Môn ngoại ngữ: Miễn thi tốt nghiệp nhưng không xét thẳng vào đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc cách cho thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện theo danh sách cụ thể mà Bộ công bố sẽ không phải dự thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Giờ học môn ngoại ngữ của thầy và trò trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Vietnam+ |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo khảo sát sơ bộ của phóng viên Vietnam+, lãnh đạo các trường đều cho biết việc Bộ xét miễn thi tốt nghiệp cho các em là hợp lý nhưng trường sẽ không thể xét đặc cách cho thí sinh. Điều này đồng nghĩa với việc dù được miễn thi nhưng những thí sinh có chứng chỉ đạt yêu cầu của Bộ nếu muốn tham gia xét tuyển vào các trường đại học sẽ vẫn phải dự thi như bình thường.
Miễn thi tốt nghiệp là hợp lý
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh cho biết: “Trường hoàn toàn ủng hộ quy định mới này của Bộ. Các em học sinh đạt trình độ ngoại ngữ đó là rất đáng khích lệ. Tôi nghĩ miễn thi tốt nghiệp cho các em là hợp lý.”
Vị Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội cũng bày tỏ sự đánh giá rất cao đối với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. “Tôi cho rằng đây là những học sinh rất năng động. Rõ ràng việc học này là tự thân các em, không có trường nào ép buộc. Bản thân các em đã rất nỗ lực và gia đình cũng phải đầu tư hàng triệu đồng để các em học và thi đạt trình độ cao hơn yêu cầu của trường. Vì thế, miễn thi cũng là cách ghi nhận những nỗ lực của các em, vừa để khuyến khích sự năng động trong học sinh,” ông Hạnh nói.
Cùng quan điểm này, Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng việc áp dụng chính sách cho miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia khi thí sinh đã có các chứng chỉ ngoại ngữ ở trình độ tương ứng là một chủ trương phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của một số học sinh đam mê, yêu thích các môn ngoại ngữ và đã có những chuẩn bị nhất định từ trước.
Cũng theo ông Tuấn, việc xét miễn thi có thể không chỉ dừng lại ở các chứng chỉ do các tổ chức quốc tế cấp mà còn có thể mở rộng sang những đơn vị khảo thí ở Việt Nam. “Khi chúng ta đã xây dựng được các Trung tâm Khảo thí quốc gia có khả năng tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ ngoại ngữ thì cần công nhận cả chứng chỉ do các Trung tâm này cấp,” ông Tuấn nói.
Thí sinh làm bài thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Ảnh: TTXVN |
Nhưng không áp dụng với tuyển sinh đại học
Tuy đồng tình với việc áp dụng xét tốt nghiệp nhưng lãnh đạo các trường đại học cũng cho rằng, nếu dùng các chứng chỉ này để xét vào các trường đại học lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Theo Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh, Đại học Hà Nội chưa bàn đến vấn đề này, nhưng về nguyên tắc, các em vẫn phải thi. Mặc khác, để áp dụng xét tuyển vào trường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Phân tích cụ thể hơn, ông Hạnh cho rằng riêng việc quy đổi các loại chứng chỉ này ra điểm số bao nhiêu đã không đơn giản, chẳng hạn sẽ định lượng chứng chỉ thế nào? Chứng chỉ của đơn vị này cấp bao nhiêu điểm, đơn vị kia bao nhiêu? Mỗi loại chứng chỉ lại có nhiều khung điểm khác nhau, vậy các mức điểm tương ứng khác nhau thế nào? Căn cứ nào để định điểm cho các chứng chỉ?
Cũng theo ông Hạnh, việc này còn liên quan đến một vấn đề rất quan trọng là sự công bằng trong tuyển sinh. Các thí sinh khác sẽ có ba cột điểm cho ba môn, nhưng những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ chỉ có hai cột điểm.
“Tính điểm môn ngoại ngữ này của các em thế nào để công bằng với các thí sinh bình thường khác, nhất là khi môn ngoại ngữ ở Đại học Hà Nội lại nhân hệ số hai, có tính quyết định rất lớn. Chúng tôi không biết ứng xử thế nào để đảm bảo công bằng cho các em nên Đại học Hà Nội sẽ vẫn xét tuyển trên điểm thi,” ông Hạnh chia sẻ.
Đây cũng là băn khoăn của Đại học Ngoại thương. Theo Trưởng phòng Đào tạo Lê Thị Thu Thủy, trong kỳ thi đại học, chỉ cần chênh nhau 0,25 điểm đã quyết định đến sự đỗ, trượt của các em. Vì thế, việc quy đổi điểm thế nào là điều không đơn giản.
“Đại học Ngoại thương chỉ xét tuyển trên điểm của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì,” bà Thủy nói.
Nhìn ở một góc độ khác, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc chỉ xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự công bằng tuyệt đối cho các thí sinh khi các em cùng thi một đề vào một thời điểm. Nếu những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt yêu cầu của Bộ thì các em cũng có thể khẳng định năng lực thông qua bài thi này.
Không xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương hay Đại học Bách khoa nhưng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định không dùng các chứng chỉ để xét tuyển vào trường.
“Đối với trường Đại học Ngoại ngữ, bên cạnh bài thi đánh giá năng lực chung của Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả bài thi môn ngoại ngữ do trường tổ chức, không xét đến các chứng chỉ ngoại ngữ,” Phó hiệu trưởng Đỗ Minh Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, sau khi đã trúng tuyển vào trường, các sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ của các tổ chức khảo thí nằm trong danh sách được công nhận sẽ được xem xét miễn học một số học phần thực hành tiếng nhất định. Việc này đã áp dụng từ lâu ở trường và nhờ đó nhiều sinh viên đã có khả năng tốt nghiệp đại học sớm chỉ sau khoảng ba năm học.
Theo Vietnam+