Mối tình đậm sâu giữa hai quê hương lãnh tụ

18/05/2015 10:08

(Baonghean) - Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước thuộc tất cả các châu lục, có quan hệ bình thường với tất các nước lớn. Đặc biệt, có 10 quốc gia duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, trong đó có mối quan hệ sâu đậm giữa Ulyanovsk, quê hương của V.I. Lenin với Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo tỉnh và thành phố bạn trước tượng Bác Hồ đặt tại Quảng trường  Hồ Chí Minh ở Ulyanovsk, tháng 9/2014.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo tỉnh và thành phố bạn trước tượng Bác Hồ đặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở Ulyanovsk, tháng 9/2014.

Liên bang Nga là quốc gia mà Việt Nam duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài nhất (từ năm 2001 đến nay) và cũng là quốc gia đầu tiên được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Trên thực tế, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga còn có một chặng đường lịch sử lâu đời hơn những mốc thời gian kể trên. Quan hệ hữu nghị giữa các tỉnh, các thành phố của hai nước là minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc mà người đặt nền móng đầu tiên không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là quê hương của Bác Hồ kính yêu, tỉnh Nghệ An đã và đang tích cực đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, cụ thể là với tỉnh Ulyanovsk, quê hương của lãnh tụ Lenin - như một cách để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn đến những nhà lãnh đạo lỗi lạc, đồng thời thể hiện ý thức, trách nhiệm kế thừa và phát huy nền móng ngoại giao của các thế hệ sau này.

Mối quan hệ lâu năm giữa Nghệ An - Ulyanovsk…

Trước những năm 90 của thế kỷ XX, tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk của Liên bang Nga (lúc đó là Liên bang Xô viết) đã thiết lập quan hệ hợp tác. Đây cũng chính là thời kỳ hoàng kim của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, khi mỗi năm có hàng loạt cán bộ, học sinh, sinh viên của Việt Nam sang Liên Xô học tập và đổi lại, các đoàn cán bộ, chuyên gia nước bạn cũng được cử sang hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết, xây dựng đất nước sau hai cuộc chiến. Đơn cử như ở tỉnh Nghệ An, đã có hàng nghìn cán bộ, công nhân sang làm việc trong các nhà máy ô tô Uoat, Kamas, xây dựng, giày da, liên doanh ăn uống,… Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, quan hệ hợp tác giữa 2 tỉnh tạm đình chỉ cho đến năm 2006. Nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và Hội người Việt Nam tại tỉnh Ulyanovsk, 2 tỉnh đã nối lại quan hệ hợp tác nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An. Một thoả thuận hợp tác chính thức được ký kết tại đây, mở hướng cho mối quan hệ bền chặt.

Đặc biệt, tỉnh bạn Ulyanovsk đã chủ động bày tỏ thiện chí muốn thắt chặt hơn nữa mối dây gắn bó giữa hai bên bằng việc: năm 2011, thông qua Đại sứ quán Việt Nam, tỉnh Ulyanovsk gửi thư mời Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An sang thăm, đồng thời đề nghị giới thiệu một Thành phố của Việt Nam để thiết lập quan hệ trực tiếp, hỗ trợ cho việc phát triển hợp tác của thành phố Ulyanovsk với thành phố bạn trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá và giáo dục. Năm 2012, chính thức có công văn thông báo UBND tỉnh Nghệ An thông qua việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa Thành phố Ulyanovsk và Thành phố Vinh. Như vậy, mối quan hệ giữa 2 tỉnh từ đây mở sang một trang mới, nâng tầm lên mức sâu hơn, chặt chẽ hơn.

Thành phố Ulyanovsk cách Thủ đô Moskva 705 km về phía Đông Đông Nam, là thủ phủ của tỉnh Ulyanovsk. Trước năm 1924, thành phố mang tên Simbirsk, sau này được đổi tên theo tên thật của lãnh tụ Vladimir I. Lenin. Nằm bên bờ sông Volga, thành phố này là một cảng hàng hải quan trọng và cũng là một điểm chốt trọng yếu trên mạng lưới đường sắt. Cơ cấu kinh tế dựa trên hai ngành công nghiệp chủ yếu: Nhà máy cơ khí ô tô Ulyanovsk và tổ hợp Aviastar một trong những nhà máy lớn nhất và mới nhất của công nghiệp hàng không Nga.

Trong một bức thư của bà Marina Pavlovna Bespalova - Thị trưởng Thành phố Ulyanovsk gửi đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An vào ngày 13/11/2014, người đứng đầu thành phố bạn cho biết đang cân nhắc, bàn bạc về việc đặt “Trung tâm thương mại Việt Nam” trong địa phận thành phố. Đặc biệt, có đoạn trong bức thư viết “Kính mong ngài thông báo cho chúng tôi biết phương án mong muốn để bổ nhiệm người đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thành phố Ulyanovsk, có đầy đủ thẩm quyền để hỗ trợ dự án”.

Qua đây, thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng của tỉnh bạn, thành phố bạn đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung. Hồi đáp lại Thị trưởng thành phố, đồng chí Hồ Đức Phớc trả lời: “Tỉnh Nghệ An ủy quyền cho ông Trịnh Văn Quế, Chủ tịch Hội người Việt Nam “Đoàn kết” Thành phố Ulyanovsk làm người đại diện, chịu trách nhiệm trong việc xây dựng Trung tâm thương mại” và “Đề nghị thành phố bạn giao đất cho hội tự thiết kế, xây dựng và chi trả kinh phí”. Hoạt động đó khắc sâu tình hữu nghị hợp tác giữa hai bên, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở tỉnh bạn, thắt chặt mối gắn kết giữa những người con xa xứ với quê hương, nguồn cội.

…Bắt nguồn từ một sự “tình cờ” của lịch sử?

Có lẽ chúng ta đều đặt ra câu hỏi: Vì sao lại là Ulyanovsk? Một sự trùng hợp thú vị là cả Nghệ An và Ulyanovsk đều là cái nôi sản sinh ra những lãnh tụ cách mạng kiệt xuất thế giới, có những đóng góp to lớn cho cuộc cách mạng tháng Mười Nga và tháng Tám tại Việt Nam.

Đồng chí V.I.Lenin, hay tên thật là V.I.Ulyanovsk sinh ngày 22/4/1870 tại Thành phố Simbirsk (sau đổi tên là Thành phố Ulyanovsk để tôn vinh người con anh hùng này), tỉnh Ulyanovsk. Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 tại Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An). Cả hai là những nhà tư tưởng lỗi lạc, là người nắm trong tay lá cờ tiên phong của hai cuộc cách mạng làm thay đổi diện mạo và lịch sử của hai quốc gia.

Một điểm thú vị là giữa hai nhân vật lịch sử này không thực sự có mối liên hệ, tiếp xúc trực tiếp nhưng chính sự tương đồng, giao thoa trong tư tưởng, cũng như sự kính trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Lãnh tụ Lenin đã tạo dựng nên hình ảnh song hành của hai nhà lãnh đạo, khắc sâu trong tiềm thức của các thế hệ về sau.

Bằng việc đi theo đường lối, mô hình cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Nga làm người bạn lớn nhất của nhân dân Việt Nam. Đổi lại, qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đã chứng minh được tình hữu nghị, bác ái sâu sắc giữa hai bên, mà Nga - với cương vị của người anh cả - đã luôn hỗ trợ, hậu thuẫn cho Việt Nam tiến lên trên đường xây dựng, phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói mối quan hệ Nga - Việt Nam là mối quan hệ lâu bền nhất và cũng ổn định nhất. Như lời nhận định của Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an: “Lịch sử đã chứng minh Nga là người bạn lớn, là đồng minh mà Việt Nam luôn có thể tin tưởng và phải bằng mọi cách bảo toàn mối quan hệ này”.

Tôn vinh lịch sử và trân trọng lẫn nhau, tỉnh Ulyanovsk và tỉnh Nghệ An đã thống nhất xây dựng đặt tên của hai vị lãnh tụ vĩ đại cho hai con đường ở hai nước. Đối với Nghệ An, đó là Đại lộ V.I.Lenin, khánh thành vào tháng 2 năm 2007, nối liền với con đường dẫn tới Quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm Thành phố Vinh. Còn tại Thành phố Ulyanovsk, đã hoàn thành quy hoạch xây dựng Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (hiện là bức tượng bán thân bằng đồng do tỉnh Nghệ An tặng năm 2007). Chạy dọc theo chiều dài quảng trường là Đại lộ Hồ Chí Minh có chiều dài 3 km. Theo dự kiến, quần thể công trình sẽ hoàn thành vào dịp Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/2015.

Trong chuyến thăm Nghệ An vào đầu tháng 11/2014, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun khẳng định một lần nữa những tình cảm sâu sắc mà nhân dân Nga dành cho nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ An nói riêng: “Cùng là những quốc gia trải qua nhiều thăng trầm, cùng bước chung trên một đoạn đường lịch sử, hơn ai hết, chúng ta hiểu nhau và yêu quý nhau, trân trọng và đề cao những giá trị truyền thống, lịch sử, văn hoá của nhau. Đó là nền tảng vững chãi nhất có thể cho một mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Thay mặt nhân dân Nga và nhân dân tỉnh Ulyanovsk, tôi muốn gửi đến nhân dân Nghệ An nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung những tình cảm trìu mến nhất.

Về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin kính cẩn nghiêng mình trước nhà lãnh đạo tài ba, cũng là người đã có công đặt nền móng đầu tiên cho mối tình bang giao bác ái của chúng ta”. Tấm tình cảm chân thành đó của ngài Đại sứ đã được đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An thay mặt nhân dân tỉnh nhà đón nhận. Đồng chí cũng khẳng định: “Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung hết sức trân trọng và quyết tâm giữ gìn mối quan hệ đáng quý này”. Đáng quý không chỉ bởi những hành động tốt đẹp, đầy thiện chí đến từ hai bên mà còn bắt nguồn từ một sự tình cờ của lịch sử. Sự tình cờ đã trở thành niềm tự hào và động lực đưa chúng ta đến gần nhau hơn trên con đường ngoại giao, hội nhập với bạn bè quốc tế.

Thục Anh

Các cột mốc đáng nhớ gần đây trong mối quan hệ Nghệ An - Ulyanovsk:

Năm 2006: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An thăm tỉnh bạn Ulyanovsk, ký kết Thoả thuận hợp tác.

Tháng 2/2007: Đoàn đại biểu tỉnh Ulyanovsk sang thăm Nghệ An, dự lễ khánh thành Đại lộ V.I.Lenin và phòng trưng bày Lenin - Cách mạng Tháng Mười tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tỉnh Nghệ An trao tặng bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng.

Tháng 8/2011: Tỉnh Ulyanovsk mời đoàn công tác của Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng sang tham dự Hội thảo ARKDECANT-2011 về “Kiến trúc Đại lộ Hồ Chí Minh tại Ulyanovsk”.

Năm 2012: Thông qua chủ trương thiết lập quan hệ hợp tác giữa Thành phố Ulyanovsk và Thành phố Vinh

Năm 2013: Văn phòng Trung ương Đảng gửi công văn “Đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Ulyanovsk”.

Tháng 9/2014: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An do đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc với tỉnh Ulyanovsk.

Mới nhất

x
Mối tình đậm sâu giữa hai quê hương lãnh tụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO