Một dự án đi vào lòng dân

12/08/2013 18:00

(Baonghean) - Theo Quyết định số 525 được UBND tỉnh phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng làng định canh, định cư cho 50...

(Baonghean) - Theo Quyết định số 525 được UBND tỉnh phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng làng định canh, định cư cho 50 hộ dân hiện đang sống du canh, du cư trên các sườn núi, khe suối chưa có nhà ở thuộc xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông có tổng diện tích quy hoạch 3 điểm tái định cư là 64,65 ha; khai hoang phục hóa 58,59 ha đất sản xuất, 21,59 ha đất màu và lúa rãy, gần 40 ha đất trồng rừng và cây công nghiệp… Sau hơn 2 năm triển khai, đến thời điểm hiện nay dự án đã đưa được 49/50 hộ dân về nơi ở mới ổn định.

Dẫn chúng tôi đến tham quan các điểm tái định cư, anh Nguyễn Đình Thành, Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Con Cuông cho biết, hiện nay tất cả các hộ dân về tái định cư đều đã có cuộc sống ổn định. Để khẳng định lời anh nói, chúng tôi vào thăm gia đình anh Vi Văn Sát, điểm tái định cư bản Pù Lãn. Đây là một trong những hộ dân mới về ở được hơn một năm nay. So với trước đây khi gia đình anh còn phải sống du canh, du cư ở trên các triền núi, khe suối thì hôm nay cuộc sống đã khởi sắc hơn nhiều.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn 3 gian, anh Vi Văn Sát phấn khởi khoe: "Trước đây gia đình sống du canh, du cư cuộc sống rất tạm bợ khổ lắm, nhà không có, vợ chồng, con cái đều phải ở trong lán, chòi dựng tạm trên nương rãy, nay đây, mai đó nên các cháu không được học hành. Còn bây giờ sau khi được Nhà nước hỗ trợ, đưa dân ra sống tập trung, gia đình tôi đã thay đổi nhiều lắm, làm được nhà mới để ở, rồi chăn nuôi được trâu, gà, lợn và mua sắm được ti vi”. Hiện tại cuộc sống của gia đình anh cũng đã bắt đầu ổn định dần, điều làm anh vui nhất là các con đều được đến trường đi học.

Để mô hình xây dựng làng định canh, định cư thành công, cách làm của huyện Con Cuông là trước khi thuyết phục người dân về nơi ở mới, Ban định canh, định cư huyện Con Cuông trước đây và nay là Ban Phát triển nông thôn miền núi đã phải khảo sát kỹ địa hình, thổ nhưỡng trước khi chọn điểm đặt các khu tái định cư. Các yếu tố quyết định đến thành công là phải có nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất rồi đất canh tác, đất khai hoang ruộng nước... tất cả phải đảm bảo để khi đưa dân đến nơi ở mới, họ mới có thể ổn định được cuộc sống.

Là người có nhiều công lao trong việc tham mưu cho UBND huyện lập hồ sơ dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt cho đến khi dự án được triển khai và kết quả là sau hơn hai năm đến nay dự án đã thành công. Khi được hỏi kinh nghiệm, anh Nguyễn Đình Thành, Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi, huyện Con Cuông khẳng định: "Khi triển khai dự án, nhờ được tính toán kỹ, rà soát đúng đối tượng, rồi lập quy hoạch xây dựng các điểm tái định cư chúng tôi đều lấy ý kiến người dân, tôn trọng phong tục tập quán nên được người dân đồng tình ủng hộ rất cao.

Chúng tôi san gạt mặt bằng và hỗ trợ đầu tư một số cơ sở hạ tầng, thế là người dân ra ở. Để họ có thể lo được cuộc sống khi đến nơi ở mới, chúng tôi quan tâm đặc biệt và triển khai ngay việc xây dựng công trình thủy lợi để bảo đảm nước tưới cho số diện tích ruộng lúa mới khai hoang và số diện tích đất màu hiện có tại các điểm tái định cư, nên đồng bào phấn khởi lắm".

"So với nhiều dự án khác, thì đây là dự án được xem là thành công ở trên địa bàn xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, bởi nó không chỉ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân mà còn phát huy được hiệu quả rất cao. Ông Kha Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông cho biết.

Như vậy, việc UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương cho các địa phương lập dự án để hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số khó khăn, sống du canh, du cư về sống tập trung là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chủ trương này không chỉ góp phần đảm bảo về mặt an sinh, trật tự an toàn xã hội và từng bước xóa đói, giảm nghèo mà bên cạnh đó còn góp phần bảo vệ phát triển vốn rừng, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái ở khu vực các huyện miền núi cao như huyện Con Cuông của tỉnh Nghệ An.


Quốc Toàn - Trịnh Viên (Đài Nghệ An)

Mới nhất
x
Một dự án đi vào lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO