Một di tích lịch sử cần được bảo vệ, tôn tạo
Bằng xếp hạng di tích quốc gia
Không mấy người thăm viếng, kinh phí cho nhang khói thờ tự vẻn vẹn có 5000đồng/năm; chiếc bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia dựng chênh vênh nơi góc bàn thờ, mạng nhện chăng dày; 70.000 đồng/tháng cho 7 người làm công tác bảo vệ...
Dẫn chúng tôi lên, kéo vội thanh tre khô làm rào ngăn trâu bò, ông Nguyễn Tiến Vượng - đội trưởng đội bảo vệ di tích Trần Tấn than thở: "Các anh coi, chẳng có ai hương khói cả, thỉnh thoảng chỉ có mấy đứa trẻ chăn trâu ngồi chơi nhổ cỏ. Di tích lịch sử quốc gia mà thế này thì...". Toạ lạc trên một ngọn đồi ở vùng đất giàu truyền thống yêu nước (Thanh Chi - Thanh Chương) hơn 130 năm qua, mộ của vị chỉ huy cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) - Trần Tấn - đã xuống cấp nhiều. Cỏ và cây dại mọc khắp, rêu phong phủ đầy. Mộ Trần Tấn
Rời mộ, chúng tôi đến thăm Nhà thờ Trần Tấn. Khác với nhiều di tích lịch sử khác, Nhà thờ Trần Tấn luôn trong trạng thái "cửa đóng then cài", chiếc hàng rào bằng phên nứa thỉnh thoảng chỉ nhấc lên phục vụ cho công việc quét dọn.
Trần Tấn quê ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người sáng dạ, nhanh nhẹn. Nhờ ảnh hưởng của giòng họ và vùng đất hiếu học nên ông đã sớm đỗ tú tài, trở thành người có uy tín trong vùng. Khi vua Tự Đức ban chiếu "chữ hoà là quốc kế... Bàn hoà là người có công, bàn chiến là người có tội", Trần Tấn không phục, ông nuôi trong mình ý chí dựng cờ khởi nghĩa, vào năm Giáp Tuất 1874.
Cảm kích trước tấm lòng yêu nước và nghĩa khí của vị tú tài này, nhân dân đã lập đền thờ tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Mãi tới năm 2004, mộ, đền thờ Trần Tấn và nền tế cờ mới được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, di tích đang dần trở thành hoang tích và trong tương lai không xa sẽ trở thành phế tích. Chính quyền và nhân dân cũng lực bất tòng tâm bởi họ phải lo cuộc sống cơm áo hàng ngày. Đề nghị các cấp, các ngành liên quan đến tìm hiểu và có giải pháp bảo vệ, tôn tạo một di tích lịch sử quý giá.
Bình Minh - Nguyên Khoa