Một thoáng lòng hồ Bản Vẽ

09/10/2011 14:47

Kể từ khi dự án Công trình Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) được phê duyệt, chúng tôi đã ngược xuôi dòng Nậm Nơn không dưới 10 lần. Và mỗi chuyến đi là một cảm xúc, một suy nghĩ trước những đổi thay của cảnh vật và cuộc sống nơi núi non hùng vĩ của miền Tây đất Nghệ.

(Baonghean) - Kể từ khi dự án Công trình Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) được phê duyệt, chúng tôi đã ngược xuôi dòng Nậm Nơn không dưới 10 lần. Và mỗi chuyến đi là một cảm xúc, một suy nghĩ trước những đổi thay của cảnh vật và cuộc sống nơi núi non hùng vĩ của miền Tây đất Nghệ.

Hành trình từ bến Thượng Lưu đến trung tâm xã Nhôn Mai mất hơn 3h chạy xuồng máy. Lúc bước chân lên xuồng, trời đổ mưa tầm tã, mưa kéo dài suốt cả cuộc hành trình và mấy ngày sau đó. Mặc cho gió thốc vào mặt, chúng tôi vén tấm bạt phủ làm mái che để ngắm cảnh lòng hồ qua làm mưa dày đặc. Khác với những lần trước, giờ đây lòng hồ đã tích đủ nước, các tổ máy phát điện đã đi vào hoạt động nên cuộc sống giữa lòng hồ dường như thưa vắng hơn rất nhiều. Giữa cảnh sông nước mênh mông, thi thoảng mới gặp một chiếc xuồng chạy ngược chiều và chiếc thuyền đơn mỏng manh của những người hành nghề đánh cá.



Một "xóm nổi" ven lòng hồ Bản Vẽ

Lòng hồ nhiều cá, từ đó xuất hiện những con người chuyên hành nghề đánh bắt cá và hình thành nên những "xóm nổi". Cư dân của những "xóm nổi" này vốn là người bản địa đã di dời về các khu tái định cư (chủ yếu ở huyện Thanh Chương) do cuộc sống khó khăn đành trở về "quê cũ" làm nghề đánh cá, phát nương làm rẫy và chăn nuôi gia súc. Ông Lương Văn Thắng, trước đây ở bản Cha Luôn, xã Luân Mai, nay về tái định cư tại xã Thanh Sơn (Thanh Chương) tâm sự: "Về quê mới bà con chúng tôi chưa thật sự quen với cung cách làm ăn mới, con cái lại đông nên phải trở về quê cũ đánh cá, làm rẫy và nuôi bò. Về đây cũng vất vả, cơ cực lắm, vì nhà cửa, làng bản đã chìm sâu dưới lòng hồ nên phải làm nhà nổi ở tạm, nước dâng lên tới đâu, nhà ở của chúng tôi nổi theo đến đó. Dự định trụ lại đây một thời gian để kiếm thêm đồng vốn rồi về Thanh Chương làm ăn, chứ không thể ở lâu dài được, vì cuộc sống ở đây cũng hết sức bấp bênh".

Đến địa phận bản Xiềng Lằm xưa (thuộc xã Hữu Khuông), chúng tôi cố ngoái nhìn dãy núi đá có tên Phả Chà Là, nơi có nhiều hang động đẹp và chứa đựng bao huyền tích được bà con dân tộc Thái lưu truyền từ đời này qua đời khác. Giờ đây, nước đã ngập tới lưng chừng dãy núi, không còn vết tích của bản làng, nơi một thời là trung tâm của xứ Mường Lằm đông vui và trù phú. Mặt nước dâng cao khiến các dãy núi bao quanh lòng hồ dường như thấp xuống. Có lúc, từng làn sương mù trên núi sà xuống và tan loãng giữa mặt hồ bao la. Và thật thích thú khi được ngắm nhìn những nương lúa mơn mởn ngút ngàn sắc xanh dọc các sườn núi. Một màu xanh gợi lên trong tâm tưởng về một sự hồi sinh, một sự ấm áp, no đủ và tràn đầy hy vọng.

Xuồng tiến vào địa phận xã Hữu Dương (cũ), chúng tôi cố đưa mắt tìm kiếm nơi cư trú của người dân bản Chà Coong. Cũng như nhiều bản làng khác ở khu vực lòng hồ, bản Chà Coong thuộc diện di dời về khu tái định cư ở Thanh Chương. Nhưng vì một vài lý do khách quan lẫn chủ quan nên đến nay nhiều hộ vẫn chưa chịu di dời. Người dân Chà Coong dựng lên những mái nhà tranh tre tạm bợ trên sườn núi để sinh sống. Cũng như các cư dân "xóm nổi", họ mưu sinh bằng nghề đánh cá, làm rẫy và chăn thả gia súc. Từ xa, trông bản Chà Coong thật bé nhỏ trước khung cảnh đại ngàn và mênh mông mặt nước lòng hồ Bản Vẽ.

Nước lòng hồ đã tiến sát ngã ba đường vào xã Nhôn Mai. Những lần trước, đến đây khách phải bước xuống xuồng và cuốc bộ men theo con đường mòn dọc sườn núi gần 1 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm xã. Nhưng bây giờ khách có thể thong thả ngồi xuồng để ngắm nhìn cảnh vật và khoảng hơn 10 phút sau đã có thể đến được xã Nhôn Mai. Giữa đại ngànhùng vĩ, giữa mênh mang sông nước, những bản làng trù phú bên dòng Nậm Nơn chỉ còn là trong ký ức. Vì dòng điện Quốc gia, vì lợi ích đất nước, người dân đã tự nguyện rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn đến vùng đất mới định cư...


Công Kiên

Mới nhất
x
Một thoáng lòng hồ Bản Vẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO