Một cái nhìn cận cảnh

23/07/2013 17:23

Cộng hòa Ai Cập: Vài nét khái quát

Ai Cập có diện tích 997.000km2 với hơn 80 chục triệu người. Hơn 90% cư dân theo đạo Hồi Sun-ni, Thiên chúa giáo La Mã khoảng 8%. Ai Cập ở phía Bắc châu Phi, hơn 90% diện tích là sa mạc. Đa số cư dân sống quanh châu thổ sông Nin. Trữ lượng dầu mỏ, khí đốt không lớn. Thu lệ phí kênh đào Xuy-ê và du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong GDP quốc gia.

Ai Cập là một trung tâm văn minh phát triển rực rỡ thời cổ đại. Từ năm 3100 đến năm 332 trước công nguyên, hàng chục triều đại

Pha-ra-ông trị vì Ai Cập và họ đã để lại cho nhân loại các công trình kiến trúc hùng vĩ nhất thế giới - các Kim tự tháp.

Nửa đầu thế kỷ thứ VII, người Ả-rập xâm lược Ai Cập và diễn ra một quá trình biến xã hội Ai Cập thành một xã hội Hồi giáo Ảrập.

Vào những năm 1250, trên mảnh đất Ai Cập ngày nay, hình thành nhà nước Hồi giáo độc lập (Ai Cập).

Từ năm 1517, Ai Cập trở thành một phần của đế quốc Ốt-tô-man của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Pháp xâm lược Ai Cập (1798 - 1801), Tổng trấn của Ốt-tô-man là Mô-ha-mét A.li (1769 - 1849) đã lập ra một triều đại hùng mạnh ở Ai Cập.

Anh đã chiếm Ai Cập từ năm 1882 và lập ra ở đây một chế độ bảo hộ từ 1914 đến 1922.

Ngày 23/7/1952, các “Sĩ quan tự do” làm đảo chính quân sự lật đổ triều đại Pha-ruc tham nhũng, mục nát.

1953 thành lập nước Cộng hòa Ai Cập, Ga-man Ap-den Na-se, lãnh tụ của phái cấp tiến, làm Tổng thống. Na-se đã triển khai chính sách đối nội, chính sách đối ngoại tích cực và làm cho Ai Cập trở thành trung tâm của phong trào dân tộc chủ nghĩa của thế giới Ả-rập ở Bắc Phi - Trung Đông.

Tổng thống thứ hai (thay Na-se) là An-ua Sa-đát. Sa-đát chủ trương hòa giải với Ixraen nhưng bị thế giới Ảrập tẩy chay. Năm 1981, Tổng thống Sa-đát bị ám sát, ông Hosni Mubarack lên thay.

Horsi Mubarack làm Tổng thống Ai Cập từ 1981 đến 11/2/2011 bị lật đổ trong “Mùa xuân Ả-rập”.

Ai Cập trong chiến lược Bắc Phi – Trung Đông của Mỹ và phương Tây

Ai Cập là quốc gia lớn và mạnh nhất trong thế giới Ả-rập Hồi giáo tại vòng cung Bắc Phi - Trung Đông. Trong Hồi giáo, dòng Hồi giáo Sun-ni chiếm gần 90%, Hồi giáo Shiite chỉ khoảng 10%. Ai Cập là quốc gia lớn nhất trong thế giới Hồi giáo Sun-ni.

Mặc dù tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, khí đốt, kim loại quý…) không lớn, không giàu có, nhưng Ai Cập có vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - kinh tế đặc biệt quan trọng ở khu Bắc Phi - Trung Đông.

Trong giai đoạn đối đầu Đông - Tây (1950 - 1991) Ai Cập là một mắt khâu quan trọng mà cả Liên Xô và Mỹ đều muốn nắm. Đã có một thời gian ngắn, Ai Cập có quan hệ khá thân thiết với Liên Xô và các nước XHCN. Sau đó, Ai Cập ngả hẳn theo Mỹ và phương Tây. Trong giai đoạn 1980 - 1989, Ai Cập đã đưa lực lượng đặc nhiệm sang Apfanixtan cộng tác với Mỹ và Taliban cùng các phần tử Hồi giáo thánh chiến chống Liên Xô.

Ba chục năm dưới triều đại H. Mubarack (1981 - 2011), Ai Cập luôn tự cho mình là một trong những ngọn cờ đầu của Phong trào không liên kết và là lãnh tụ của thế giới Ả-rập Hồi giáo. Thực chất, chính quyền H. Mubarack ngả hẳn theo Mỹ, phục vụ lợi ích của Mỹ và phương Tây tại khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt nhất thế giới.

Tại vòng cung Bắc Phi –Trung Đông, Mỹ và phương Tây đã xây dựng được nhiều quốc gia đồng minh, bạn bè như Ixraen, Tuynidi, Ai Cập, Goocdani, Ả-rập Xê-út, Cata, Baranh.., trong đó quan trọng nhất là Ixraen, thứ hai là Ai Cập. Ixraen có vai trò như một chốt chặn, một “cao điểm” để khống chế thế giới Hồi giáo, còn Ai Cập làm trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và Ixraen. Cả Ixraen và Ai Cập đều đóng vai trò là lực lượng xung kích bảo vệ lợi ích của Mỹ và phương Tây ở Bắc Phi - Trung Đông, đồng thời góp phần ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh của Mỹ tại khu vực chiến lược quan trọng này.

Từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ quân chủ thối nát của các “Sĩ quan Tự do” (1952), Quân đội luôn có vai trò có tính chi phối trên chính trường Ai Cập. Trong thời kỳ Mubarack cầm quyền (1981 - 2011), hàng năm Mỹ cấp cho Quân đội Ai Cập 1,3 - 1,5 tỷ USD. Có thể nói không quá rằng Mỹ đã chi tiền ra để nuôi Quân đội Ai Cập, đổi lại Quân đội Ai Cập luôn trung thành bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Ai Cập nói riêng, ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông nói chung. Hầu hết các tướng lĩnh, sĩ quan trung cao cấp của Quân đội Ai Cập đều được đào tạo cơ bản ở Mỹ, Anh, Pháp. Quân đội Ai Cập có 468.000 binh lính, là lực lượng mạnh nhất châu Phi và được xếp mạnh thứ 10 trên thế giới.

Hiến pháp Ai Cập quy định: Khi Tổng thống không thể nắm quyền (vì một lý do nào đó) thì có thể giao lại quyền điều hành đất nước cho Phó Tổng thống hoặc trao cho Người phát ngôn của Quốc hội.

Ngày 11/2/2011, trước khi bỏ chạy, H. Mubarack lại trao quyền cho quân đội, trực tiếp là Hội đồng Quân sự Tối cao do lão tướng Hussein Tantawi đứng đầu.

Tại sao?

Qua sự kiện này có thể hiểu được vai trò của Mỹ đối với Chính quyền Mubarack. Phải chăng việc Mubarack trao quyền cho Quân đội là theo “chỉ thị” của Oasinhtơn? Dư luận nghiêng về phía khẳng định.

Một số người cho rằng, chính quyền Mubarack sụp đổ làm Mỹ mất một đồng minh chiến lược ở Bắc Phi – Trung Đông. Có lẽ, nhận định đó không đúng. Mỹ vẫn nắm Ai Cập, sử dụng Ai Cập như một mắt xích quan trọng trong chiến lược khu vực của họ trong thời kỳ hậu Mubarack.

Tổ chức Anh em Hồi giáo giành được chính quyền rồi lại để mất chính quyền. Tại sao?

Phong trào Anh em Hồi giáo được thành lập năm 1928 bao gồm những tín đồ sùng đạo, một số có tư tưởng cực đoan muốn áp đặt luật Hồi giáo lên xã hội, họ đố kỵ, thậm chí đối lập với các tôn giáo khác.

Từ năm 1928 đến trước khi Chính quyền H. Mubarack sụp đổ (12/1/2011), suốt 84 năm, Tổ chức Anh em Hồi giáo không được chính quyền Ai Cập thừa nhận như một tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp, họ không có tư cách pháp nhân và không được tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Ông M. Morsi từng là một thành viên của “Ủy ban chống Do Thái” của Tổ chức Anh em Hồi giáo trong những năm 80 của thế kỷ XX. Tổ chức Anh em Hồi giáo nói chung, ông H. Morsi nói riêng luôn có lập trường chống Do Thái, bài Do Thái và không thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Ixraen Do Thái. Ông M.Morsi là người đi đầu phản đối việc Ai Cập bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Ixraen (được Mỹ bảo trợ ký Hiệp ước hòa bình Ai Cập - Ixraen tại Trại David vào năm 1979).

Ông M.Morsi từng có quan hệ tốt với phong trào Hamas. Là người đứng đầu Đảng Tự do và Công bằng (FIP) thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo và Đảng FIP có quan hệ khá gần gũi với Đảng AK của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Taygip Erdogan.

Trong cuộc bạo loạn chính trị lật đổ Chính quyền H.Mubarack tháng 2/2011, tổ chức Anh em Hồi giáo không có vai trò đáng kể, chủ yếu họ “đứng ngoài cuộc” quan sát. Các cuộc biểu tình đường phố lật đổ Mubarack do sự liên kết, phối hợp của nhiều lực lượng bao gồm thanh niên, sinh viên, các lực lượng chính trị cánh tả thế tục và đông đảo các tầng lớp nhân dân Ai Cập.

Khi nhận thấy Chính quyền M.Mubarack chắc chắn sẽ sụp đổ, lực lượng của Tổ chức Anh em Hồi giáo mới công khai tham gia phong trào biểu tình quy mô lớn của người dân Ai Cập ở Quảng trường Tahrir ở Cairo.

Sau khi Chính quyền M.Mubarack sụp đổ, Ai Cập trải qua 17 tháng của thời kỳ chuyển tiếp: Từ sau 11/2/2011 đến trước 30/6/2012, Hội đồng Quân sự Tối cao nắm quyền điều hành đất nước.

Tháng 5/2012, Ai Cập bầu cử Tổng thống.

Tại cuộc bầu cử vòng I, Ông M.Morsi được 24,8% số phiếu, người ở vị trí thứ hai được 23,24% số phiếu. Tại bầu cử vòng II vào cuối tháng 5/2012, ông M.Morsi giành chiến thắng với 51,73% phiếu bầu, và trở thành Tổng thống đầu tiên ở Ai Cập thông qua một cuộc bầu cử dân chủ.

Tại sao đa số cử tri Ai Cập lại bỏ phiếu ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo?

Đơn giản vì họ bất bình với Chính quyền M.Mubarack và mất lòng tin vào những nhân vật thuộc triều đại M.Mubarack được Hội đồng Quân sự Tối cao hậu thuẫn đưa ra tranh cử với ông Morsi.

Ông M. Morsi, người của tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng chỉ làm Tổng thống Ai Cập được đúng 1 năm 3 ngày (từ 30/6/2012 đến 2/7/2013). Lại một câu hỏi nữa: Tại sao Chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo lại sụp đổ nhanh như vậy?

Trong thời gian vận động tranh cử (tháng 4, tháng 5/2012) và tại lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Tòa án Hiến pháp Tối cao ngày 30/6/2012, ông M.Morsi đã cam kết trước hơn tám chục triệu người Ai Cập: Mặc dù ông là người của Tổ chức Anh em Hồi giáo nhưng ông là Tổng thống của toàn thể nhân dân Ai Cập, ông sẽ đại diện và bảo vệ lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức chính trị, mọi tôn giáo, dân tộc; ông sẽ thực hiện hòa hợp dân tộc, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân vào nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho mọi người dân, nâng cao vị thế của Ai Cập trong thế giới Ả rập - Hồi giáo nói riêng, ở khu vực và trên thế giới nói chung.

Trong hơn 1 năm cầm quyền, Ông M.Morsi đã liên tiếp mắc nhiều sai lầm trong chính sách đối nội, chính sách đối ngoại, và quan trọng hơn, những việc làm của Tổng thống không phù hợp, thậm chí có vấn đề còn đi ngược lại với những điều ông ta đã hứa, đã cam kết khi tranh cử và khi tuyên thệ nhậm chức.

Cuộc khảo sát của Cơ quan Nghiên cứu Zogby nửa đầu tháng 7/2013 cho kết quả: 74% người được hỏi nói rằng họ đã mất niềm tin vào Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Ngay trong năm đầu tiên cầm quyền, Tổng thống M.Morsi đã có một số quyết định trái với Hiến pháp, thực chất là vi hiến. Đầu tháng 6/2012, ông M.Morsi tuyên bố là ông sẽ không làm lễ tuyên thệ nhận chức trước Tòa án Hiến pháp Tối cao, mà nhận chức trước Quốc hội. Các thẩm phán phản đối, sau đó (30/6/2012) ông M.Morsi lại phải tuyên thệ nhận chức trước Tòa án Hiến pháp Tối cao.

Tháng 7/2012, Tổng thống M.Morsi ra sắc lệnh khôi phục Quốc hội (đã bị Hội đồng Quân sự Tối cao giải tán). Tòa án Hiến pháp Tối cao cho rằng quyết định của Tổng thống là không phù hợp với Hiến pháp, sau đó Tổng thống phải rút lại sắc lệnh.

Tháng 10/2012, Tổng thống M.Morsi ra quyết định sa thải Tổng công tố Aldel Meguid Mahmoud. Các thẩm phán cho rằng: Theo luật, Tổng thống không có quyền bãi miễn các thành viên của cơ quan Tư pháp. Một lần nữa, Tổng thống phải rút lại quyết định của mình.

Tháng 8/2012, Tổng thống M.Morsi đã ra sắc lệnh hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp Bổ sung được Hội đồng Quân sự Tối cao thông qua ngay trước bầu cử vòng II (cuối tháng 5/2012). Cũng trong thời gian này, Tổng thống M.Morsi đã ra quyết định sa thải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thống chế Hussein Tantawi và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ai Cập tướng Sami Anan. Các quyết định này không vi hiến nhưng đã đụng đến quyền lực và lợi ích của Quân đội, lực lượng đã liên tục chi phối chính trường Ai Cập sáu chục năm (từ 1952).

Đặc biệt, ngày 22/11/2012, Tổng thống M.Morsi đã ban hành sắc lệnh giao cho Tổng thống có quyền rất lớn, có nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước Tổng thống lấn át quyền của cơ quan Tư pháp. Về thực chất, quyết định này đã giao cho Tổ chức Anh em Hồi giáo nhiều quyền lực hơn, đồng thời hạn chế quyền lực và lợi ích của các tổ chức chính trị thế tục, của các lực lượng cấp tiến, dân chủ - những người đã làm nên cuộc chính biến lật đổ Chính quyền H.Mubarack vào tháng 2/2011.

Như vậy, ngay trong 5 tháng đầu cầm quyền (từ 30/6 đến 11/2012), thông qua các sắc lệnh và quyết định của mình, Tổng thống M.Morsi đã khoét sâu thêm mâu thuẫn sâu sắc (đã tích dồn hơn nửa thế kỷ) giữa Tổ chức Anh em Hồi giáo với Quân đội Ai Cập và với các lực lượng thế tục, các đảng phái, tổ chức chính trị theo hướng cấp tiến, dân chủ mà ở tuyến đầu của các lực lượng này là thanh niên, sinh viên, thị dân.

Sắc lệnh 22/11/2012 của Tổng thống M.Morsi như một giọt nước làm tràn li. Từ tháng 12/2012, lại có một phong trào xuống đường biểu tình với quy mô ngày càng lớn phản đối chính quyền M.Morsi. Đỉnh điểm của phong trào chống chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo là cuộc biểu tình mang tính bạo loạn chính trị của hàng triệu người ở hầu hết các thành phố lớn vào ngày 30/6/2013, và đã có đụng độ giữa lực lượng trung thành với Chính quyền M.Morsi với những người biểu tình dẫn đến thương vong. Những ngày cuối tháng 6/2013, Ai Cập rơi vào rối loạn gần như không thể kiểm soát được – Cái gì phải đến đã đến: 3/7/2013 Quân đội Ai Cập buộc ông M.Morsi rời bỏ quyền lực, chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo sụp đổ.

Xét trên mọi phương diện, Tổ chức Anh em Hồi giáo chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để nắm giữ chính quyền (chưa trưởng thành, chưa chín muồi về chính trị).

Ai Cập đi về đâu?

Ai Cập có vai trò quan trọng trong vòng cung Bắc phi - Trung Đông nói chung, trong thế giới Ảrập - Hồi giáo nói riêng. Không chỉ các nước trong khu vực, mà các cường quốc trên thế giới cũng rất quan tâm đến diễn biến ở Ai Cập. Là một mắt xích quan trọng trong thế bố trí chiến lược ở khu vực châu Phi - Trung Đông, hơn ai hết, Mỹ, Ixraen và các nước EU đặc biệt quan tâm đến tình hình Ai Cập.

Ai Cập bất ổn đến bao giờ và liệu có thể xảy ra xung đột, nội chiến kéo dài không?

Trên chính trường Ai Cập hiện nay có nhiều tổ chức, đảng phái chính trị, nhiều lực lượng đã và đang tranh giành quyền lực. Khi nghiên cứu tình hình chính trị nội bộ Ai Cập, cần chú ý đến một đặc điểm của người Ai Cập, nhất là giới tinh hoa, là họ sẵn sàng thay đổi quan điểm: Khi thấy có lợi, họ có thể từ phe này, phía này sang phe khác, phía khác. Một số quan chức, chính khách trong chính quyền của Mubarack đã chạy như con thoi từ phía này sang phía khác.

Trong các lực lượng chính trị ở Ai Cập hiện nay có hai lực lượng giữ vai trò quan trọng nhất, nếu không muốn nói là vai trò quyết định, trên chính trường: 1. Quân đội và; 2. Tổ chức Anh em Hồi giáo. Ngoài ra, còn nhiều đảng phái chính trị, tổ chức thế tục cấp tiến. Trước mắt, lực lượng này còn dựa vào Quân đội để đối phó với Tổ chức Anh em Hồi giáo; về lâu dài, họ sẽ là lực lượng chấp chính ở Ai - Cập.

Quan hệ giữa Quân đội và Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ định hình tình hình Ai Cập.

Ở Ai Cập, trong một thời gian dài, phải thừa nhận hai điều: 1. Quân đội có vai trò lớn trên chính trường. Ai đấy muốn gạt bỏ ảnh hưởng lớn của Quân đội Ai Cập là ảo tưởng; 2. Tổ chức Anh em Hồi giáo là một lực lượng chính trị to lớn và tồn tại khách quan. Nếu Chính quyền Ai Cập muốn loại bỏ vai trò chính trị - xã hội của Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ là một sai lầm chết người, sẽ đẩy Ai Cập đến hỗn loạn, xung đột.

Chính quyền chuyển tiếp ở Ai Cập hiện nay và những chính quyền được bầu cử dân chủ sau này, bất kể là người của lực lượng nào làm Tổng thống, muốn ổn định phải rộng lòng bao dung đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo và mời họ tham gia vào chính quyền xây dựng đất nước (họ phải có quyền thực sự chứ không phải là vật trang trí trong chính quyền).

Đồng thời, Tổ chức Anh em Hồi giáo phải từ bỏ con đường đối đầu, chống đối quá khích đối với các tổ chức, đảng phái chính trị thế tục, cấp tiến và phải hội nhập vào xã hội tạo ra sự hòa hợp sâu rộng trong xã hội vì sự công bằng, dân chủ, tiến bộ. Những người có trọng trách của Tổ chức Anh em Hồi giáo phải chấp nhận một thực tế khách quan là không thể áp đặt Luật Hồi giáo Sharia lên xã hội Ai Cập.

Trong vài ba năm tới, có thể còn lâu dài hơn, cả Tổ chức Anh em Hồi giáo và lực lượng đối lập với Quân đội làm nòng cốt cũng chưa thực hiện được những điều nêu trên. Do đó, Ai Cập còn mất ổn định, nhưng xung đột, nội chiến như Xyri thì ít có khả năng xảy ra.

Không được quên: Ai Cập ổn định hay không ổn định vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.


Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an)

Mới nhất

x
Một cái nhìn cận cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO