Một chương trình có ý nghĩa thiết thực

11/09/2011 16:25

(Baonghean) - Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương Nghệ An vừa tổ chức cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Việt Lào và Công ty cổ phần Intimex Việt Nam tại Nghệ An đưa “Hàng Việt Nam chất lượng cao” về vùng nông thôn.

Theo dấu những người thực hiện chương trình về hai xã Đô Thành (Yên Thành) và Tân Phú (Tân Kỳ) - là những địa phương được được thụ hưởng chương trình - thì thấy, hàng “Việt Nam chất lượng cao” được nhân dân đón nhận nhiệt tình. Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Việt Lào (điểm đặt tại xã Đô Thành) giới thiệu, bán hàng Việt Nam chất lượng cao theo kiểu dã chiến. 60 mặt hàng đa dạng chủng loại thuộc hai nhóm nông sản thực phẩm và kim khí điện máy được bày ngay dưới cửa thùng 4 xe tải nhẹ. Phía trên thùng xe là băng rôn quảng cáo chương trình, bảng giá… Mới 8 giờ sáng mà điểm bán hàng đã thu hút rất đông người xem, mua hàng. Tiếng cười nói, ngã giá hết sức rôm rả. Người dân tỏ ra khá hiểu sản phẩm Việt và nắm giá cả rất chắc. Từ giá của thùng mì tôm Hảo Hảo, chai dầu ăn Mavenlla, nồi cơm điện đến cây vợt muỗi, chiếc bóng tiết kiệm điện… Bà cụ Khai năm nay đã hơn 70 tuổi, con cái thoát ly chỉ còn hai ông bà cũng mua một gói mì chính, một chai dầu ăn, một chai nước mắm và chục gói mỳ tôm. Hỏi chuyện, cụ vui vẻ cho biết: “Mua tại đây giá rẻ hơn so với chợ xã chút ít nhưng yên tâm”. Cũng như cụ Khai, hầu như người nào đến xem đều mua hàng. Thậm chí, có người còn tranh thủ “đầu cơ” để cho người nhà bán lẻ.


Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra gian hàng của Công ty Intimex.




Người dân xã Đô Thành rất quan tâm đến hàng VN.

Điểm giới thiệu và bán hàng của Công ty cổ phần Intimex đặt tại sân vận động xã Tân Phú, là một siêu thị nhỏ với gần 400 mặt hàng của 4 nhóm bánh kẹo đồ uống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia dụng và điện gia dụng. Cũng như ở xã Đô Thành, nhân dân Tân Phú đến xem, mua hàng rất đông. Phó Giám đốc Trung tâm phân phối Công ty cổ phần Intimex Hồ Kim Chi vui vẻ: “Ban ngày trời nắng nóng nên người dân chỉ tập trung vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều. Ban đêm mới thực sự đông. Ngoài nhân dân Tân Phú còn có dân ở các xã lân cận như Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng…”.

Chính quyền, đoàn thể của hai xã Đô Thành, Tân Phú rất quan tâm trong công tác chuẩn bị sân bãi cho doanh nghiệp, đồng thời tích cực làm tuyên truyền nhân dân toàn xã biết. Ông Nguyễn Trường Thi - Chủ tịch MTTQ xã Đô Thành cho biết: “Sau khi được huyện thông báo Sở Công thương tổ chức quầy hàng Việt Nam chất lượng cao tại Đô Thành, MTTQ xã phối hợp với các phòng ban thông báo liên tục trên truyền thanh để bà con biết…”. Chị Nguyễn Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy xã xã Tân Phú thì nói: “Khi nhận được tin từ Phòng Công thương huyện báo về, chúng tôi đã tổ chức cho đoàn thanh niên dọn sạch sẽ 27.000m2 sân vận động, chuẩn bị điện chiếu sáng và cho cán bộ văn hóa tuyên truyền trên truyền thanh của cả 12 xóm”. Chị Huệ tiếc rẻ: “Nếu Sở Công thương kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thì tốt biết mấy. Nhân dân sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều chủng loại hàng Việt Nam chất lượng cao hơn…”.

Đây là lần đầu tiên Sở Công thương tổ chức cho doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn. Mục đích chính yếu của chương trình là để nhân dân được tiếp cận, sử dụng từ đó có niềm tin vào các mặt hàng Việt Nam sản xuất. Thực tế từ Đô Thành, Tân Phú đã cho thấy việc tổ chức đưa hàng về nông thôn, miền núi rất có hiệu quả cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, có một điểm khiến đơn vị tổ chức chương trình và hai doanh nghiệp băn khoăn là kinh phí thực hiện khá eo hẹp. Ngay tại điểm bán hàng, dù việc bán hàng rất thuận lợi nhưng chị Phạm Thị Mai - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh tổng hợp của Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Việt Lào vẫn khẳng định: “Được trợ giá cước vận chuyển, chi phí in ấn băng rôn quảng cáo, bảo vệ… nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phải chịu lỗ”. Chị phân tích: “Nhân dân Đô Thành mua hàng tương đối nhiều nhưng vì bán đúng giá niêm yết (bằng giá bán sỉ tại thành phố Vinh) nên lãi không đáng kể. Trong khi đó, vì đi bán lưu động nên chúng tôi phải cần đến 15 người gồm lái xe, bán hàng, bảo vệ. Kinh phí ăn, nghỉ, lương… trong 3 ngày của 15 người không ít”. Điều chị Mai tâm sự cũng là suy nghĩ của những người thuộc Công ty Intimex. Quầy hàng của Công ty Intimex có 8 người tham gia, họ phải thuê nhà nghỉ cho chị em ngủ đêm, ăn uống thì thuê người dân nấu hộ…

Qua tâm sự của các chị Phạm Thị Mai, Hồ Kim Chi… thì thấy doanh nghiệp rất muốn tham gia bởi ý nghĩa thiết thực của chương trình. Tuy nhiên, không thể vì thế mà họ quên đi lợi ích của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đồng vốn của cổ đông. Đây là một bài toán khó đặt ra cho Sở Công thương - đơn vị tổ chức chương trình đưa hàng “Việt Nam chất lượng cao” về nông thôn. Một cán bộ có trách nhiệm trăn trở: “Kinh phí thực hiện hạn chế sẽ khó động viên các doanh nghiệp thường xuyên tham gia thực hiện chương trình dù thực tế ở Đô Thành, Tân Phú đã cho thấy việc tổ chức đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn đạt kết quả rất tốt, rất có hiệu quả cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhật Lân

Mới nhất

x
Một chương trình có ý nghĩa thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO