Một kiểu làm ăn mờ ám

19/07/2014 16:39

(Baonghean) - Cho đến nay, sự việc hóa đơn tiền điện của người dân xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) tăng một cách bất thường vẫn khiến dư luận hết sức bất bình và nghi ngờ. Cho dù ngành điện đã khắc phục sự cố bằng cách hoàn trả số tiền dôi dư đó cho người dân rất chóng vánh. Chóng vánh một cách bất thường.

Sở dĩ nói như vậy là vì, sự bất thường diễn ra ở nhiều việc trong một thời gian ngắn. Ban đầu là hóa đơn tiền điện tăng cao theo cách hết sức vô lý. Trong khi số lượng trang thiết bị của người dân vẫn thế, không có gì thay đổi. Thời gian sử dụng điện cũng không có gì tăng đột biến. Cho nên lý giải của ngành điện là do nắng nóng nhiều, nhu cầu sử dụng điện nhiều nên giá thành tăng, có thể có lý với thành thị chứ hoàn toàn không phù hợp với khu vực nông thôn như ở Quỳnh Đôi. Thấy không ổn, người ta lại đổ cho cách tính tiền điện mới. Nhưng so với biểu giá mà ngành điện đã công bố trước đây thì giá chỉ tăng đối với những đối tượng sử dụng điện nhiều. Còn ở đây lại tăng đều và tăng cao ở tất cả các hộ. Chưa kể, trên liên 2 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Điện lực Nghệ An giao cho khách hàng không có chữ ký của bên bán điện kể cả ở hóa đơn tính sai và cả hóa đơn sau khi tính lại. Hình như người ta đã cố tình nhập nhằng vào đúng thời điểm chuyển giao từ cách tính giá điện cũ sang cách mới áp dụng từ ngày 1/6 nhưng số điện tính giá mới lại được ghi từ giữa tháng 5. Vì vậy, trong một hóa đơn giá điện tính từ 19/5 đến 15/6 có tới hai cách tính khác nhau.

Sự bất thường nữa, đến từ cách khắc phục sự cố của chính ngành điện. Lẽ thường tình là khi phát hiện ra sai sót, ngành điện phải tiến hành rà soát lại toàn bộ các công tơ điện để tính lại một cách tổng thể rồi mới đề ra hướng giải quyết cụ thể. Đằng này, cứ ai có khiếu nại thì họ giải quyết cho trường hợp đó mà không cần đối chiếu lại với công tơ. Giống như là đang trả tiền để nhanh nhanh, chóng chóng khỏa lấp sự việc; để bịt đi, không để lộ tiếp ra những việc chẳng hay ho gì. Kiểu hành xử hấp tấp, vội vã đó càng khiến nhiều người nghi ngờ là có điều gì khuất tất ở đằng sau đó. Thật ra, sự nghi ngờ của xã hội trong cung cách làm ăn thiếu minh bạch của ngành điện đã có từ lâu rồi. Nhất là từ khi ngành điện ra quy định công tơ điện phải tập trung một chỗ, treo ngoài cột điện, hành lang hay điểm đấu nối điện chung... khiến cho việc kiểm soát công tơ của các hộ dân trở nên mù mờ, khó thực hiện. Thường là cứ đến tháng, ngành điện cử người đi chốt số rồi về nhập liệu để tính tiền. Toàn bộ quá trình này không hề có sự chứng kiến của các chủ công tơ điện. Phần lớn người dân chỉ đến khi cầm hóa đơn rồi móc tiền ra trả mới biết nhà mình dùng hết bao nhiêu điện. Và cũng không mấy ai được biết dụng cụ đo lường chỉ số dùng điện của nhà mình có chính xác hay không nữa. Vì thế, khách hàng của EVN có bị ghi sai, tính nhầm đi chăng nữa cũng rất khó phát hiện. Và nếu có bị phát hiện thì chỉ cần viện lý do tính nhầm là xong. Có vẻ như ngành điện đang cố hết sức để giữ bí mật công đoạn tính tiền điện của mình. Đó là một cách làm hết sức vô lý và bất bình đẳng trong quan hệ giữa người mua và người bán. Người bán có quyền kiểm soát mọi thứ từ phương tiện đến giá cả còn người mua thì nhất nhất phải tuân theo sự phán quyết của người bán. Chậm nộp tiền điện thì khách hàng sẽ bị phạt, bị cắt điện. Còn ngành điện để mất điện một cách bất thường gây hại đến sản xuất, kinh doanh của khách hàng thì lại chẳng bao giờ bồi thường. Sự bất bình đẳng và vô lý đó kéo dài bao nhiêu năm nay mà không ai làm gì được vì một nguyên nhân sâu xa là sự độc quyền. Không dùng điện của EVN, đố ai dùng được điện từ nguồn khác. Vì có nguồn khác đâu mà dùng. Cho nên tất cả đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy. Và khi xảy ra sự cố kiểu như ở Quỳnh Đôi thì người của ngành điện lại đi tiến hành kiểm tra, xử lý hoạt động của chính ngành điện. Nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chẳng có gì là khách quan, trung thực và rõ ràng cả.

Có thể nói sự cố hóa đơn điện ở Quỳnh Đôi là một bằng chứng cụ thể và sinh động cho lối làm ăn vừa tắc trách, cẩu thả vừa có những toan tính đầy vụ lợi và không minh bạch. Có cái gì đó xấu xa, giấu giếm ở bên trong. Mà nói ngắn gọn là một kiểu làm ăn mờ ám.

Duy Hương

Một kiểu làm ăn mờ ám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO