Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau
(Baonghean.vn) Rau là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin các loại, chất xơ và khoáng chất... Chính vì vậy, trên rau có rất nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại. Để phòng trừ sâu bệnh hại rau, đa số bà con nông dân đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên rau hiện nay phải đạt được 2 yêu cầu là bảo vệđược năng suất - phẩm chất, đồng thời không độc hại với các loại sinh vật có ích, an toàn cho con người và môi trường.Để giúp người trồng rau có được sản phẩm an toàn và chất lượng, chúng tôi xin giới thiệu một số cách khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau:
1. Chọn thuốc
Bà con chú ý chọn loại thuốc sinh học (như Vimatox, Vibamec, ViBT, Vineem...), thuốc hóa học ít độc hại thuộc nhóm độc 3 và 4, không nên sử dụng các loại thuốc tuy được phép lưu hành nhưng cấm sử dụng trên rau và thuốc thuộc nhóm độc 1, hạn chế sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm độc 2.
Thuốc sinh học thuộc nhóm vi khuẩn hữu ích như ViBT, Biocin, Dipel..., thuộc nhóm thảo mộc có chế phẩm Vineem, Rotenone..., thuộc nhóm chiết xuất từ vi nấm như Vertimec, Vibamec, Vimatox, Vivadamy...; thuốc từ virus có NPV, Seba...
Thuốc sinh học có tính chọn lọc rất cao, rất ít hại thiên địch, ít độc với người, thời gian cách ly ngắn nên thích hợp sử dụng cho rau an toàn.
Thuốc hóa học để phân biệt bà con nên chú ý dựa vào vạch màu và biểu tượng trên nhãn thuốc để lựa chọn.
Vạch màu đỏ - đầu lâu xương chéo đen trên nền trắng - nhóm độc 1 (không nên dùng cho rau quả).
Vạch màu vàng - chữ thập đen trên nền trắng - nhóm độc 2.
Vạch màu xanh dương - vạch đen không liên tục trên nền trắng - nhóm độc 3.
Vạch màu xanh lục - không biểu tượng - nhóm độc 4.
Khi mua thuốc dùng cho rau quả bà con cần xem và chú ý các biểu tượng này trên nhãn thuốc.
2. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc:
Trên thế giới và ở nước ta đều cho thấy bất kỳ một loại thuốc nào kể cả thuốc sinh học dùng trong một thời gian dài thì sâu trở nên kháng thuốc, khi đó hiệu lực thuốc sẽ giảm, nếu cứ dùng nữa phải tăng liều lượng dẫn đến tăng chi phí và mức độđộc hại.
Đối với rau quả các dịch hại như sâu xanh, sâu xanh da láng, sâu ăn tạp, rầy mềm, bọ trĩ, và nhất là sâu tơ rất mau lờn thuốc và dễ sinh ra nòi kháng thuốc.
Sử dụng luân phiên các loại thuốc trên rau, quả có tầm quan trọng để không làm sâu kháng thuốc.
3. Đảm bảo thời gian cách ly:
Các loại thuốc BVTV sau khi phun lên rau quả cần một thời gian để phân hủy hết nhằm không gây độc cho người ăn rau. Thời gian này lâu hay mau tùy từng loại thuốc đều có ghi trên nhãn, bao bì.
Rau quả có thời gian sinh trưởng ngắn, thuốc có thể phun đến sát ngày thu hoạch, vì vậy, muốn giữđúng thời gian cách ly khi cây rau còn nhỏ nên dùng thuốc hóa học, cuối vụ gần thu hoạch thì dùng các loại thuốc sinh học có thời gian cách ly ngắn, như vậy sẽđảm bảo trừ sâu cao và an toàn cho người sử dụng rau, quả.
Trần Thị Hoài Phương