Món xoạc - 'đặc sản' sân cỏ xứ Nghệ

An Thanh 19/05/2016 09:35

Đi tìm nguồn gốc

Tất cả cầu thủ lò SLNA đều thành thạo món này, bất luật đá ở vị trí nào, thậm chí thủ môn cũng xoạc rất tốt khi cần. Điểm khác của quả xoạc lò SLNA là cầu thủ có thể đứng dậy ngay để tiếp tục tranh cướp bóng, một kỹ thuật không hề dễ chút nào. Trước đây, các trung vệ Tỉnh đội Nghệ An thường sử dụng “món duỗi” là biến thể của quả đá mu chính diện, khi phá các tình huống bóng bổng các cầu thủ như Đình Đài, Hải “vẩu”, Hà Thình tiện đà duỗi thẳng chân vào đối phương.

Mon xoac - 'dac san' san co xu Nghe-hinh-anh-1
Những pha xoạc bóng đã trở thành thương hiệu của các cầu thủ trưởng thành từ lò SLNA.

Về sau, món này thường bị các trọng tài thổi phạt lỗi cao chân nên đến thời Thành Long, Văn Lưu và Hữu Thắng mới tập món xoạc sở trường, hạ thấp độ cao tranh cướp bóng. Thời kỳ đầu, khán giả bóng đá Việt Nam khá dị ứng với các cú bay cả 2 chân ập vào đối phương của hậu vệ SLNA, đỉnh điểm la chiến thẻ đỏ của hậu vệ Tuấn “Thảo” (nay là HLV phó SLNA) vào cầu thủ Hải quan trên sân Thống Nhất trong một khuôn khổ Cúp quốc gia. Khi còn thi đấu trung vệ thòng Văn Lưu, tiền vệ Phi Hùng, Văn Tiến, Duy Ghi, hay Anh Tuấn, Đức Lam cũng hay sử dụng “món tủ” này, SLNA cũng trở thành thương hiệu “chém đinh, chặt sắt” vào thời này.

Hữu Thắng, hồi đó thường đá trung vệ dập được coi là người sáng tạo ra quả xoạc “Made in SLNA” mà các hậu vệ xứ Nghệ hiện hay dùng. Các hậu vệ SLNA thường cho 1 chân đi trước, cài vào khớp cạnh mắt cá trong, chân sau ngoài việc việc tiếp cận trái bóng sẽ tìm cách chạm vào gót chân đối phương. Nhìn qua thì tưởng chừng như vô hại và đúng luật (nếu trúng bóng) vì hai chân sát cỏ nhưng nếu đối phương không nhanh chân nhảy lên thì dễ bị lật bàn chân và đi cà nhắc vài tuần là cái chắc.

Nó từa tựa một miếng đánh môn võ Nhất Nam của võ sư Ngô Xuân Bính thịnh hành ở Vinh giai đoạn đó. Khi còn thi đấu, tuyển thủ Hồng Sơn một cầu thủ có kỹ thuật cá nhân vào loại bậc nhất Việt Nam khi đến sân Vinh vẫn ngán các hậu vệ SLNA là vì thế. Nhất là, các hậu vệ SLNA lại thi đấu theo kiểu “trượt cỏ”, người trước lao vào hụt là người sau tiếp tục, có lần Hồng Sơn sau khi nhảy tránh 3 cú soạc kiểu đó, thì đến gặp Văn Lưu thì không còn sức nữa.

Đặc điểm cơ bản nhất của cú xoặc này là không bung hết lực (giống nguyên tắc cơ bản của võ cổ truyền) nên các cầu thủ xứ Nghệ sau khi sử dụng đều có thể đứng dậy đuổi bóng được ngay. Hữu Thắng là người đưa thương hiệu cú xoạc này ra đấu trường Đông Nam Á và Kiatisak chính là cầu thủ thường xuyên phải bật cao né hậu vệ thép này. Hữu Thắng thuận chân trái nên anh thường đưa chân phải cài trước, Kiatisak sau khi phải bật cao né tránh thì rơi xuống cũng không còn khống chế được bóng.

Nâng tầm

Khi ngồi nói chuyện đời, chuyện nghề với các cựu cầu thủ SLNA xung quanh những nét đặc trưng của lối đá lò xứ Nghệ, nói đến quả xoạc “Made in SLNA” thì ai cũng công nhận nó gắn liền với người đội trưởng mang áo số 4. Thực tình thì hồi đó, ngoài SLNA các trung vệ dập như Hồng Hải (Lâm Đồng), Thiện Quang (CATPHCM) cũng áp dụng quả xoạc này nhưng ở cấp độ thấp hơn. Chuyên kể, ở Tiger Cup 1996 trong trận ĐTVN gặp Lào trung vệ số 4 này đã bất cẩn quăng người xoạc cầu thủ đội Lào từ giữa sân, bị thẻ đỏ khiến cho đội tuyển Việt Nam đã bị dẫn trước 1-0 lại phải thi đấu thiếu người, rất may sau đó ĐTVN đã gỡ hòa 1-1 nhờ công của Huỳnh Đức.

Mon xoac - 'dac san' san co xu Nghe-hinh-anh-2
Những cầu thủ nhí của SLNA đang được thừa hưởng và từng bước nâng tầm món xoạc truyền thống của SLNA.

Sau trận, Hữu Thắng và ba cầu thủ khác trong đội hình chính đã bị ông HLV người Đức Weigang chỉ mặt bảo: “Các anh bán trận này bao nhiêu tiền?”. Nếu không có sự can thiệp của cố trưởng đoàn Tô Hiền thì anh đã bị đuổi về nước. Sau cùng, Hữu Thắng đã được cho ở lại để đoái công chuộc tội, vào bán kết Việt Nam đá với Thái Lan, hậu vệ biên trái Tuấn “Huế” liên tục bị Kiatisak qua mặt, đội tuyển Việt Nam vỡ trận trong 24 phút đầu tiên thua liền 3 trái do công của Kiatisak, Srithong-in (2 bàn).

Hữu Thắng được Weigang đưa vào sân đá hậu vệ trái, anh đã bịt được lỗ hổng này và rốt cuộc Việt Nam vẫn thua với tỷ số 2-4 (Hoàng Bửu và Hồng Sơn ghi bàn). Nhưng những có xoạc đẳng cấp và lối đá lì lợm của Hữu Thắng được khán giả Đông Nam Á chính thức ghi nhận trên sân Sân vận động Quốc gia Singapore.

Sau Hữu Thắng, thì Huy Hoàng, Quốc Vượng và giờ đây là Minh Đức, Ngọc Hải đang là những “truyền nhân” góp phần nâng tầm quả xoạc “Made in SLNA” lên một tầm cao mới. Hậu vệ SLNA xoạc không chỉ phá bóng mà còn giữa bóng lại trong chân, không phải xoạc khi bất lợi trong tranh chấp mà chủ động thực hiện.

Nick name Catcosan Vinh, một người theo dõi bóng đá xứ Nghệ khá lâu cho rằng “Người xứ Nghệ xem SLNA đá trên sân mà không thấy quả xoạc, chả khác gì mâm cơm ngày thường thiếu đi quả cà”. Thế nhưng, cũng vì món xoạc này mà nhiều lần cầu thủ xứ Nghệ, cầu thủ xuất thân từ lò SLNA mang vạ vào thân vì khiến nhiều cầu thủ bị chấn thương, bị cổ động viên lên án.

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Món xoạc - 'đặc sản' sân cỏ xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO