việt Nam. Có hay không thực tế này? Cơ quan điều tra đã vào cuộc mở rộng vụ án, hy vọng sẽ tìm ra lời giải đáp rõ ràng!./.

Nhật Lân - Việt Long

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Mở rộng điều tra vụ sa mu bị đốn hạ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO