Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

01/04/2011 18:15

So với các nước trên thế giới, tỷ lệ người tham gia hiến máu tình nguyện ở Việt Nam còn rất thấp. Hàng năm, lượng máu thu gom được mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu của người bệnh.

Còn ở Nghệ An, qua khảo sát của các ngành chức năng, mỗi năm chúng ta cần tối thiểu khoảng 60.000 đơn vị máu, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được một tỷ lệ rất nhỏ nhoi: khoảng 10%. Số người hiến máu ở Nghệ An chỉ đạt 0,17% số người khỏe mạnh trong độ tuổi hiến máu. Vì vậy, nhiều người bệnh phải chấp nhận chuyển lên tuyến trên và không ít trong số họ đã không có cơ hội được sống.

Để phát động và khuyến khích toàn dân tham gia hiến máu cứu người, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 43/QĐ-TTg lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Đây cũng là Ngày thành lập Tổ chức Y tế thế giới với mục đích "mang lại cho mọi dân tộc một trình độ y tế ở mức cao", được xem là Ngày Sức khỏe thế giới. Kể từ đó, chúng ta đã có nhiều chính sách đẩy mạnh công tác hiến máu tình nguyện, phát động những ngày hội hiến máu có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Trong ảnh: Các ĐVTN khối CCQ Tỉnh hiến máu tình nguyện -Ảnh: T. Lê


Nhiều tấm gương, nhiều nghĩa cử cao đẹp đã được tôn vinh, nhiều người bệnh được cứu sống. Đi đầu trong phong trào này là lực lượng đoàn viên thanh niên mà tiêu biểu là sinh viên trong các trường đại học. Tại Đại học Vinh, chúng ta đã triển khai được điểm đăng kí hiến máu tình nguyện từ tháng 4/2009. Tỉnh ta cũng đã thành lập Trung tâm Huyết học truyền máu đi vào hoạt động từ tháng 9/2010 để thực hiện chủ trương tập trung hóa ngân hàng máu của Bộ Y tế. Trong tháng 3 vừa qua, nhân Ngày thành lập Đoàn, gần 1000 cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn Thành phố Vinh cũng đã tham gia hiến máu tình nguyện.

Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta mới phát động phong trào ở một vài đợt cao điểm, ở các thành phố lớn, các trường đại học chứ chưa mở rộng đối tượng hiến máu ở khu vực nông thôn rộng lớn, các cơ quan, đơn vị. Đối tượng tích cực tham gia hiến máu chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên. Nhiều người dân, trong đó có không ít cán bộ, công chức vẫn "đứng ngoài cuộc". Công tác tuyên truyền hiến máu cũng chưa được sâu rộng khiến nhiều người chưa biết việc hiến tặng một lượng máu trong cơ thể không ảnh hưởng đến sức khỏe, mà hơn thế còn là một cơ hội để cơ thể sản sinh ra lượng hồng cầu mới dồi dào hơn.

"Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", " Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng", " Kết nối trái tim- kết nối sự sống"... những câu khẩu hiệu ấy đã nói lên tất thảy ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến máu cứu người. Để có thể nhân lên niềm hy vọng cho sự sống, ai trong chúng ta cũng có thể hiến máu.

Đừng ngần ngại đưa cánh tay của mình, của trách nhiệm và bổn phận, để cứu người vì rất có thể ngày mai, chúng ta rất cần những cánh tay như thế.

Xin kết thúc bài viết này bằng sẻ chia của một bạn trẻ: "Trên đời này, ai cũng yêu quý những gì thuộc về mình, tất nhiên rồi. Nhiều người dám sẻ chia tiền bạc, tài sản của mình cho những người kém may mắn hơn. Nhưng chắc nhiều người không dễ dàng sẻ chia giọt máu hồng của mình cho người khác... Mình đi tham gia hiến máu vì muốn rằng những giọt máu của mình sẽ cứu được một ai đó, một em bé chăng, hay một bà mẹ? Vậy thì mình hạnh phúc quá!"


T.V

Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO