"Một cuộc xâm lăng pháp lý cực kỳ nguy hiểm"

05/06/2014 09:12

(Baonghean) - Để nhận diễn rõ bản chất việc làm ngang ngược của Trung Quốc và xu hướng giải quyết vấn đề “điểm nóng” biển Đông của nước ta, phóng viên báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược Bộ Công an. Cuộc trao đổi được thực hiện tại trường quay Báo Nghệ An, dựng clip đăng tải trên báo Nghệ An điện tử (www.baonghean.vn); Báo Nghệ An trân trong giới thiệu đến bạn đọc.

Kỳ I: Những phát lộ và phát ngôn sau 25 đợi chờ!

TIN LIÊN QUAN

Thiếu tướng Lê Văn Cương (phải) tham gia buổi phỏng vấn của Báo Nghệ An.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (phải) tham gia phỏng vấn của Báo Nghệ An.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, ngay trong số báo Xuân Nghệ An 2014, thiếu tướng đã có bài viết dự báo thời gian tới, có thể là sau năm 2020, chủ quyền quốc gia Việt Nam có thể sẽ bị nước ngoài xâm phạm. Nay dự báo ấy đã xảy ra. Với quá trình theo dõi sát sao và nghiên cứu sâu sắc, Thiếu tướng đánh giá như thế nào về bản chất, ý đồ của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là việc được tính toán và chuẩn bị trước đây nhiều năm. Đây là một việc làm trong nhiều việc để hiện thực hóa cái gọi là chủ quyền phi lý của họ trong vùng chủ quyền Việt Nam. Họ phải độc chiếm biển Đông vì lẽ để khống chế 10 nước ASEAN, và mục tiêu sâu xa là đẩy Mỹ ra khỏi phía Tây Thái Bình Dương. Ở phía Bắc, khi khống chế được biển Đông thì họ cũng sẽ khống chế được Nhật Bản và Hàn Quốc – các đồng minh của Mỹ.

Trên thế giới đã có sự nhầm lẫn lớn, có đến 80-90% công trình nghiên cứu công bố cho rằng Trung Quốc độc chiếm biển Đông vì dầu. Điều này không đúng. Biển Đông có dầu nhưng dầu không lớn lắm, dầu mỏ biển Đông so với dầu mỏ Trung Đông và biển Caspi không đáng kể. Mục đích tối thượng trong độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là vì địa - chính trị, địa - chiến lược của biển Đông. Trong tham vọng chiến lược bành trướng ra thế giới của Trung Quốc, biển Đông là con đường độc đạo của họ: Lên phía Bắc thì mắc Nga; ra phía Đông Bắc thì bị liên minh Mỹ - Nhật – Hàn chặn lại ở ngay ở phía mặt tiền, không thể ra được; xuống Tây Nam mắc Ấn Độ, vùng Trung Á - là vùng tôn giáo, dân tộc, khủng bố… cực kỳ phức tạp. Con đường bành trướng ra thế giới để đối chọi với Mỹ chủ yếu là con đường qua biển Đông, ra Thái Bình Dương.

Do đó, ý đồ của Trung Quốc là bằng mọi cách độc chiếm biển Đông để loại bỏ Mỹ ra khỏi khu vực này. Khi Mỹ ra khỏi khu vực này rồi thì toàn bộ ASEAN nằm trong tay Trung Quốc. Ở phía Bắc Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có khả năng chống cự được. Tôi nhắc lại, ý đồ sâu xa của họ là địa - chính trị, địa - chiến lược của biển Đông – nút thắt của thế kỷ XXI này. Vì vậy, việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là một việc làm cụ thể để hiện thực hóa từng bước một khát vọng việc khống chế, độc chiếm biển Đông nằm trong ý đồ lâu dài của họ.

Phóng viên: Thiếu tướng nhận định thế nào về quá trình đấu tranh vừa qua của chúng ta, và chúng ta cần làm gì để tiếp tục đấu tranh, lật mặt những thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm của Trung Quốc?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong vòng mười năm gần đây, thậm chí từ cuộc chiến tranh xâm lược phía Bắc 1979 đến bây giờ, Trung Quốc năm nào cũng gây hấn với Việt Nam. Điển hình nhất, đỉnh cao nhất là cuộc chiến ngày 14/3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng lớn hải quân đánh chiếm 4 đảo chìm của chúng ta ở Trường Sa. Lần đầu tiên Trung Quốc đặt chân đến Trường Sa là ngày 14/3/1988. Trong cuộc chiến 29 phút này, 64 chiến sĩ anh hùng của Việt Nam đã hy sinh. Ba tàu chiến Việt Nam chìm hai tàu. Từ năm 1988 đến giờ năm nào họ cũng gây hấn. Gần đây nhất ngày 26/5/2011 họ cắt cáp tàu Bình Minh 2 thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cách mũi Đại Lãnh 128 hải lý. Ngày 9/6/2011 cắt cáp tàu Viking 2 cũng tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, năm 2012, Quốc vụ viện Trung Quốc, đứng đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường, đã ra quyết định thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là cuộc xâm lăng về pháp lý. Một quốc gia ngang nhiên ra quyết định hành chính sáp nhập vùng lãnh thổ nước khác vào vùng lãnh thổ nước mình, đấy là cực kỳ nghiêm trọng. Tôi cho từ xưa đến nay là nghiêm trọng bậc nhất. Thế thì đến bao giờ, năm 2050, 2100, 2200… mới có thủ tướng Trung Quốc thứ 10, 15, 20 ra quyết định hành chính hủy bỏ quyết định hành chính của đương kinh Thủ tướng Lý Khắc Cường ký tháng 22/6/2012 về việc thành lập Thành phố Tam Sa. Đây là cuộc xâm lăng pháp lý cực kỳ nguy hiểm. Nhưng chúng ta phản ứng không đáng kể gì cả.

Nhưng lần này phản ứng của Việt Nam tôi cho là hết sức rõ ràng, mạch lạc, kiên quyết, thể hiện trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Mannila và Myanmar. Tôi cho rằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila và Myanmar là một thông điệp mới thể hiện thái độ rõ ràng, kiên quyết, mạch lạc của Việt Nam đối với hành động gây hấn của Trung Quốc. Điều này tôi chờ đợi 25 năm nay rồi. Phải đến một phần tư thế kỷ chúng ta mới có tiếng nói rõ ràng, mạch lạc như thế.

Chính điều này tạo ra sự đồng thuận của người Việt Nam trong và ngoài nước cùng với cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Chưa bao giờ cộng đồng quốc tế, trong một thời gian ngắn, đã lên tiếng một cách mạnh mẽ, kịp thời, ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc như vậy. Hoa Kỳ, từ ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Thượng nghị sĩ nổi tiếng John Mackel, ngay cả Tổng thống Obama cũng lên tiếng phát biểu ủng hộ Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Ấn Độ, Liên Minh Châu Âu (EU)… Tất cả thế giới lên tiếng phản đối Trung Quốc ủng hộ Việt Nam. Khi chúng ta đứng vững, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, kiên quyết chống mọi hành động gây hấn, chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới. Nếu chúng ta không kiên quyết chắc chắn thế giới không ủng hộ.

Nhà nước ta lần đầu tiên cho phép phản ánh, đưa tin trên báo chí, nhiều tin tức, hình ảnh được đăng tải, cập nhật đầy đủ, chính xác, khách quan những diễn biến trên biển Đông, kể cả những hành động Trung Quốc dùng vũ lực, dùng tàu công suất lớn đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu cá Việt Nam… đã giúp cho mọi người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế nhận thức rõ bản chất xâm lược, hiếu chiến hung hăng của Trung Quốc. Lâu lắm rồi 90 triệu người trong nước và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài mới tỏ thái độ đồng thuận với lãnh đạo Đảng và Nhà nước như hiện nay. Mỗi khi lãnh đạo chúng ta vững vàng, có chính sách đúng đắn thì chắc chắn tạo được đồng thuận trong xã hội. Và đây là điều kiện quan trọng nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đúng như Đức thánh Trần Hưng Đạo đã nói ở thế kỷ XIII: Kế sách giữ nước trăm năm là trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, trong thời bình khoan thư sức dân. Thái độ lần này của chúng ta đã tạo đồng thuận trong xã hội, trong đảng viên, trong người dân, cộng đồng quốc tế.

(Còn nữa)

P.V (thực hiện)

Mới nhất

x
"Một cuộc xâm lăng pháp lý cực kỳ nguy hiểm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO