Một số điều cần được thể hiện

25/02/2013 18:22

(Baonghean) Trong các nội dung dự thảo Hiến pháp được giới thiệu để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng tôi nhận thấy so với Hiến pháp năm 1992, phần các quy định về quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng.

(Baonghean) Trong các nội dung dự thảo Hiến pháp được giới thiệu để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng tôi nhận thấy so với Hiến pháp năm 1992, phần các quy định về quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng.

Nhìn chung, dự thảo thể hiện các điều luật mới cũng như các quy định được sửa đổi bổ sung ở dự thảo sửa đổi phần này so với Hiến pháp năm 1992 đã chặt chẽ, từng ý riêng trong một điều luật được tách thành các khoản đầy đủ hơn; đồng thời, dự thảo cũng bỏ bớt được một số câu từ trong Hiến pháp 1992 còn khá dài hoặc chi tiết một cách không cần thiết như quy định của các Điều 61 về quyền hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe, Điều 63 về quyền bình đẳng nam nữ; Điều 67 về thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi… Tuy nhiên, chúng tôi xin góp một số ý sau để các điều thể hiện sao cho chặt chẽ, hợp lý và rõ ý hơn:

Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 15 dự thảo nên bổ sung để ghi: Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm thực hiện bằng các công cụ, thiết chế theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, tại Điều 20 dự thảo nên đưa Khoản 2 quy định về “quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và luật quy định” lên vị trí Khoản 1 và đưa Khoản 1 quy định về “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” xuống vị trí Khoản 2, sau đó Khoản 3 là “công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”; đồng thời, xem xét, cân nhắc bổ sung quy định “công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm” để buộc các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý.

Thứ 3, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quy định bổ sung, sửa đổi của dự thảo khi đưa khái niệm “mọi người” rộng và bao hàm hơn thay cho khái niệm “công dân” trước đây vào đối tượng hưởng quyền dành cho người dân. Cụ thể, quy định: mọi người bình đẳng trước pháp luật (Điều 17); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 37), về thân thể và đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 22); quyền dự do tín ngưỡng (Điều 22); quyền khiếu nại tố cáo (Điều 31); quyền nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng tạo văn học nghệ thuật (Điều 43); hưởng thụ các giá trị văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44); quyền sống trong môi trường lành mạnh (Điều 46); quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp; quyền sở hữu tư nhân (Điều 33)…

Cuối cùng là quy định về an sinh xã hội theo Điều 35 dự thảo: Theo chúng tôi, quy định như vậy là ngắn gọn, nhưng nên bổ sung để đầy đủ hơn về nhóm đối tượng chính sách xã hội rất đông và khá nhạy cảm ở nước ta là: “Công dân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được hưởng, đảm bảo các an sinh xã hội”. Quy định như trên là thể chế hóa một thực tế cũng như chủ trương của Nhà nước ta là xã hội hóa, việc hưởng và đảm bảo các an ninh xã hội hiện nay không chỉ do Nhà nước mà còn do các tổ chức, cá nhân, quỹ từ thiện giúp đỡ, tài trợ...


Nguyễn Hải

Một số điều cần được thể hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO