Một cách giúp đỡ xã nghèo thiết thực và hiệu quả

06/02/2013 16:57

Thực hiện chủ trương mỗi cơ quan, đơn vị giúp đỡ một xã nghèo của UBND tỉnh, đến nay hầu hết các cơ quan, , ngành cấp tỉnh đã tiếp cận và nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện miền núi - vùng cao. Tùy vào tính chất đặc thù công việc, mỗi cơ quan, ban, ngành có biện pháp giúp đỡ khác nhau. Từ 3 năm nay, Báo Nghệ An đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ xã Xiêng My trong công tác xóa đói, giảm nghèo và được cán bộ và nhân dân địa phương ghi nhận.

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương mỗi cơ quan, đơn vị giúp đỡ một xã nghèo của UBND tỉnh, đến nay hầu hết các cơ quan, , ngành cấp tỉnh đã tiếp cận và nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện miền núi - vùng cao. Tùy vào tính chất đặc thù công việc, mỗi cơ quan, ban, ngành có biện pháp giúp đỡ khác nhau. Từ 3 năm nay, Báo Nghệ An đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ xã Xiêng My trong công tác xóa đói, giảm nghèo và được cán bộ và nhân dân địa phương ghi nhận.

Với đặc thù là một cơ quan tuyên truyền, ngoài việc thăm hỏi và tặng quà theo định kỳ, Báo Nghệ An còn có một cách làm thực sự thiết thực và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Từ khi nhận giúp đỡ xã Xiêng My, lãnh đạo Báo Nghệ An đã nhiều lần lên tận các bản làng để nắm tình hình đời sống kinh tế- xã hội của địa phương để biết bà con đang thiếu những gì và vấn đề nào cấp thiết nhất cần được giải quyết. Từ đó bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo địa phương để xây dựng kế hoạch giúp đỡ lâu dài với một lộ trình và những bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện của cơ quan và của cả địa phương.

Trên cơ sở đó, Báo Nghệ An quyết định trước mắt hỗ trợ nuôi bò sinh sản theo hình thức luân phiên. Nghĩa là mua một số bò cái sinh sản chia nhau nuôi, để sau mỗi lần bò sinh bê con thì chuyển cho gia đình khác. Số bò này được cán bộ địa phương chọn lựa kỹ càng ở vùng bản địa. Bởi lẽ, nếu hỗ trợ giống bò lai sind hoặc giống bò ở vùng xuôi sẽ khó thích nghi với điều kiện khí hậu, địa hình và nguồn thức ăn ở vùng miền núi nên sức đề kháng yếu và khó thích nghi. Trong khi đó, giống bò bản địa do đã thích nghi với môi trường sống nên sức đề kháng tốt, thường ít mắc dịch bệnh, thuận lợi cho việc chăn nuôi.

Đợt đầu tiên, tòa soạn Báo đã huy động cán bộ, phóng viên, công nhân viên chức đóng góp theo ngày lương, mua được 4 con bò giống. Ngoài hỗ trợ bò giống, các hộ còn được nhận số tiền hỗ trợ làm chuồng trại đảm bảo bò phát triển bình thường ở mọi điều kiện thời tiết. Các hộ nhận nuôi bò có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, chu đáo, khi bò sinh sản, bê con đã cứng cáp thì bò mẹ sẽ được chuyển cho hộ gia đình nghèo khác nuôi.



Kiểm tra việc chăn nuôi bò của hộ gia đình chị Vi Thị Chói (bản Phảy, xã Xiêng My).

Trong quá trình chăm sóc, Báo Nghệ An thường xuyên liên lạc với cán bộ địa phương và chủ hộ nhận nuôi bò để nắm tình hình. Đến nay, sau khoảng 5 tháng giao bò, các hộ đã xây dựng chuồng trại, che chắn cẩn thận để tránh mua, rét mùa đông, những ngày trời lạnh, bà con còn đốt củi sưởi ấm cho bò nên bò phát triển tốt. Đồng thời, trồng thêm cỏ sữa để đảm bảo thường xuyên đủ thức ăn cho bò, đặc biệt là vào những ngày giá rét. Và một điều đáng mừng nữa là hầu hết số bò hỗ trợ đều đã có chửa, sắp đến kỳ sinh sản. Chị Vi Thị Chói (bản Phảy) cho biết: “Từ ngày nhận bò về nuôi, các thành viên trong gia đình tôi xem đó là một tài sản lớn. Chúng tôi khoanh hơn 1 sào đất hoang để trồng cỏ sữa. Những ngày giá rét vừa qua, nhờ có cỏ sữa nên chúng tôi rất yên tâm khi nuôi nhốt bò trong chuồng, không thả rông vì sợ bò mắc bệnh phát cước. Vừa rồi có dịch tụ huyết trùng, nhờ được tiêm phòng sớm nên bò nhà đã không bị mắc. Bây giờ bò đang có chửa, khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 sẽ có bê con”.

Ông Lô Xuân Tình- Chủ tịch UBND xã Xiêng My, cho biết: “Từ ngày nhận bò hỗ trợ của Báo Nghệ An, các gia đình trong xã đều có ý thức chăm sóc, bảo vệ chu đáo, cẩn thận, bò phát triển tốt. Hiện nay, nhiều hộ khác đang mong được nhận nuôi”. Còn ông Trần Đình Hưng- Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Tương Dương, khẳng định: “Có thể nói, mỗi ban, ngành cấp tỉnh có một cách giúp đỡ riêng, nhưng với cách làm của Báo Nghệ An thực sự đã có kết quả. Điều quan trọng là đã làm chuyển biến được ý thức trong việc chăn nuôi gia súc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cách làm của Báo Nghệ An được cán bộ và người dân địa phương ghi nhận ở tính thiết thực và hiệu quả”.

Ngoài ra, với chức năng và nhiệm vụ của một cơ quan tuyên truyền, Báo Nghệ An đã kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của người dân Xiêng My trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, một số vấn đề đã được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chung tay tháo gỡ như vướng mắc trong việc giải tỏa để xây dựng hệ thống đường điện quốc gia, vấn đề đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy.


Công Kiên

Một cách giúp đỡ xã nghèo thiết thực và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO