Món tiền thưởng 900 USD và vấn đề trách nhiệm với người lao động
(Baonghean) - Đây là câu chuyện liên quan đến lá đơn của ông Nguyễn Văn Ơn, trú tại xóm 6, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc gửi Báo Nghệ An về việc con ông - anh Nguyễn Thanh Chương, thuyền viên xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc - bị dây dưa món tiền thưởng trị giá 900 USD...
Đơn của ông Nguyễn Văn Ơn như sau: "... Tôi có con trai là Nguyễn Thanh Chương trong nhiều năm là thuyền viên xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trực thuộc sự quản lý của Xí nghiệp Dịch vụ lao động Sông Lam II do bà Trần Thị Lai - Phó Tổng Giám đốc phụ trách, số điện thoại: 3829158. Chuyến sau cùng con tôi xuống tàu năm 2009, thời gian ký hợp đồng là 24 tháng. Trong thời gian làm việc ngoài nước, con tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với đối tác. Được tín nhiệm và yêu cầu của chủ tàu, con tôi đã ở lại làm việc thêm 6 tháng nữa. Trong thời gian làm việc ngoài hợp đồng, con tôi được đối tác bồi thường một số tiền là 900 USD có chữ ký của chủ tàu để về xí nghiệp thanh toán. Cuối năm 2011, con tôi về nước và nộp giấy tờ cho xí nghiệp để thanh toán nhưng cho đến nay xí nghiệp vẫn dây dưa không thanh toán số tiền nói trên”. Kèm theo lá đơn, ông Nguyễn Văn Ơn gửi Báo Nghệ An bản Fax bằng tiếng Anh mà theo ông, giấy tờ của nơi Nguyễn Thanh Chương lao động chứng thực về món tiền thưởng.
Để làm rõ thêm một số tình tiết, chúng tôi đã liên lạc và gặp gỡ với Nguyễn Thanh Chương và được Chương khẳng định nhiều thông tin trong đơn của ông Nguyễn Văn Ơn là đúng sự thật.
Số giấy tờ chủ hãng tàu biển nước ngoài xác nhận về khoản tiền thưởng đã được dịch thuật của Chương.
Ngày 11/4/2013, liên lạc với bà Trần Thị Lai - Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ Sông Lam (trụ sở đóng tại P.Nghi Hòa - Thị xã Cửa Lò), chúng tôi được giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Hồng, cán bộ phụ trách thuyền viên xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc để nắm thông tin. Theo bà Hồng, Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ Sông Lam là trung gian, tìm thuyền viên xuất khẩu lao động cho Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ Inmasco (trụ sở tại số 33, Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội). Bà Hồng xác nhận, vì tín nhiệm nên hãng tàu Hàn Quốc đã gia hạn làm việc đối với Nguyễn Thanh Chương thêm 6 tháng và các khoản lương sau đó đã được xí nghiệp thanh toán đầy đủ, còn tiền thưởng, Chương đến xí nghiệp gửi một số giấy tờ tiếng Anh nói đó là xác nhận về tiền thưởng để hỏi lấy nhưng chúng tôi không thấy tiền chuyển về.
Theo bà Hồng: Có nhiều lao động được chủ thưởng và các khoản lương, thưởng được bên phía nước ngoài chuyển về công ty ở Hà Nội, sau đó chuyển về tài khoản của xí nghiệp và xí nghiệp thông báo để gia đình có lao động xuất khẩu đến nhận. Có lao động được thưởng hàng ngàn USD... Chúng tôi cũng nhiều lần liên hệ nhưng công ty cho biết tiền thưởng chưa thấy chuyển về. Hãng tàu đó bây giờ cũng không ký hợp đồng với công ty nữa...
Trước sự chứng kiến của chúng tôi, bà Hồng đã nối máy ra Hà Nội gặp kế toán phụ trách thanh toán cho thuyền viên của Công ty Inmasco có tên là Liên để hỏi về khoản tiền thưởng của Nguyễn Thanh Chương. Sau khi trao đổi, bà Hồng nói: "Cô Liên cho biết đã liên lạc với đại lý ở Hàn Quốc để hỏi nhưng chưa được. Cô Liên đang hỏi xếp (lãnh đạo Inmasco) nên xử lý việc của Chương ra sao, có nên hỗ trợ hay không". Đồng thời, bà Hồng hứa: Chúng tôi sẽ tiếp tục hỏi cho em Chương. Đây là sự cố chứ chưa có chuyện tiền đã chuyển về cho xí nghiệp...
Chúng tôi đã dịch thuật số giấy tờ tiếng Anh mà Chương đã đưa. Theo văn bản "Thay đổi tình trạng hợp đồng của lao động" tàu Fri ODIN, Nguyễn Thanh Chương, ngày sinh 17/5/1979 tại tỉnh Nghệ An, hộ chiếu số B0366475; vị trí làm việc: thủy thủ làm việc trên boong tàu; mức lương 450 USD; hàng trình 2 - Châu Phi - 2011; có hiệu lực ngay tức thì được thay đổi sang: Vị trí mới: vị trí như cũ; Mức lương mới: Mức lương như cũ. Nhận xét: Gia hạn hợp đồng lao động 6 tháng. Hoàn thành 6 tháng này được nhận thêm 2 tháng lương theo Pe Pevik thưởng 900 USD. Giám sát viên: đã ký.
Từ những thông tin có được, có thể khẳng định, việc Nguyễn Thanh Chương được thưởng thêm 2 tháng lương (900 USD) là có thật. Bởi 6 tháng tiền lương làm thêm của Chương đã được đối tác nước ngoài chuyển về nên xác minh món tiền thưởng có được cùng chuyển về Công ty Inmasco hay chưa không khó. Và, đây là trách nhiệm với người lao động mà Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ Sông Lam cần phải sớm thực hiện.
Bài, ảnh: Nhật Lân