Một số nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi
(Baonghean.vn) - Hiện nay, tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các dự thảo luật sửa đổi được các đại biểu quan tâm góp ý sôi nổi. Trong đó có Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang có nhiều ý kiến được dư luận chú ý, mong muốn các đại biểu sẽ có những đóng góp sát thực để luật được hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả tích cực nhất khi áp dụng.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
- Người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình là người có một trong các biểu hiện, hoàn cảnh sống sau: Đã từng có hành vi bạo lực gia đình; Có định kiến giới; Nghiện rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác; Nghiện cờ bạc, game bạo lực, văn hoá phẩm đồi trụy; Sống trong môi trường thường xuyên có bạo lực gia đình, có nhiều hủ tục cổ xúy cho bạo lực; Người không kiểm soát được hành vi bạo lực.
- Hành vi bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây tổn hại về thể chất, tinh thần; Bỏ mặc không quan tâm, không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc;
Bỏ mặc, bỏ rơi, không quan tâm, không chăm sóc, giáo dục thành viên trong gia đình là trẻ em; Phân biệt giới tính thành viên gia đình khi phân chia tài sản thừa kế; Miệt thị hình thể, giới tính của thành viên gia đình hoặc người sinh con có giới tính không như mong muốn của các thành viên khác trong gia đình.
Ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình với nhau; Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ;
Cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình; Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật; Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
Cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.
Chiếm đoạt, huỷ hoại tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình; Có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động, học tập quá sức hoặc ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Dự thảo Luật cũng quy định hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An triển khai nhiều mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu Mai Hoa |
- Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã: Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:
Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc, trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình;
Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, việc áp dụng biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Chậm nhất trong 12 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người yêu cầu biết. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Trưởng công an cấp xã, công an quản lý khu vực và Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc là người thực hiện huỷ bỏ quyết định đó khi có yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc khi thời hiệu áp dụng quyết định cấm tiếp xúc đã hết. Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.
Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ giám sát thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Trong trường hợp gia đình có đám cưới, đám tang hoặc các trường hợp đặc biệt khác, người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người ban hành quyết định cấm tiếp xúc để được tiếp xúc dưới sự quản lý của công an cấp xã nơi xảy ra tiếp xúc giữa người bị cấm tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình.
- Cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng:Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng trong các trường hợp sau đây: Có yêu cầu của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình;
Tòa án nhân dân tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định cấm tiếp xúc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết. Trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình phải tiếp xúc với nhau thì thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 33 Luật này.
- Giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc: Công an cấp xã tổ chức giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân. Người được phân công giám sát có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Khi phát hiện người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc, người được phân công giám sát có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện nghiêm quy định lệnh cấm tiếp xúc; trường hợp cố tình vi phạm thì báo cho Trưởng Công an cấp xã xử lý theo quy định pháp luật.
Các địa phương ở Nghệ An diễu hành tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu Hữu Hoàn |
- Những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 4 Luật này. Không chấp hành biện pháp ngăn chặn, xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật khi nhận được tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Sử dụng các ứng dụng của khoa học, công nghệ và các mạng thông tin xã hội nhằm kích động, xúi giục, giúp sức hoặc gây bạo lực cho thành viên gia đình. Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái với truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
- Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình: Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này; Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này; Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội;
Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; Được thông tin về các quyền và nghĩa vụ liên quan khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, xử lý vụ việc bạo lực gia đình; Khiếu nại, tố cáo và các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
- Trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình: Chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình. Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý, giáo dục hành vi bạo lực gia đình. Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. Chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.