Mối tình vương miền Tây Bắc

06/05/2013 11:04

Đã qua độ tuổi bát tuần, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Đức Lộc (sinh năm 1929) và bà Trần Thị Ảnh (sinh năm 1931) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày gian khổ và niềm vui gặp gỡ trên chiến trường Tây Bắc 59 năm về trước. Tình yêu của họ nảy nở trên quê hương Yên Dũng (nay là phường Hưng Dũng- TP.Vinh), rồi theo bước chân mỗi người đi qua chiến dịch Điện Biên và những tháng năm đánh Mỹ để có được ngày vui hòa bình…

(Baonghean) - Đã qua độ tuổi bát tuần, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Đức Lộc (sinh năm 1929) và bà Trần Thị Ảnh (sinh năm 1931) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày gian khổ và niềm vui gặp gỡ trên chiến trường Tây Bắc 59 năm về trước. Tình yêu của họ nảy nở trên quê hương Yên Dũng (nay là phường Hưng Dũng- TP.Vinh), rồi theo bước chân mỗi người đi qua chiến dịch Điện Biên và những tháng năm đánh Mỹ để có được ngày vui hòa bình…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở khối Đông Lâm (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh), ông Lộc, bà Ảnh như trẻ lại. Nhắc chuyện ngày xưa, khuôn mặt ông trở nên rạng rỡ. Ông Lộc vào chuyện hào hứng: “Tôi và nhà tôi trước ở cùng xóm, cùng sinh hoạt Đội Thiếu niên, rồi Đoàn Thanh niên. Vì thế, giữa chúng tôi sớm nảy sinh tình cảm, lại được hai bên gia đình và bạn bè vun vén nên ngày càng quyến luyến. Năm 1952, tôi nhập ngũ, buổi tiễn đưa có rất đông thanh niên nam nữ trong làng. Bà ấy thẹn thùng dúi vào tay tôi mấy tờ tiền và khẽ dặn: “Anh đi mạnh khỏe, nhớ gửi thư về!”. Đối với tôi, lời dặn dò của bà ấy đã trở thành lời hẹn ước”.



Vợ chồng ông Lộc, bà Ảnh.

...Một hôm, vào khoảng tháng 4/1953, đơn vị ông Nguyễn Đức Lộc trên đường hành quân, nghỉ lại ở Mộc Châu. Tại đây, có một Đại đội TNXP và một đơn vị công binh của Đại đoàn 351 đang mở đường để phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Dù vất vả, mệt nhọc nhưng các chiến sỹ rất vui, ai nấy đều tranh thủ đi tìm đồng hương để hỏi thăm tình hình quê nhà. Ông Lộc bước vào lán các nữ TNXP và cất tiếng hỏi: “Ở đây, có ai người Nghệ không?”. Chị em đáp lại: “Có chứ, nhiều vô kể”. Nhận ra giọng nói, đồng hương, mọi người vui mừng khôn tả.

Ông Lộc đưa mắt nhìn khắp lán và bất chợt gặp ánh mắt và khuôn mặt của người yêu. Niềm vui đến quá bất ngờ, hai người vẫn cố gắng kìm nén nỗi xúc động, vui sướng. Chuyện trò một lúc, ông mới biết được sau khi mình lên đường mấy tháng, nhân có đợt tuyển TNXP đi phục vụ chiến trường, bà Ảnh liền xung phong gia nhập với mong muốn góp sức mình đánh giặc. Và thêm một động lực nữa, đó là niềm mong ước được gặp người mình yêu thương nơi chiến trường. Vậy là Trần Thị Ảnh trở thành Trung đội trưởng thuộc Đại đội TNXP Cù Chính Lan (một trong những đơn vị TNXP đầu tiên của tỉnh Nghệ An). Niềm mong ước được gặp người yêu càng trở nên mãnh liệt khi bà Ảnh hay tin đơn vị sẽ hành quân lên Tây Bắc làm nhiệm vụ phá núi, mở đường phục vụ chiến dịch. Và niềm mong ước, hy vọng ấy đã trở thành sự thật...

Phút gặp gỡ mừng mừng tủi tủi. Người nữ TNXP kể hết chuyện ở nhà rồi đến chuyện công tác trên mặt trận. Người lính trẻ chỉ biết lắng nghe chứ không nói được gì nhiều. Nhìn xuống đôi chân người yêu thấy đi chân đất, nữ TNXP Trần Thị Ảnh liền hỏi: “Răng anh lại đi chân đất?”. Người lính đáp: “Lội suối ban đêm, nước cuốn mất dép rồi!”. Người con gái liền cởi chiếc dép cao su làm từ lốp xe đạp thồ trao cho người yêu: “Anh đi tạm đôi dép của em. Hành quân xa, chân đất đi răng được. Bạn em có người mang theo 2 đôi, em sẽ mượn, anh đừng lo...”. Và với người lính trận, đôi dép ấy đã trở thành kỷ vật, một vật “bất ly thân” trên những chặng đường hành quân. Sau cuộc gặp gỡ, mỗi người lại theo một ngả, đơn vị ông hành quân về phía biên giới Việt - Lào mở đường cho đại quân của ta tiến sang giải phóng Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, còn đơn vị của bà tiếp tục xuôi theo hướng Mộc Châu. Mỗi người một nơi nhưng thỉnh thoảng vẫn “bắt” được tin nhau, động viên nhau.

Hoàn thành nhiệm vụ trên đất bạn Lào, đơn vị công binh của Nguyễn Đức Lộc trở về bám trụ ở bến phà Tạ Khoa, trên sông Đà. Đây là một địa điểm quan trọng trên đường tiến về giải phóng Điện Biên, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt hòng cắt đứt đường hành quân và tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến của ta. Tiểu đội của ông được giao lập đài quan sát theo dõi hoạt động của địch và rà phá các loại bom mìn do chúng ném xuống sông Đà.

Lúc này, ông hay tin Trung đội TNXP của bà vẫn đang hoạt động ở Mộc Châu và lập được nhiều thành tích, riêng Trung đội trưởng Trần Thị Ảnh vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Bằng khen. Và bộ đội công binh, TNXP đang ra sức thi đua đảm bảo giao thông cho một chiến dịch quan trọng, mang tính quyết định là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thi đua với người yêu, người lính công binh Nguyễn Đức Lộc luôn xung phong vào những nơi khó khăn, gian khổ nhất để đoàn quân ta tiến bước được an toàn, thông suốt, góp phần làm nên một chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kết thúc chiến dịch, Binh chủng Công binh được Bác Hồ tuyên dương, tặng cờ thêu 4 chữ vàng: “Mở đường thắng lợi”. Ông Lộc rất đỗi vui mừng vì đã góp phần làm nên thành tích ấy để có dịp “khoe” với người yêu.

Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc, người lính công binh được nghỉ phép để về quê tính chuyện hạnh phúc gia đình. Đám cưới của hai người tuy đơn sơ nhưng rất đỗi hạnh phúc. Cưới vợ xong, ông Nguyễn Đức Lộc lại tiếp tục trở về đơn vị đang đóng quân ở Bắc Ninh. Sau đó, ông được cử sang Liên Xô học chuyên ngành Bảo vệ an ninh. Về nước, được phân công về phòng Bảo vệ Quân khu 4 và đến năm 1968 ông có tên trong danh sách đội quân chi viện cho chiến trường Quảng Trị.

Tại vùng “đất lửa” này, người chiến sỹ Điện Biên năm xưa một lần nữa lại trực tiếp đối mặt với quân thù và chiến đấu gan dạ, dũng cảm, được trao tặng danh hiệu “Dũng sỹ quyết thắng”. Năm 1971, ông bị thương phải ra điều trị ở Bệnh viện Quân khu 4, rồi chuyển công tác về Cục Chính trị, Cục Hậu cần và Cục Kinh tế Quân khu. Đến năm 1978, sau gần 30 năm sống cuộc đời quân ngũ, ông được nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, chính thức trở về với gia đình.

Sau khi cưới, bà Trần Thị Ảnh ở nhà tích cực tham gia công tác xã hội, được giao phụ trách Hội Phụ nữ 3 xã gồm Hưng Hòa, Hưng Lộc và Hưng Dũng. Bà Ảnh lúc bấy giờ được phân công làm Trung đội trưởng Đội đắp đê Hưng Hòa (1955). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà tích cực tham gia tiếp ứng, giúp đỡ các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thị xã Vinh, cáng thương binh về các bệnh viện để cứu chữa. Để nuôi con nhỏ, bà phải tranh thủ cày ruộng, nuôi lợn gà, cắt cỏ bán để kiếm tiền mua gạo. Vì thế, trong 10 năm liền, bà luôn được bình bầu danh hiệu “Phụ nữ đảm đang”.

Giờ đây, những gian nan, vất vả và sóng gió của cuộc đời đã đi qua, ông Lộc bà Ảnh đang sống những năm tháng tuổi già vui vẻ, đầm ấm trên mảnh đất quê hương. Niềm vui lớn nhất của ông bà là 4 người con đều trưởng thành và sống có ích cho xã hội, có người đã về hưu với quân hàm đại tá, có người đang giữ chức vụ phó giám đốc một công ty. Các cháu nội, ngoại nhiều người đã vào đại học và nhận công tác, luôn hướng về truyền thống gia đình, quê hương để làm “điểm tựa”. Những ngày này, ông bà thường kể về những câu chuyện ngày xưa ở chiến trường Tây Bắc - Điện Biên, dù đã lùi xa 59 năm, mà vẫn vẹn nguyên trong ký ức!


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mối tình vương miền Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO