Một thời Điện Biên qua hồi ức chiến sĩ ở Vinh

07/05/2013 10:30

(Baonghean.vn) - Vào dịp kỉ niệm 52 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2006, Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ của Thành...

(Baonghean.vn) - Vào dịp kỉ niệm 52 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2006, Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ của Thành phố Vinh (Nghệ An) cho ra mắt bạn đọc gần xa cuốn sách quý Chiến sĩ Điện Biên Phủ Thành phố Vinh. 68 chiến sĩ từng tham gia mặt trận Điện Biên, mỗi người một quê hương bản quán, nhiều người trong số họ hiện vẫn tiếp tục sống và cống hiến trên địa bàn Thành Vinh...

Sách dày 250 trang in, khổ 15x21cm, số bản in rất khiêm tốn: chỉ 400 cuốn trên giấy thường. Vậy mà từ lúc ra đời tới nay, Chiến sĩ Điện Biên Phủ Thành phố Vinh trở thành một ấn phẩm được khá nhiều độc giả đến Thư viện tỉnh Nghệ An hỏi mượn, với mục đích ôn lại lịch sử quê hương, dân tộc, bổ sung tư liệu cho bài giảng, bài học, bài báo, hoặc đôi khi chỉ là sự tìm lại gương mặt một đồng đội cũ!



Bìa sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ Thành phố Vinh"

Ban biên soạn dành 70 trang đầu sách giới thiệu lại một số bài viết có giá trị về Chiến dịch Điện Biên Phủ, của các tác giả từng trực tiếp làm nên sự kiện, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; của các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà báo có hiểu biết tường tận, sâu sắc về mặt trận Điện Biên... Thật cảm động, 52 năm sau chiến dịch, giờ đọc lại những dòng thư Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên ngày 11-3-1954: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn những rất vẻ vang... Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất! Chúc các chú thắng to! Bác hôn các chú”.


Ở Thành phố Vinh, có đến 68 chiến sĩ Điện Biên sống, làm việc, cống hiến, trong đó một số đã qua đời. Họ từng có mặt trong 5 Đại đoàn và các đơn vị phối hợp chiến đấu tại mặt trận Điện Biên. Trải qua thời kì chống Mĩ cứu nước, đất nước thống nhất đi lên xây dựng CNXH, họ tiếp tục có nhiều đóng góp xuất sắc, gương mẫu. Phần chủ yếu của cuốn sách Chiến sĩ Điện Biên Thành phố Vinh giành để giới thiệu về 68 người lính Điện Biên này. Mỗi người một tấm ảnh cỡ nhỏ, vài chục dòng tiểu sử binh nghiệp, những dòng kí ức về một thời trẻ trai sôi động, hay một bài thơ, một đôi câu đối...

Sau chiến tranh, họ trở về đời thường, mỗi người mỗi cảnh ngộ ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Chiến thắng Điện Biên Phủ tuy đã lùi xa nhưng lạ thay trên mỗi dòng mỗi chữ của các cựu chiến binh đều hiện ra chân thật, cụ thể, nồng ấm tình cảm đồng đội, tình quân dân cá nước, quan hệ ruột rà giữa tướng lĩnh với người trực tiếp cầm súng. Và cao quý, thiêng liêng hơn cả là tấm lòng của họ đối với Bác Hồ - vị Cha già của cả lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.


Qua từng trang sách, bạn đọc có dịp làm quen với cựu chiến binh Nguyễn Đình Chuân là “Lính pháo trong chiến dich Điện Biên Phủ”, cựu chiến binh Trần Đức Tuấn với “Voi ta hành quân đánh giặc”, cựu chiến binh Uông Nhật Hoàn với “Lái xe vượt qua nguy hiểm”, Anh hùng LLVTND Đặng Đình Hồ với “Chuyện hai người anh hùng”. Cựu chiến binh Trần Hợi thì say sưa kể về “Ngày ấy”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa nhớ lại thời điểm lịch sử “Đào hầm xuyên Đồi A1”, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng kể về sự kiện “Đánh chiếm Đồi Độc Lập”...



Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên thân mật Thiếu tướng Bùi Đức Tùng (Chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu IV)

Ông Bùi Đức Tùng (sinh 1928, quê Anh Sơn) nhớ như in: “Trận chiến đấu càng về cuối càng gay go, quyết liệt với ý đồ của chúng là ra sức cầm cự chờ đến sáng, lực lượng ở Mường Thanh sẽ ra cứu viện. Nhưng quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ ta thì kiên quyết giải quyết xong trước khi trời sáng. Trận đánh từ 3h30’ đến 6h30’ sáng ngày 15-3-1954 mới kết thúc. Quân ta hoàn toàn làm chủ Đồi Độc Lập...”. Sau chiến thắng Điện Biên, ông Tùng còn tham gia một số trận đánh lớn và thắng lớn thời chống Mỹ cứu nước. Gia đình ông có 3 anh em trai, thì cả 3 đều tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, và đều được trở về quê hương. Chỉ tính đến năm 1975 đất nước ta hòa bình thống nhất, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã có 30 năm binh nghiệp... Năm nay, ông đã ở tuổi 86. Một phóng viên báo Nghệ An có dịp gặp, trò chuyện với ông đã ghi lại: ở tuổi 86, mỗi ngày Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn giành thời gian, tâm huyết ghi lại kế hoạch, tác chiến, diễn biến cùng những kinh nghiệm rút ra sau mỗi trận đánh tiêu biểu, rồi ông cẩn trọng gói ghém gửi về đơn vị cũ giúp anh em làm “tư liệu sống”, bổ sung vào kho tài liệu truyền thống của đơn vị!




Gặp gỡ các chiến sĩ Điện Biên ở TP. Vinh.

Cựu chiến binh Trần Hợi (sinh 1935, quê Thanh Chương) thì say sưa kể chuyện sau chiến thắng Điện Biên, ông được giao tiếp nhiệm vụ giải tù binh về trại: “Lúc đầu giải tù binh ngụy. Đi được hai ngày thì anh Nguyễn Văn Sáng- trung đội trưởng- giao cho tôi một tù binh Pháp cao to gần gấp đôi tôi. Lúc đó, tôi mới 19 tuổi!”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (sinh 1930, quê Yên Thành) có vinh dự tham gia đào hầm ngầm dài 43m để đánh quả bộc phá gần 1000kg ở Đồi A1, một vị trí chiến lược rất quan trọng của quân Pháp được xây cất, canh giữ hết sức nghiêm cẩn... Bác Khoa tham gia suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Hòa bình thống nhất đất nước, bác về nghỉ hưu tại khối Liên cơ, phường Hưng Bình, TP.Vinh. Giữa đời thường còn nhiều thiếu thốn, vất vả, bác gái mất đã lâu, dù có công lao với Tổ quốc nhưng bác Nguyễn Văn Khoa vẫn sống hết sức giản dị, khiêm tốn, tham gia nhiệt tình, đều đặn các tổ chức văn hóa xã hội của khối, phường và được mọi người rất tin yêu, mến phục!


Còn đây là mấy vần thơ của cựu chiến binh Phạm Văn Ly (sinh 1934, quê Hưng Nguyên) để mãi “Nhớ đồng đội Điên Biên”:

Tôi trở lại Điện Biên lịch sử

Nén hương đặt trên mộ chí

Tổ quốc ghi công một anh hùng

Ngôi mộ không tên người chiến sĩ.

Còn nhiều, nhiều nữa những kỉ niệm, những vần thơ xúc động mà tôi không có điều kiện kể hết ra đây. 68 gương mặt trong cuốn sách Chiến sĩ Điện Biên Phủ Thànhphố Vinh đúng như Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình- nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu IV- viết ở lời giới thiệu: Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng các chiến sĩ vẫn hết sức nhiệt tình, gắn bó đồng đội bằng những cử chỉ cao đẹp.


Xuất bản từ tháng 5-2006, tới nay cuốn sách Chiến sĩ Điện Biên Phủ Thànhphố Vinh đã tròn 6 năm. Theo chúng tôi được biết, từ đó tới nay Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ Thành phố Vinh đã biên soạn, cho xuất bản thêm những tập mới dày dặn hơn, công phu hơn nhằm bổ sung vào những nội dung đã có. Đây chắc chắn là những bằng chứng sống có giá trị, góp phần làm nên những cuốn sử dày dặn, có giá trị hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, về lịch sử đánh giặc và thắng giặc ngoại xâm của Quân đội Việt Nam ta nói chung!


Kim Hùng

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Một thời Điện Biên qua hồi ức chiến sĩ ở Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO