Một bài thơ xúc động về Đại Tướng
(Baonghean) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ. Hàng triệu người khóc tiếc thương ông, nhiều gia đình lập bàn thờ ông tại nhà, nhiều nghệ sỹ đã tiễn đưa ông bằng những nốt nhạc và giai điệu bi tráng hay những vần thơ tràn nước mắt.
Một bài thơ như thế, được viết trong nước mắt, trong nỗi ngậm ngùi, là bài “Tiếc thương Ông, Đất nước ngửng cao đầu”, của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Ngay sau khi ra đời vào đúng lễ tang Đại tướng, bài thơ được nghệ sỹ Trần Quang Khải cùng các nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện dưới dạng thơ ngâm, thu âm lại và lập tức được các cư dân mạng tìm đến để chia sẻ như một tác phẩm đầy tình cảm lưu luyến với những người đã khuất…
Mở đầu, tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết về xúc cảm của muôn triệu người dân Việt Nam trước sự ra đi của Đại tướng. “Muôn triệu trái tim cùng tiếng nấc”, bởi trong nỗi đau này, nhịp đập của hàng triệu trái tim, nước mắt của hàng triệu con người hòa vào làm một. Như những làn sóng tạo thành dòng sông, như những nốt nhạc hòa thành bản nhạc, như những ngọn gió đan quyện vào nhau trong một buổi hoàng hôn lồng lộng… Hàng triệu người, từ những “mái đầu bạc” cho đến những “mắt xanh ngơ ngác”, đều chung một nỗi niềm tiếc thương. Bởi ông là vị Đại tướng của nhân dân, cả cuộc đời ông đã cống hiến từng ngày, từng giờ cho nhân dân.
“Phút xa ông, thành kính cúi đầu”. Dường như có một khoảng lặng sau câu thơ ấy. Khoảng lặng dành để thành kính vĩnh biệt con người với bao chiến tích vĩ đại kia, khoảng lặng dành cho nước mắt, cho những điều không nói được nên lời. Để rồi, sau sự im ắng trang nghiêm ấy, ký ức ào ạt dội về như một thước phim minh chứng cho cuộc đời đầy kiêu hãnh của người con Quảng Bình. Đó là ký ức hào hùng của dân tộc, từ thời Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, cho đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và Hồ Chí Minh… Qua hồi ức về những trận chiến oai hùng của dân tộc cùng những vị tướng lẫy lừng trong lịch sử, Nguyễn Thế Kỷ muốn nói, chiến thắng của dân tộc Việt Nam từ những giá trị cội nguồn, đó là “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo ngược”, như “Bình Ngô đại cáo” thuở nào Nguyễn Trãi từng nhắc đến.
Tác giả dành tới 4 khổ thơ để nói về lịch sử chiến thắng ngoại xâm của dân tộc, trong đó có những chiến công vang dội do Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Có một câu thơ nghe giản dị nhưng hàm súc và mang nhiều ý nghĩa: “Thầy giáo sử thành người làm lịch sử”. Xuất thân từ một giáo viên dạy sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành người làm nên lịch sử, thay đổi lịch sử. Tác giả bài thơ quả là tài tình khi tìm ra cái ý tứ này và diễn đạt sự triết luận ấy chỉ bằng một câu thơ rất đỗi dung dị.
Hình ảnh video clip: Bài thơ trên Báo Nghệ An điện tử |
Hai khổ cuối bài thơ, viết tiếp về hiện tại, khi người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đi:
“Ơi các bác, chị, anh và các cháu
Những ngày qua được đến bên Ông
Hoặc đau đớn nén tâm hương xa ngái
Siết tay nhau cả dân tộc kết đoàn”.
Tác giả gọi tất cả mọi người một cách gần gũi bằng “bác”, “chị”, “anh”, “cháu” như thể tất thảy đều là người trong một gia đình. Sự mất mát này là mất mát chung của cả nhân dân, bởi trong bối cảnh này, nhân dân là một nhà. Có lẽ, trong nỗi nhớ ngậm ngùi thương tiếc Đại tướng, hòa mình vào dòng người đang cùng chung “tiếng nấc”, Nguyễn Thế Kỷ nhận ra một tình cảm máu thịt với mọi người xung quanh đang dâng trào trong trái tim mình. Tác giả gọi mọi người, gọi bác, gọi chị, gọi anh, gọi cháu như để sẻ chia, an ủi, tìm nơi tựa nương, tìm một cánh tay để siết chặt, để yêu thương. Và tác giả hiểu rằng, trong vòng tay ấm áp cả dân tộc đang dang rộng, từ những người được đến gần linh cữu Đại tướng cho đến những người thờ vọng ông bằng những “nén tâm hương xa ngái”, một khúc ca đang được đồng loạt hát lên, đó là khúc ca “dân tộc kết đoàn”. Nguyễn Thế Kỷ hiểu rằng, vào giây phút này, chính sự đau buồn, thương tiếc đã kết nối những trái tim, biến nó thành ngọn lửa của đoàn kết và nhiệt huyết. Bởi thế, ông viết:
“Phút giây này, mỗi người thành ngọn lửa
Cháy sáng hơn Độc lập, Tự do
Cháy sáng hơn Dân giàu, Nước mạnh”
Nỗi buồn không phải chỉ là một thứ tình cảm bi lụy. Nó sẽ trở thành sức mạnh không gì quật ngã nếu chạm được đến lòng nhiệt huyết, tình cảm nhân văn của con người. “Ngọn lửa” Nguyễn Thế Kỷ muốn nói đến chính là sức mạnh ấy. Đó là ngọn lửa được hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ngọn lửa có sẵn trong trái tim mỗi người, đang chờ cơ hội để cháy sáng. “Phút giây này”, khi trái tim con người đang tràn ngập những tình cảm thiêng liêng, ngọn lửa ấy bùng cháy, tất cả hòa thành một ngọn lửa lớn mang tên Độc lập, Tự do, Dân giàu, Nước mạnh. Bởi trong nỗi tiếc thương, con người đã tìm đến nhau và cùng nhau chia sẻ một tình cảm cao quý hơn sự đau buồn: “Tiếc thương Ông, đất nước ngửng cao đầu!”. Đó là một xúc cảm rất mạnh mẽ mà người ta khó diễn tả được bằng một từ. Với Nguyễn Thế Kỷ, chỉ có thể dùng cụm từ “đất nước ngửng cao đầu” để nói về nó, mà nếu diễn giải ra thì người ta hiểu đó là xúc động, đoàn kết, tiến bước, chiến thắng, mạnh mẽ, tự hào, kiêu hãnh…
Bài thơ kết thúc, vẫn để lại trong lòng bạn đọc dư âm của một chuỗi xúc cảm cộng hưởng và liên hoàn ấy!
Phạm Thái Ba