Một gia đình hát...

29/01/2014 22:42

(Baonghean) - Bố và con dâu chọn dòng nhạc dân gian, con trai và con gái lại theo con đường nhạc nhẹ. Mỗi khi có dịp tề tựu đông đủ họ lại cùng hát cho nhau nghe những bản tình ca, những giai điệu đẹp, rồi cùng bổ cứu những câu từ, những nốt nhạc, tán thưởng nhau bằng những tràng vỗ tay, những câu bình luận, rồi cùng cười vang. Đối với họ âm nhạc kết nối tình cảm, là phương tiện hữu hiệu để hiểu và yêu thương nhau…

Sum họp gia đình
Sum họp gia đình

Lễ cưới của ca sỹ Tiến Mạnh con trai NSƯT Tiến Dũng, ngập tràn và đầy ắp một không gian âm nhạc. Cô dâu và chú rể say đắm trong bản tình ca nhạc trẻ, tiếng hát họ cất lên có cả niềm hạnh phúc chứa chan của mối tình nghệ sỹ được đơm hoa kết trái, có cả những hòa quyện trong kỹ thuật giọng hát, cứ như thể họ là bạn diễn đã lâu năm. Khán phòng hôm ấy ai cũng biết rõ cô dâu - ca sỹ Phương Thanh là con chim sơn ca của dòng nhạc dân gian, còn chú rể - ca sỹ Tiến Mạnh lại là một chàng lãng tử của dòng nhạc nhẹ. Khi em gái được giới thiệu lên chúc phúc cho anh trai thì tất cả khách mời, bà con, cô bác trong khán phòng hôm ấy đều nín lặng, nuốt lấy từng lời hát của Hương Tràm. Dường như Hương Tràm đã chững chạc hơn so với những lần khán giả được thấy em qua màn ảnh nhỏ.

Trong khung cảnh đó người ta thấy mẹ cô nhẩm theo lời hát của con gái, bố cô hãnh diện nhìn con gái đầy trìu mến và nói nhỏ với người bạn bên cạnh rằng: “Bài hát này nó hát trong vòng giấu mặt cuộc thi The Voice đấy, lúc ấy tôi ở nhà xem qua màn ảnh nhỏ cũng thấy bất ngờ, không nghĩ nó bản lĩnh thế! Cháu nó hát dân ca hay lắm!”. Anh còn khoe Hương Tràm là một cái tên nhắc đến một kỷ niệm âm nhạc của anh khi mới bước chân vào con đường nghệ thuật. Đó chính là bài hát “Đi trong hương tràm” mà anh giành giải Vàng trong kỳ Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1988.

Rồi anh say sưa kể, từ nhỏ con bé này nó đã “ham hát” đến kỳ lạ, mỗi khi anh tập vở hay vỡ bài một tác phẩm mới, con đều im lặng dõi theo, học lỏm, thế mà chiều đến đã thấy nó thuộc làu, không sai một từ, không thiếu một nốt. Cả tuổi thơ các con đều được dõi theo hành trình lao động nghệ thuật của bố. Bởi thế cả khi anh trăn trở vì một câu trong vở diễn chưa hay, hay một lời trong ca khúc anh sáng tác còn chưa diễn đạt hết cảm xúc thì các con đều mon men lại gần và hỏi anh: “Bố mần chi mà hát đi hát lại có câu nớ vậy?” Anh cười: “Nghệ thuật mà con, đã là nghệ thuật thì phải trăn trở, phải vắt hết những tinh túy trong cảm nhận cuộc sống để chắt lọc lấy một vài từ cho một tác phẩm con ạ! ”. Hồi đấy con chưa hiểu hết câu trả lời của anh nhưng trong chúng cái danh từ nghệ sỹ đã hàm chứa cả những gian lao, vất vả mà đẹp đẽ, cao cả biết nhường nào.

Ca sĩ Tiến Mạnh (đánh đàn)
Ca sĩ Tiến Mạnh (đánh đàn)

Những năm của thập kỷ 80 thế kỷ trước, NSƯT Tiến Dũng nổi danh là giọng ca vàng với chất dân ca trữ tình, tất cả những dòng nhạc dân ca 3 miền được anh thể hiện, đều được dân Nghệ đón nghe. Nhớ dạo ấy trên truyền hình còn dành cả một chuyện mục giới thiệu về giọng ca vàng Tiến Dũng với những bài hát “Trăng khuyết”, “Đi trong hương tràm”, “Hoa cau vườn trầu”, “Đi tìm câu hát lý thương nhau”... Mỗi bài hát dù mang chất liệu ca trù trong “Trăng khuyết” của Huy Thục hay dân ca bài chòi trong “Đi trong hương tràm” đều có chất riêng rất Tiến Dũng. Để có được chất riêng đó, ngoài năng khiếu thiên phú, người ta còn thấy ở anh sự khổ công tìm tòi, sự miệt mài lao động.

Khi được mời về làm ca sỹ kiêm diễn viên chính của Đoàn Ca múa nghệ thuật tỉnh, Tiến Dũng luôn được giao vai diễn chính trong những vở kịch hát (dạo ấy kịch hát là mục chuyên môn chính của Đoàn). Thế nhưng anh em nghệ sỹ trong đoàn đa số chưa được đào tạo qua kỹ thuật thanh nhạc, hầu hết chỉ hát dân ca ví, dặm theo điệu cổ, theo những gì có được ở năng khiếu bẩm sinh. Trăn trở để làm sao khoa học hóa bộ môn dân ca và đưa kỹ thuật thanh nhạc vào câu dặm, điệu ví, Tiến Dũng xin được đi học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Khi tốt nghiệp cũng là lúc “Đề án đưa kỹ thuật thanh nhạc vào câu hát dân ca” được hoàn thiện, với vốn chuyên môn vững, anh được mời về giảng dạy cho Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật với bộ môn thanh nhạc, giờ lên lớp của anh là những bài giảng về kỹ thuật vận dụng hơi thở trong câu hát dân ca. Học trò của anh là lớp lớp những ca sỹ đã thành danh như NSND Hồng Lựu, Quế Thương, Lan Hương… và trong đó có cả vợ anh, học trò khóa 1, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.

Say sưa diễn, say sưa tìm tòi và phát triển những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, Tiến Dũng được biết đến là một nghệ sỹ tài năng, có khả năng truyền thụ và sáng tác. Vì thế ngay từ nhỏ các con đã học được đức tính của bố làm gì thì phải làm bằng được, không chỉ vì những thành công, danh dự của một người làm nghề mà còn vì thành quả lao động nghệ thuật phải mang giá trị lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Điều này không chỉ có giá trị trong dòng nhạc dân gian, mà nó còn có giá trị trong những dòng nhạc khác. Phát hiện các con mình từ nhỏ đã mang “gen hát” của mình, nhưng Tiến Dũng không vội định hướng cho con theo nghiệp ca sỹ. Vì hơn ai hết anh biết “nghề làm nghệ sỹ” ngoài tài năng còn đòi hỏi những phẩm chất về trí tuệ, về sự nghiêm túc trong lao động và cả tố chất thẩm mỹ trong tâm hồn của một người hát.

Thế nên khi Tiến Mạnh được Nhạc viện Hà Nội về Vinh tuyển dụng từ Đội Chim xanh của Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức, anh đã cho con theo học hệ 10 năm ở Nhạc viện Hà Nội. Anh lý giải về việc quyết tâm cho con rời xa vòng tay bố mẹ là vì để đầu tư cho con một tương lai vững chắc và cũng là đầu tư cho mình một “của để dành”. Trong những năm tháng đó anh đã có nhiều đêm mất ngủ, đã có những đêm nhớ con và lo lắng cho con, muốn đưa con về. Thế nhưng khi ra trường con học, anh lại thấy con say mê với cây đàn và những nốt nhạc nên đành quyết tâm cùng con nuôi dưỡng đam mê. Con trai anh, ca sỹ Tiến Mạnh giờ là ca sỹ thuộc Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, được giới trẻ hâm mộ bởi gu thẩm mỹ âm nhạc và cách hát rất văn minh, mới nhưng không xa rời những giá trị truyền thống. Ấy thế nhưng xem ra con đường thênh thênh trên sân khấu còn khiêm nhường, dè dặt với em, người ta chưa thấy ở em sự nổi tiếng, chưa thấy tên tuổi em được chăng trên các biển áp phích quảng cáo.

Em nói: “Mỗi dòng nhạc, mỗi gu âm nhạc lại có thị phần khán giả riêng, em cũng có những bạn trẻ mến mộ và những khán giả thích được nghe em hát, yêu cầu được nghe em hát tiếp mỗi khi em biểu diễn. Thế nhưng để nổi tiếng, để thành danh còn cần nhiều yếu tố mà người ta còn gọi là “Thiên thời địa lợi nhân hoà ”. NSƯT Tiến Dũng tự hào về con trai: “Vừa rồi cháu có gửi về mấy bản thu âm những ca khúc đi cùng năm tháng như “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Tình yêu đất nước” hay “Nồng nàn Hà Nội” tôi thật sự bất ngờ trước cách xử lý bác học nhưng rất đời, trước sự cảm thụ của một người trẻ trước những giá trị lịch sử văn hóa của con người Việt Nam. Vui mừng vì đứa con trai đã trưởng thành trên chặng đường làm nghệ thuật và cũng vui mừng vì cháu đã nghe lời dạy của bố: “Nghệ sỹ là một nghề đặc biệt, nó không có chỗ cho những người không có tài năng và không có chỗ cho kẻ lười biếng”.

Ca sĩ Hương Tràm
Ca sĩ Hương Tràm

Trong thành công của con gái út Hương Tràm, anh trai Tiến Mạnh là người có công lớn. Trong những ngày Tràm đi thi, anh trai là người mà em gái luôn gọi điện để xin tư vấn về kỹ thuật thanh nhạc về phương pháp chọn bài sao cho phù hợp nhất với quãng giọng và yếu tố sân khấu. Hương Tràm giờ đã thành danh, ở đâu có giọng hát em vang lên là ở đó có những yêu cầu: “Hát nữa đi”. Hào quang của âm nhạc đến với cô gái 17 tuổi được xem là hiện tượng The Vocie giờ đây đã thêm những nấc thang mới, nấc thang của sự nổi tiếng, của những hào quang showbiz.

Cô con gái cưng của nghệ sỹ Tiến Dũng sớm “phát sáng” về tài năng âm nhạc nhưng cô không được bố mẹ đầu tư sớm như anh, mà chỉ mong con học thật giỏi, có được một nghề nghiệp ổn định rồi sau đó thì tùy vào thời cơ, con sẽ đi theo âm nhạc cũng chưa muộn. Nghĩ thế nên anh chị chăm lo cho con để con học tiếng Anh thật tốt, các môn Toán, Văn cũng phải đạt loại khá, giỏi. Thế rồi cơ duyên âm nhạc đến với con, sự nghiệp âm nhạc đã chọn con. Anh chị không cưỡng lại được quy luật của hành trình một nghệ sỹ: chạm ngõ và dấn thân. Hơn lúc nào hết, anh chị đều phải ủng hộ con, đồng hành với con và tự hào về những vinh quang của con.

Làm nghề nghệ sỹ ngoài sự dấn thân cho nghề còn cần một sự đầu tư đúng đắn, dài hơi. Sau chiến thắng The Voice Hương Tràm đầu quân cho Hãng Truyền thông Cát Tiên Sa, mọi hoạt động ca hát của cô, từ phối khí, thu âm đến đặt bài đều được thực hiện bởi một ê kíp. Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như thế, nhưng bố mẹ vẫn không yên tâm, bố đã tìm hiểu và liên hệ với Trường Nghệ thuật quân đội để Hương Tràm được vào học ở đó với bậc học trung cấp thanh nhạc. Những thời gian hậu The Voice bố mẹ đều theo sát em về lịch diễn, lịch học, nhắc nhở con gái: “Sô nào quan trọng thì đi, còn không thì thôi con ạ, lo mà học đi!”. Mẹ cũng sát sao hỏi thăm các anh chị trong ê kíp rằng: “Em nó hôm nay có bị khản tiếng không? Có thấy nó mệt mỏi không?”, “ Tối nay diễn sô đấy không quan trọng lắm thì thôi để em Tràm ở nhà học bài, mai thi môn chuyên ngành rồi”…

Mẹ em, một nghệ sỹ sau cánh gà, đã hy sinh sự nghiệp, bản thân rời bỏ lời ca tiếng hát nhiều đam mê để nuôi dưỡng đam mê cho chồng và sự nghiệp tương lai cho con. Những buổi đưa con gái đi thi, những lần ra thăm con trai, nghe những bản thu âm mới và những kế hoạch dự định mới của con, chị thấy sự hy sinh của mình đã được đền đáp. Giờ có con dâu cũng là người theo nghề ca sỹ chị càng thấy tự hào hơn. Dù các con đều theo con đường nghệ thuật thì sẽ rất vất vả, nhưng cả 2 vợ chồng đều làm nghệ thuật thì lại có những sẻ chia, những cảm thông của những người làm nghề.

Cô con dâu trẻ Phương Thanh vô cùng ngưỡng mộ đức hy sinh của mẹ. Nhưng là ca sỹ, hơn ai hết ngoài gia đình, hạnh phúc của cô là được hát. Phương Thanh nói: “Từ những ngày đầu mới quen, chúng em đã ngưỡng mộ tài năng của nhau. Anh Mạnh thường nói, giọng em như có đường phèn. Còn em thì thầm cảm ơn số phận đã cho em gặp được một người làm nghề trăn trở như anh. Hầu hết bài của em anh đều tư vấn chỉ dẫn”. Phương Thanh cũng cho biết từ khi yêu nhau họ đã có nhiều dự định ra album chung kết hợp giữa 2 dòng nhạc, dân gian và nhạc trẻ. Và sắp tới trong album vol.2 của Phương Thanh sẽ có một ca khúc nhạc trẻ của 2 vợ chồng. Khi được hỏi: “Cảm giác được làm dâu trong một gia đình nghệ sỹ như thế nào?” Phương Thanh cho biết: “Đó là sự tự hào và cũng là trọng trách lớn lao, trọng trách phải gìn giữ và nuôi dưỡng tinh thần nghệ sỹ.”

Cái tinh thần nghệ sỹ đó chính là mạch nguồn dân ca, là những giá trị văn hóa lâu bền mà NSƯT Tiến Dũng đã dành cả cuộc đời mình cống hiến. Gia đình chính là nền tảng, là cái nôi, là gốc cho những tài năng âm nhạc thăng hoa…

Thanh Nga

Mới nhất
x
Một gia đình hát...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO