Mối tình ở Xốp Nậm
(Baonghean) - Ngày chúng tôi đến Trường Trung học cơ sở Tam Hợp (Tương Dương) khi trời còn dày đặc sương mù, mưa lây phây,...
(Baonghean) - Ngày chúng tôi đến Trường Trung học cơ sở Tam Hợp (Tương Dương) khi trời còn dày đặc sương mù, mưa lây phây, rét đậm. Mặc dù đóng cách thị trấn 34 km nhưng phải hơn hai giờ đồng hồ vượt dốc, băng qua những cung đường quanh co, trơn trượt chúng tôi mới lên đến nơi. Trường nằm trong một thung lũng cạnh trung tâm hành chính ủy ban nhân dân xã thuộc bản Xốp Nậm. Từ xa đã nghe lời ca, tiếng hát của thầy cô giáo và học sinh rộn ràng trong giờ giải lao. Mặc dù đều thấm mệt, nhưng khi được gặp thầy, cô giáo và các em học sinh ai cũng vui. Tại đây chúng tôi được mọi người kể về mối tình của cô giáo Nguyễn Thị Hoa và Thượng úy Nguyễn Chí Công (chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4) một chuyện tình đẹp như cổ tích.
Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Chí Công và cô giáo Nguyễn Thị Hoa.
Tình yêu đến với Thượng úy Nguyễn Chí Công cách đây gần hai năm, trong một lần anh trả phép trên chuyến xe từ TP Vinh lên đơn vị, được ngồi gần Nguyễn Thị Hoa - giáo viên Trường Trung học cơ sở Tam Hợp, vừa đi tập huấn về.
Trên quãng đường hôm đó, qua nói chuyện Công biết Hoa là giáo viên dạy Văn. Hôm ấy, Công xin phép đơn vị trả phép muộn vài tiếng để đưa Hoa về đến trường rồi quay lại. Mặc dù đã muộn, trời tối nhưng cô giáo Hoa vẫn không quên xin địa chỉ để viết thư cảm ơn anh bộ đội.
Về đơn vị được gần một tháng, Công nhận được một lá thư với nét chữ rất đẹp, mềm mại. Công đoán đây là thư của con gái, anh mở ra xem thì biết đấy là thư của cô giáo Hoa ngồi cùng xe trong dịp trả phép lần trước. Đêm ấy, anh đọc đi, đọc lại nhiều lần, thuộc từng câu, từng chữ. Sau giờ viết giáo án, Công không ngủ được, anh quyết định biên thư cho Hoa mà trong lòng hồi hộp, xao xuyến gấp lá thư để gửi đi cũng đúng giờ báo thức của đơn vị.
Không có điều kiện để gặp nhau thường xuyên, thay vào đó là những lá thư đi rồi lại về và những lần tranh thủ “ngược” ngắn ngủi cuối tuần hai người mới có dịp gặp nhau. Cuộc sống của những người lính ngày càng hiện rõ trong tâm trí của Hoa và được tái hiện trong những trang giáo án, trong những giờ lên lớp. Mỗi lần xuống thăm đơn vị, Hoa thích được cùng Công đi xem thao trường huấn luyện, hiểu thêm nhiệm vụ của bộ đội Cụ Hồ. Những tình cảm từ quen biết dần trở nên gần gũi, yêu thương từ khi nào không hay.
Ngày Hoa ra trường nhận công tác tận miền Tây Nghệ An, giáp biên giới hai nước Việt – Lào, bố mẹ phản đối kịch liệt lắm. Với tấm bằng loại giỏi, nhiều trường ở huyện Anh Sơn sẵn sàng tiếp nhận nhưng Hoa vẫn quyết tâm tình nguyện về vùng sâu, vùng xa đưa con chữ đến cho đồng bào dân tộc. Thời gian đầu, một mình thân gái “lặn lội” lên tận biên giới công tác, dù rất quyết tâm và tin tưởng vào tương lai nhưng nhiều lần Hoa cũng giao động lắm. Tuy nhiên, hàng ngày thương các em nhỏ không được đến trường học chữ, trường Xốp Nậm lại đang thiếu giáo viên nên Hoa quyết tâm ở lại.
Bà Phan Thị Ngũ, mẹ của Hoa thương con mà nhiều đêm không ngủ được. Nhưng rồi thời gian trôi đi, Hoa hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở trường, nhiều học trò của cô giáo Hoa ngoan ngoãn, học giỏi, bố mẹ lúc ấy mới yên tâm.
Bố của Công từng là bộ đội tình nguyện ở Cămpuchia anh dũng hy sinh trong một lần đánh trả quân Pôn Pốt, lúc ấy Công vừa lên 2 tuổi, chưa nhớ rõ mặt bố. Một mình mẹ tần tảo nuôi 5 chị em khôn lớn trưởng thành. Nay các anh chị đã lập gia đình và ra ở riêng nên trong tâm nguyện của bà muốn Công cưới một người vợ ở quê để có người gần gũi lúc tuổi già. Bởi vậy, ngày Công đưa Hoa về giới thiệu, ban đầu trong lòng mẹ anh buồn lắm, vì không được như bà mong đợi. Sợ Công lấy vợ rồi ít có thời gian về thăm mẹ. Tuy nhiên, từ ngày yêu Hoa, mỗi lần được nghỉ phép cả hai đều tranh thủ về thăm, động viên làm cho bà dần quên đi suy nghĩ ban đầu.
Và đám cưới của Công và cô giáo Hoa được tổ chức tại đơn vị, mọi công việc từ trang trí, mâm cỗ… được cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đảm nhận. Dù đơn giản nhưng ấm áp tình quân dân.
Bài, ảnh: Lê Tường Hiếu – Hồng Sáng (HT: 5NK 3129 - Anh Sơn)