"Một sự nhịn, chín sự lành"
(Baonghean) - Chẳng biết tự khi nào mà trong cuộc sống xuất hiện thành ngữ “Nhịn là nhục, nhường là thua” được khá nhiều người, nhất là giới trẻ coi như là một phương châm sống trong thời hiện tại. Có lẽ là do áp lực cạnh tranh trong công việc, trong làm ăn ngày càng tăng cao, nên người ta mới sáng tác ra câu nói cửa miệng như vậy để khích lệ nhau tranh đua vươn lên. Nhưng mặt trái của sự không biết nhường nhịn mà chỉ biết tranh đoạt hơn thua ở bất cứ việc gì và với bất cứ giá nào sẽ dẫn đến kết cục ra sao?
Để trả lời câu hỏi đó, xin dẫn ra câu chuyện mới diễn ra tại một đám cưới ở huyện nọ hồi đầu tháng 3 vừa rồi. Cả hai người đều quen biết nhau, người này hơn người kia 11 tuổi. Trong khi ăn cỗ, người lớn tuổi mời rượu người ít tuổi hơn, nhưng bị từ chối liền vung tay đánh vào mặt người trẻ. Người trẻ vội chạy về nhà lấy một con dao gọt hoa quả sang “nói chuyện”. Câu chuyện chỉ dừng lại khi những người có mặt tại đám cưới vào can ngăn và người lớn tuổi kia gục xuống, và sau đó tử vong trong bệnh viện... Chuyện chẳng đáng gì, nhưng kết thúc rất đau lòng. Nguyên nhân của hành động tàn nhẫn đó, có lẽ bắt nguồn từ việc thiếu sự nhẫn nhịn khi lòng tự trọng cá nhân bị tổn thương. Người mời rượu đánh người ít tuổi chắc vì cay cú nghĩ bị “thằng ôn con” coi thường, nếu nhịn thì là nhục quá nên phải “dạy cho nó một bài học để biết thế nào là lễ độ”.
Còn người trẻ không dưng bị đánh ngay trước mặt đám đông cũng uất ức không kém; lẽ ra mình ít tuổi hơn thì phải nhường, nhưng nhường là thua, là bị chê hèn,chê kém cỏi nên lửa giận bùng lên đến mất cả lý trí, dẫn đến hành động “dao trắng đâm vào dao đỏ rút ra”. Để rồi, người vong mạng, kẻ ngồi tù. Người đã mất thì không nói làm gì, kẻ còn sống kia chắc sẽ vô cùng ân hận vì chỉ một phút không kiềm chế đã đoạt mạng người khác, đánh mất tuổi thanh xuân và cả cuộc đời trong tù ngục; không biết sau này có đủ dũng khí để làm lại cuộc đời được không và tương lai thì gần như đã kết thúc. Có lẽ, lúc này kẻ giết người bất đắc dĩ kia sẵn sàng chấp nhận chịu thua, chịu nhục đến cả trăm lần miễn là không lặp lại kết cục kinh hoàng đó. Vậy nhịn có là nhục, nhường có là thua nữa không đây?
Dĩ nhiên, nhịn quá mức thì sẽ chịu nhục thật. Nhường quá thể thì sẽ bị thua thiệt thật. Vì thế, điều cần nhất là phải biết phân biệt lúc nào, việc gì cần nhường nhịn và trong việc nào thì kiên quyết không. Chứ đừng lúc nào cũng “vung cánh cung lên” với câu nói cửa miệng “Nhịn là nhục, nhường là thua”. Bởi từ xa xưa, người Việt ta đã có câu “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhường nhịn có thể thua thiệt một chút, nhưng chắc chắn sẽ được một thứ rất quý giá là an lành.
Tri Kỷ