Mở rộng vùng chăn nuôi theo hướng "sạch"

16/12/2014 09:22

(Baonghean) - Trước ưu thế của việc chăn nuôi theo hướng đảm an toàn sinh học VietGAP, ở nhiều miền quê, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã mạnh dạn áp dụng quy trình chăn nuôi sạch, bước đầu đem lại kết quả tích cực, bền vững hơn.

Huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 1.320 ha nuôi tôm. Do vậy, để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhân dân và đặc biệt là vươn ra những thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, bà con nuôi tôm ở Quỳnh Lưu đang tích cực tiếp cận, thực hiện những bước căn bản để xây dựng mô hình VietGAP. Từ năm 2013, trên diện tích 5.000m2, ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã áp dụng nuôi tôm thâm canh theo quy trình VietGAP. Để áp dụng theo qui trình nuôi sạch, ông mua con giống từ cơ sở cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, qua kiểm dịch rồi mới thả nuôi, thức ăn cũng được mua từ đại lý đảm bảo uy tín chất lượng, ghi chép cẩn thận các khâu đoạn trong qui trình chăn nuôi từ cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch. Theo ông Tin, nếu thực hiện đúng quy trình VietGAP thì tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh. 1 ha sẽ cho thu hoạch từ 10 - 15 tấn, tổng thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí sẽ cho lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ cũng cho thu nhập vài tỷ đồng. Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà nuôi tôm theo quy trình VietGAP còn góp phần bảo vệ môi trường vì nguồn nước thải và ao đầm được xử lý một cách cẩn thận nên hạn chế các mầm bệnh.

Mô hình chăn nuôi bò sữa áp dụng quy trình VietGAP  của anh Trần Trung Hường ở xóm 7, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu).
Mô hình chăn nuôi bò sữa áp dụng quy trình VietGAP của anh Trần Trung Hường ở xóm 7, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu).

Còn ở Diễn Châu, mô hình nuôi tôm của ông Ngô Xuân Đại ở xóm 4 - xã Diễn Trung (Diễn Châu) được đánh giá là đạt hiệu quả nhất và được cấp giấy chứng nhận VietGap. Đầu năm 2013, ông Đại được hỗ trợ 50 triệu đồng và vay mượn thêm 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình. Về cơ sở hạ tầng, ông đã xây dựng hệ thống cấp, thoát nước riêng, xây dựng ao lắng, nhà kho chứa thức ăn, máy móc... Trong quá trình nuôi, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, ông xây dựng quy trình nuôi chặt chẽ có ghi chép, theo dõi, tổng hợp số liệu về thức ăn, sức khỏe của tôm... Nhờ áp dụng chặt chẽ những yêu cầu trên, đầm tôm của ông phát triển tốt và không mắc bệnh. Kết quả cuối vụ, trên diện tích 2,7 ha nuôi, ông thu về 45 tấn tôm, năng suất đạt 17 tấn/ha. Sau khi trừ hết chi phí, ông lãi trên 4 tỷ đồng. Ông Đại cho biết: “Trước đây, mình chỉ nuôi theo kinh nghiệm nhưng thời tiết ngày càng khó lường, mặc dù kinh nghiệm có nhiều nhưng các vụ nuôi, tôm vẫn bị chết, một số diện tích tăng trưởng kém nên năng suất không cao. Tôi nghĩ rằng, nếu không thay đổi nhận thức, không áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thì khó mà thành công. Vì thế, tôi đã mạnh dạn xin được áp dụng mô hình VietGAP theo hướng an toàn sinh học và thực tế đã chứng minh rằng đây là hướng đi đúng, có hiệu quả”.

Quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP do Dự án cạnh tranh nông nghiệp (dự án LIFSAP) được Ngân hàng Thế giới tài trợ, lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An từ năm 2011. Với các mô hình đầu tiên được thực hiện ở 4 huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc và Diễn Châu có 439 hộ chăn nuôi thuộc 10 xã tham gia và được chia làm 27 nhóm. Các nhóm chăn nuôi áp dụng VietGAP được cung cấp những kiến thức, trang bị các dụng cụ kỹ thuật phục vụ cho chăn nuôi; đồng thời, quản lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi... Sau 3 năm thực hiện, dự án đã phát huy được hiệu quả, năng suất, chất lượng chăn nuôi tăng lên. Nhiều hộ đã xây dựng được hệ thống chuồng trại khép kín an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. 100% các hộ tham gia nhóm VietGAP được hỗ trợ các đồ dùng như: găng tay, ủng, áo bảo hộ lao động đến thuốc khử trùng chuồng trại, tham gia các lớp tập huấn ngắn và dài hạn về chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình chăn nuôi; hỗ trợ vốn xây dựng hầm bioga, nâng cấp chuồng trại.

Tại các hộ tham gia Dự án, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi đạt trên 95% tổng đàn gia súc, gia cầm, lợi nhuận chăn nuôi của các hộ áp dụng VietGAP tăng cao hơn 7% so với các hộ khác trong vùng… Ông Nguyễn Hữu Điều - Tổ trưởng tổ kỹ thuật chăn nuôi BQL Dự án LIFSAP Nghệ An cho biết: “Đến nay 100% số hộ tham gia dự án đã hiểu được nội dung, ý nghĩa chăn nuôi “sạch” - nhất là nhận thức và khả năng chăn nuôi an toàn sinh học. Về hiệu quả kinh tế, 100% số hộ đang duy trì, phát triển và có xu hướng tăng đàn mặc dù lĩnh vực chăn nuôi đang phải thách thức với nhiều khó khăn; đàn vật nuôi của các hộ này hiện tăng khoảng trên 10% so với trước khi tham gia dự án. Song song với việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ, các nhóm thực hành chăn nuôi tốt; để có nền chăn nuôi sạch và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, dự án LIFSAP còn đầu tư cho các địa phương trong vùng dự án, các chợ buôn bán sản phẩm chăn nuôi tiêu chuẩn, hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng các hầm ủ khí sinh học biogas…

Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, trên 750 ngàn con trâu bò, 1,2 triệu con lợn và hơn 15 triệu con gia cầm. Chăn nuôi đang dần trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều thách thức khi môi trường biến đổi phức tạp, việc buôn bán, lưu thông vận chuyển động vật kéo theo sự lây lan và phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt các bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tai xanh, dịch tả lợn… ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc mở rộng vùng chăn nuôi theo hướng “sạch” và hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - kinh doanh thực phẩm đang là hướng phấn đấu liên tục của ngành nông nghiệp tỉnh. Lợi ích đem lại từ mô hình sản xuất VietGap không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, giúp cho người dân được sử dụng sản phẩm đảm bảo sức khoẻ và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện sản phẩm của trang trại chủ yếu vẫn tiêu thụ tại các chợ truyền thống với mức giá cào bằng ngoài thị trường. Đây là lý do chính khiến nhiều người chăn nuôi ngại thực hiện VietGAP. Do đó, việc tìm đầu ra và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap cần được xem là giải pháp tối ưu để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp địa phương theo đúng nghĩa “thực hành nông nghiệp sạch”.

Tiêu chuẩn VIETGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như:

• Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.

• An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.

• Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.

• Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Riêng VietGAP áp dụng trong chăn nuôi được hiểu như sau:

Đầu tiên, thức ăn chăn nuôi không được chứa chất phụ gia có thể gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Công đoạn thứ hai (tại trang trại), vật nuôi cần được bảo vệ bằng cách tiêm hoặc dùng thuốc thú y để tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm và không có tồn dư hóa chất trước khi vào các lò giết mổ.

Công đoạn thứ ba, phải đảm bảo rằng vật nuôi và các sản phẩm từ vật nuôi sẽ được vận chuyển như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Công đoạn thứ tư (chế biến) khi vật nuôi trở thành thực phẩm (như thịt), hoặc sản phẩm động vật được chế biến thành thực phẩm (như sữa), quy trình chế biến phải được thực hiện trong điều kiện hợp vệ sinh. Trong suốt công đoạn thứ năm (thị trường), thực phẩm phải được thao tác đúng cách và không được đặt trong các môi trường thiếu sự kiểm soát. Cuối cùng, người cung cấp và người tiêu dùng phải hiểu biết cách thức thao tác thực phẩm một cách an toàn.


Ngọc Anh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mở rộng vùng chăn nuôi theo hướng "sạch"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO