Một chiều miệt biển
Con đường về Lạch Vạn thơm nồng vị biển - Vị cá khô, nước mắm và cả từ các lònướng cá. Bước chân các chị, các mẹ vội vã tấp nập về phía bến thuyền. Tàu vừa về lại chuẩn bị ra khơi. Ngư dân làng chài hẹn nhau "đi dã" râm ran cả con lạch.
Nguyễn Văn Châu - sinh năm 1973- chủ của hai con tàu 48 mã lực đang cùng anh em chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển mới. Anh cho biết, các tàu đang "được cá", phải gấp rút ra khơi để chớp cơ hội, vừa về hôm qua, nay đã phải đi ngay. Đội tàu của anh Châu cứ đi 5 ngày lại về một lần, mỗi lần về cũng được 2-3 tấn cá. Trừ chi phí lãi khoảng 3-5 triệu đồng một chuyến. Vợ, các con anh, cùng cô Hải, cô Nụ... đều ra tiễn chồng đi tàu, lưu luyến ân cần bên những người đàn ông sóng gió. Lâu lâu mới về, lại đi ngay, giá rét thế này, ở nhà nằm trong chăn còn lạnh, huống chi ngoài biển, phải thức cả đêm để kéo, thả dã! 37 tuổi nhưng anh Châu đã đi biển trên 20 năm. Thời gian bám biển nhiều hơn ở nhà. Những lần về nhà lâu, chủ yếu là những ngày biển động. Bữa nào ở nhà ruột nóng hơn lửa đốt vì một tháng phải trả lương cho 8 thuyền viên đi cùng, nên trời hửng là lên đường ngay. Thường khi hoàng hôn buông xuống cửa lạch, ăn vội bữa cơm chiều cùng gia đình, anh Châu và các thợ thuyền của mình lại dong thuyền chạy một mạch cỡ 15 tiếng đồng hồ, ra đến Vịnh Bắc bộ để thả dã kéo cá. Giữa biển trời mênh mông, cả đoàn kéo cá lên, phân loại cá, đập đá, ướp cá, quay máy, lại thả dã, kéo dã mỏi nhừ cả đôi tay, rồi lại nấu ăn, lại thả dã... Cứ thế liền tay cho đến khi tàu đầy cá... Hùng - một thợ thuyền đi cùng tàu của Châu kể : mùa đông, cực nhất là khi chân vịt của tàu mắc phải rong, rác, không quay được, anh em phải thay nhau cởi hết áo quần, nhảyxuống gỡ hết rác ra. Có người lên bờ lạnh quá, tím ngắt, xỉu đi, anh em phải đốt lửa lên sưởi, hô hấp mới tỉnh lại. Để bắt được con cá của biển không đơn giản. Những thanh niên trong làng phải tập "cứng sóng" để ra biển, có người phải cả tháng trời mới quen. Tàu cá của các ngư dân Diễn Châu hầu hết là nhỏ, chỉ có khoang nhỏ để chứa cá và chỗ ngủ cho một vài người. Đêm xuống họ phải thay nhau chợp mắt để kéo cá. Mọi người ở đây đều biết khi trong nhà không còn hạt gạo, không còn đồng tiền nào, thì chính biển bao dung cho bà con cuộc sống. Biển chưa từng từ chối ai mưu sinh. Những người đàn ông như anh Châu, lớn lên không phải "đường cùng" ra biển nhưng Châu biết bám biển không chỉ cho cuộc sống riêng mình, mà là sinh tồn của cả làng, cả xã. Tất cả đều phụ thuộc vào con cá, đều chờ đợi phía biển. Không chỉ vợ chờ chồng, con chờ cha, mà bà con làng xóm, người chế biến, người thu mua, người bán cá, ốt đá, ốt dầu, cửa hàng bán cà chua, mì chính... đều chờ. Tất cả đều đợi con cá từ biển về thì mới "lên" theo được.
Để có được đôi thuyền như nhà anh Châu, cũng phải đầu tư khoảng 300 triệu đồng, và hầu hết là phải vay mượn anh em. Bà con ở đây muốn đóng tàu to, song các con lạch không thể đi lại được. Lạch nhỏ, cạn mà tàu lại đông nên ra vào không dễ. Bà con cho biết năm nay may mắn được Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân tiền dầu, bù vào chi phí nên tàu thuyền nào cũng tích cực ra khơi. Không ai muốn nghỉ khi Tết đang đến, bao nhiêu thứ cần sắm sửa mà tất cả phụ thuộc vào con cá. Khi những đoàn tàu sắp ra khơi cũng là khi trên bờ nhộn nhịp khẩn trương những xe chở dầu, chở đá, than hoa, gạo trắng, rau xanh ra tàu. Đủ hết, nào tất, nào áo, dưa cà, mắm muối... Cái rét ở biển có lẽ chỉ có vợ chồng người đi biển thấm thía...
...1 giờ chiều bến Nam Lạch Vạn. Tàu về ồ ạt như én chao mặt biển. Từng đoàn, từng đoàn náo nức cập bờ. Đây là đoàn tàu đi lộng trong ngày, sáng đi chiều về. Có lẽ phải hai ba trăm tàu, tất cả đều khẩn trương tìm lối vào bến. Cá được hối hả gánh, vác lên bờ. Nào mực, nào tôm, cá xóc, cá nục, cá cháo tươi rói đổ xuống nền xi măng. Hàng ngàn người đã chờ sẵn để mua, lựa cá. Ai cũng muốn làm thật nhanh, bước thật mau để con cá được tươi nhất, kịp ra chợ bán được giá nhất. Bác Sáu- một phụ nữ ở xóm Chiến Thắng - Diễn Bích hồ hởi: "Tui lựa mực thuê cho chủ đưa đi Trung Quốc, ngày cũng được 60 ngàn đồng. Năm ni cá răng mà nhiều!". Trên bến, dưới thuyền náo nức rộn rã. Cá mực về được hấp, sấy luôn bên cạnh và toả đi các chợ. Tôm cá tươi quẫy trong hân hoan niềm vui được mùa biển. Tất cả cũng là đây! Giờ tôi mới hiểu tại sao bến thuyền lại níu chân người dân quê tôi đến vậy. Mới hiểu, vì sao nghề biển lại cuốn hút bao nhiêu đời người, mặn mòi gắn bó với những âm thanh lao xao, hương vị tanh nồng từ biển.
Tàu đi rồi, âu lo đằm sâu trong người ở lại. Tôi nhận ra điều đó khi ngồi trên xe đạp theo chị Thuỷ- vợ anh Châu về nhà. Căn nhà 2 tầng mới được xây khá khang trang. Chị Thủy nói anh chị đã gom góp trong gần chục năm qua mới làm được. Đối với đôi vợ chồng trẻ như Châu - Thuỷ, có được căn nhà như vậy giữa trung tâm xã Diễn Bích là một điều mơ ước. Chồng siêng năng, cần cù, vợ tháo vát chắt chiu, ba đứa con khỏe mạnh và ngoan. Chị mời tôi ăn cơm cùng mẹ con chị, bữa cơm tươm tất với cá tươi, thịt và rau. Chị khoe: "Cá anh bắt về đấy. Con gì ngon nhất đem về cho mẹ con ". Chị nhớ lại, yêu nhau từ khi tuổi trăng tròn biết bao kỷ niệm, nhưng một lần chị suýt mất anh. Đó là một lần đi biển gặp gió mạnh, anh ra hạ buồm thì bị cột buồm đánh rớt xuống biển. Trời tối, trên tàu không ai biết. Thế là anh cứ bơi, bơi mãi cho đến khi kiệt sức... May mắn, được một tàu Thanh Hoá nhìn thấy và cứu đưa lên bờ biển Quỳnh Lập. Vậy mà không ngại biển, không xa được biển. Rồi nhờ trời ngày một khấm khá...
Dẫu cực nhọc nhưng những người giỏi giang, dám nghĩ dám làm đều có của ăn của để. Nay đi giữa làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn- nằm ở trung tâm xã Diễn Bích, với nhiều ngôi nhà hai, ba tầng mái ngói xanh, đỏ đời mới, thấy rõ được đời sống của người dân biển đang ngày một khấm khá. Từ con cá đánh bắt được, các hộ trên bờ đã thu gom và chế biến ra loại nước mắm nức tiếng Vạn Phần. Chị Luận Thụ- một hộ chuyên chế biến nước mắm mỗi năm thu mua hàng trăm tấn cá cho ngư dân cho biết: cá ở Lạch Vạn tươi nhất, nên nước mắm thơm ngon được bán đi khắp miền Bắc. Nhiều nhà đã giàu lên nhanh chóng. Hai xóm Hải Đông và Hải
Biển giàu đã cho người dân quê biển cuộc sống ngày một ấm no. Diễn Bích- Kim - Thành - Ngọc... những xóm Hải Đông, Ngọc Bích... tên gọi đọc lên như là ước muốn ngàn đời của dân biển, thật quí, thật đẹp. Các thế hệ làng chài đều thấm ơn nghĩa từ biển. Những người đàn ông làng chài như anh Châu, anh Hùng, anh Hoan... đã nối nghiệp cha ông, giữ cho làng xã một nghề truyền thống- nghề mang lại cuộc sống cho nhiều nghề khác.
Một chiều miệt biển, tôi thấy lòng ấm lại trong cái lạnh se sắt chớm chuyển mùa năm cùng tháng tận; bởi, tôi đã cómột khoảnh khắc sống và cảm nhận được những vất vả mưu sinh, nghĩa tình người làng chài dày ơn nghĩa từ biển.
Cuối Đông 2008
Ghi chép của Châu lan