Một thoáng Thung Mây
(Baonghean) - Trong những chuyến đi bất định của tuổi trẻ, không nhớ nổi đã bao lần tôi ngẩn ngơ trước cảnh hồ nước diễm lệ và kỳ thú này. Hồ Thăng Hen (Cao Bằng), hồ Xuân Hương (Đà Lạt), hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng)… mỗi cảnh hồ tôi từng may mắn có dịp thưởng ngoạn đều để lại những kỷ niệm đẹp, thế nhưng, đặc biệt nhất vẫn là hồ Thung Mây (Quỳ Hợp)…
Thung Mây ngày đầu đông. |
Mấy mươi năm về trước, khu vực trung tâm Thị trấn Quỳ Hợp bây giờ được gọi là Túng Khoong – tức là Thung Mây, theo cách giải nghĩa của đồng bào dân tộc Thái. Hãy tạm quên đi những dãy nhà cao tầng san sát của ngày nay, và tưởng tượng, Túng Khoong ngày ấy đang là một thung lũng um tùm cây, hoang vu và rậm rịt. Mà nhiều nhất là cây mây, cây song. Thứ cây leo gai góc ấy một thời gắn bó với đời sống của người dân nơi đây: mây đan gùi đan sọt, mây có mặt trong các bộ phận kiến trúc nhà sàn… Có người giải thích, cái tên gọi Thung Mây lãng mạn hơn, rằng ở cái thung lũng ấy, những đám mây e ấp của trời cứ ngập ngừng quyến luyến quanh năm.
Dù theo cách hiểu nào, Thung Mây cũng đã trở thành “định danh” của một miền đất đẹp, và cứ hễ nhắc đến Thung Mây, những trái tim đa cảm chợt mềm dịu lại. Bên bát chè đâm, người dân bản địa vẫn kể cho khách nghe rằng: Ở giữa thung lũng này, có một dòng suối bắt nguồn từ dãy núi phía Bắc chảy về Sông Dinh, tên gọi là Khe Lang. Dòng suối quanh năm không cạn, điều hòa nhiệt độ cho cả vùng. Chính dòng suối ấy gợi cảm hứng cho những người lãnh đạo của Quỳ Hợp bấy giờ nảy ra ý tưởng cải tạo vùng Túng Khoong thành hồ nước rộng 13 ha, tạo cảnh quan sinh thái và điểm nhấn cho đất và người Quỳ Hợp.
Phải rất vất vả, chúng tôi mới tìm gặp được ông Lê Sỹ Mai - nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp. Hết công việc nhà nước, ông sống lặng lẽ ở bản Còn, xã Châu Quang. Năm nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cuộc đời nhiều đoạn trường có chuyện nhớ, chuyện quên, nhưng khi được hỏi về Thung Mây, về những năm tháng nhiệt huyết ấy, ông Lê Sỹ Mai thoắt hào hứng. “Cuối năm 1975, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thống nhất chủ trương cải tạo khu vực thung lũng là trung tâm Thị trấn Quỳ Hợp bây giờ thành một quần thể sinh thái, điểm nhấn là hồ Thung Mây, sau đó chuyển các cơ quan, công sở về xung quanh hồ. Chủ trương táo bạo này may mắn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, bởi ai cũng muốn quê hương mình tươi đẹp lên. Ban đầu, huyện chỉ định xã viên của các hợp tác xã trên địa bàn, sau đó huy động lực lượng đoàn viên thanh niên. Không khí lúc bấy giờ rộn ràng vui vẻ vô cùng, như một đại công trường!”.
Những nhân chứng của giai đoạn lịch sử ấy giờ đều đã lên ông, bà. Tha thiết tái hiện lại bối cảnh, không khí của một sự kiện trọng đại với mảnh đất Quỳ Hợp đã thôi thúc tôi tìm gặp họ. Từ UBND huyện Quỳ Hợp, đi bộ trọn một vòng hồ trong tiết trời đầu đông, dừng chân nghỉ lại ở rất nhiều quán nước ven hồ và cứ thế dò dẫm hỏi. Rốt cuộc, cũng lần được một đầu sợi chỉ ký ức. Người chủ tiệm mà tôi vào hỏi bảo: “Hình như mẹ tôi ngày xưa là xã viên Nông trang 12/9, cũng đóng góp vào cái Thung Mây này. Giờ cứ đi thẳng, rồi đến Nha khoa thì rẽ vào ngõ hỏi nhà bà Hạc!”. Ngôi nhà dễ nhận ra bởi hàng dây tóc tiên mềm mại. Bà Nguyễn Thị Hạc vóc người thấp đậm và có nụ cười hiền dịu. “Tôi quê ở Thái Bình, thuyền theo lái vào đây mấy chục năm, giờ giọng quê cũng phai phai”, bà Hạc nhỏ nhẹ bảo. Và rồi dòng ký ức xưa cũ được khơi mạch cứ thế chảy tràn…
Năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, hơn 500 đoàn viên thanh niên thuộc Nông trang 12/9, Tỉnh đoàn Nghệ An từ các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc… đã vượt qua nỗi nhớ quê hương và những khó khăn buổi đầu để đến với mảnh đất Quỳ Hợp, trong đó có Túng Khoong - nơi được xem là "rừng thiêng, nước độc" để xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi. Hành trang của họ ngày ấy là trái tim rực lửa và bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", bằng bàn tay và nghị lực của tuổi trẻ, sau một tháng, những đoàn viên thanh niên ưu tú đã biến nơi này thành khu kinh tế thanh niên.
Khu vực hồ hiện nay, thuộc đội 3 - Nông trang 12/9. Thời điểm bà Hạc xây dựng gia đình ở Quỳ Hợp và gia nhập lực lượng xã viên Nông trang 12/9, huyện đã có chủ trương cải tạo Túng Khoong thành hồ Thung Mây. Cùng với hàng ngàn xã viên, đoàn viên thanh niên đang ở độ tuổi sung sức nhất, bà Hạc đã trải qua biết bao ngày tháng đào đất, đắp đập ngăn dòng Khe Lang. “Làm việc có kể ngày đêm đâu, hăng say lắm. Buổi ngày lấm lem bùn đất, cứ anh này xuống đào thì chuyển lên cho anh kia đắp. Đêm xuống thì vào trại, vào lán dựng sẵn xung quanh đó thổi cơm, nấu ăn, đàn hát. Rộn ràng phấn khởi lắm”, bà Hạc nhớ lại.
Thung Mây đã trở thành dòng ký ức ngọt ngào của cả một thế hệ thanh niên trong công cuộc xây dựng quê hương. Những ngày tháng sôi nổi đó, không bao giờ bị lãng quên. Ông Trần Thọ Tuân - Nguyên Chủ tịch Thị trấn Quỳ Hợp - một trong những nhân chứng của sự thay da đổi thịt trên mảnh đất miền sơn cước chia sẻ: “Thời điểm cải tạo hồ Thung Mây, tôi đang là Bí thư Đoàn xã Châu Quang nên biết rất rõ việc huy động nhân lực. Riêng Châu Quang phải đến vài trăm đoàn viên thanh niên, còn tính cả huyện thì lên đến con số hàng ngàn. Hàng ngàn đoàn viên thanh niên đoàn kết một lòng, ai cũng tâm niệm làm hết mình, không ngại khó ngại khổ. Chỉ cần bắc loa thông báo ngày nọ ngày kia đến Túng Khoong lao động là đến ngay, quân số chuẩn không cần phải đếm.” Ngoài ý nghĩa là điểm nhấn giữa lòng thị trấn, hồ Thung Mây có điểm đặc biệt đó là nước không bao giờ cạn. Mạch nước ngầm dưới lòng đất sâu luôn đảm bảo cho hồ mực nước ổn định. Từ khi có hồ Thung Mây, nhân dân vùng này đào giếng tìm nước dễ dàng hơn. Trước đây, do cấu tạo địa chất, khoan sâu xuống 10, 15m mới có nước, nay chỉ cần khoan nông hơn đã có nước rồi, và nước mát, ngọt nhờ nước mạch ngầm của hồ Thung Mây.
Mạch nước mát trong đó đã tưới tắm tâm hồn của những con người yêu Thung Mây, yêu mảnh đất là một phần của xứ Phủ Quỳ huyền thoại. Đi trên bờ hồ se lạnh, giữa những tán xà cừ 40 năm tuổi, bất giác thấy lòng mình dịu lại. Những gốc xà cừ phải đến hai vòng tay người ôm, nâu thẫm một màu yên ấm và chở che. Thung Mây, nghĩ rộng ra, đó còn là biểu tượng sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc. Những đoàn viên thanh niên dân tộc Kinh, dân tộc Thái, dân tộc Thổ… đã nắm lấy tay nhau trong những ngày tháng dựng xây quê hương. Biết bao năm tháng đã trôi qua, hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Lang Minh Thuyến - nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Hợp với những câu thơ ông sáng tác thời trẻ: “Hồ ơi ta đã cùng nhau/ Thái, Thanh, Kinh, Thổ gởi sau tâm tình/ Hẹn lòng chờ đợi đinh ninh/ Hôm nay ta đã có mình bên ta…”.
Bài, ảnh: Phương Chi